Trong mùa dịch bệnh, những câu chuyện tranh cãi trên mạng xã hội gần như là một phản ứng vừa tích cực vừa tiêu cực. Đó còn là cách để cư dân mạng thể hiện những quan điểm của mình trong khuôn khổ pháp luật. Có thể thấy, mạng xã hội đã khiến con người hoang mang bởi quá nhiều tin tức mà không biết thật hay giả, rồi truyền qua tin nhắn, ai tin thế nào thì tin.
Đôi lúc chỉ một từ hay một cụm từ trong các văn bản có thể làm con người ta mất bình tĩnh đến nháo nhào, hay có người chỉ đọc cái tựa mà chủ quan không đọc hết văn bản/bài báo, dẫn đến tình trạng “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”.
Cũng là tâm lý bình thường, có người dễ tin, có người đa nghi, có người cần chứng cứ khoa học, có người nói và nghĩ theo cảm tính, người thích nói toạc móng heo, người điềm tĩnh uốn lưỡi bảy lần. Tuy nhiên, có thể thấy, trong lúc xã hội cần sự đồng lòng, chung tay, thì thận trọng trong phát ngôn cũng là cách để mỗi người đóng góp vào công cuộc chung. Những tranh luận rất dễ dẫn đến hiềm khích, nghi kỵ, nói xấu lẫn nhau...
Nhiều người cho rằng, bối cảnh căng thẳng lúc dịch bệnh đã khiến con người có những phản ứng bộc phát thiếu kiềm chế. Nghĩ thế cũng đúng, nhưng chưa phải. Vì ngay cả thời điểm không có dịch bệnh, con người đã có nhiều phản ứng trái chiều với nhau.
Trong phạm vi gia đình cũng có những vấn đề không đơn giản. Nhiều bà mẹ cho biết, chính việc “ngồi yên một chỗ” đã khiến các thành viên trong gia đình cảm thấy không thoải mái, sinh ra cáu gắt, chê bai, giận dỗi, stress…
Tài của bà mẹ là đây! Bao nhiêu năm qua, mỗi sáng mỗi người mỗi ngả, trưa cơm hộp, chiều có lúc không đầy đủ vì người bận học thêm, người công tác về trễ, người còn lang thang ngoài phố… Mâm cơm dọn ra, mình bà mẹ ngồi chờ đến khi cơm nguội canh lạnh, ngủ gục hồi nào không hay.
Tưởng đâu cả nhà có điều kiện gần nhau sẽ vui hơn, thế nhưng chưa phải. Bởi những ngày sum họp này dài quá, cái gì thừa mứa cũng ngán. Những cuộc tranh luận quanh mâm cơm là điều không tránh khỏi. Và tất nhiên có tranh luận sẽ nảy sinh những vấn đề động chạm riêng tư.
Phải biến tấu cuộc sống để thích nghi thôi. Tuy nhiên, xoay trở thế nào mới là chuyện khó, bởi không ai đoán biết khi nào mới hết những ngày dài lê thê không có việc gì để làm này.
|
Ảnh minh họa |
Một vấn đề nữa về kinh tế. Đâu phải gia đình nào cũng dư dả tiền bạc cho những ngày chỉ ngồi ăn, lo, rồi cãi nhau. Nhiều cửa hàng dịch vụ, doanh nghiệp đóng cửa dẫn đến việc thiếu hụt chi tiêu của người lao động. Như vậy, ngoài việc làm công tác hòa giải giữa các thành viên gia đình, tạo không khí vui vẻ, trách nhiệm, thì tài của bà mẹ còn là biết liệu cơm gắp mắm, chi tiêu hợp lý.
Từ những liệt kê trên để thấy những ngày cách ly xã hội là những ngày khó khăn, cần sự lạc quan, vui vẻ, hiểu ý nhau, tránh những khúc mắc có thể gây ra xung đột…
Nhiều hình ảnh tích cực trên facebook như các bà mẹ kể chuyện chế biến những món ăn ngon, cách thực hành món chưa có công thức chuẩn. Liệt kê những bộ phim hay đã xem, những cuốn sách dễ đọc, cách mua hàng online ở siêu thị, tập thể dục duy trì sức khỏe. Có bà mẹ đưa lên hình ảnh tự tay sơn lại căn nhà mà theo ý bà đây là dịp vệ sinh nhà cửa hiệu quả nhất. Nói chung, trăm kiểu “cách ly” tùy hoàn cảnh mỗi người, có thể áp dụng được cho mình hay không.
Có thể thấy, đây là dịp “biến đau thương thành hành động” hiệu quả nhất. Thay vì sa đà vào những tranh cãi vô ích, có thể dẫn đến hiềm khích, xung đột thì ta làm việc khác có ích, thú vị hơn. Có người khoe, từ ngày tự cách ly ở nhà đã ngốn hơn hai mươi bộ phim, toàn những phim hay mà trước đây vì bận bịu không có thời gian xem. Là dịp mở mang kiến thức, thưởng thức cái đẹp, trí tuệ của người làm nghệ thuật đã bỏ công sức cho ta tận hưởng.
Thật ra, chỉ lười biếng khiến con người chây ỳ, dễ có những ý nghĩ tiêu cực. Quyết tâm làm việc gì đó hay ho, có ích trong thời gian này là cách ly hiệu quả nhất.
Biến bất lợi thành thuận lợi, cái riêng của mỗi người sẽ thành cái chung góp vào xã hội. Để rồi mai mốt hết dịch còn có cớ khoe: “Tôi đã làm được những việc nọ, việc kia cho người này, người khác trong mùa dịch năm đó…”.
Hay quá phải không?
Kim Duy