|
Bãi Trăng Khuyết trong mây |
Biển quê vừa gần vừa xa
Đất Bình Định được biển ôm dài nhưng thuở bé chỉ biết đi học nên ngoài các bãi biển ở Quy Nhơn, tôi chẳng biết đâu nữa, mãi sau mới đi loanh quanh vài nơi mỗi khi có dịp về quê. Rồi một ngày bỗng thấy mình sao lâu nay xa lạ, hời hợt với biển quê, tôi rủ bạn chạy xe máy từ Quy Nhơn băng qua khu Nhơn Hội, bán đảo Phương Mai, Nhơn Lý, Cát Tiến đến điểm cuối là Lộ Diêu. Chúng tôi chạy tà tà tận hưởng gió biển, hít thở căng lồng ngực và nghe ra mùi biển mỗi nơi mỗi khác: nơi gió biển lẫn trong mùi lúa, nơi toàn mùi tanh tao của những sản vật từ biển…
Thiên nhiên đặc biệt ưu đãi cho Bình Định nhiều bãi biển đẹp và thơ mộng. Chẳng biết vì được ngắm biển đẹp và thưởng trăng yên mà nơi đây có nhiều nhà thơ hay ngược lại, vì có nhiều nhà thơ nên biển và trăng cũng thơ mộng hơn? Ví như ngồi trên đồi Thi Nhân nhìn xuống sẽ thấy bãi biển vòng cung trải dài dọc đường Xuân Diệu, người ta đã đặt tên là bãi Trăng Khuyết.
Sớm tinh mơ, từ bãi Trăng Khuyết, chúng tôi chạy ra khỏi thành phố, băng qua cầu Thị Nại theo Tỉnh lộ 640 về hướng Đông Bắc. Chúng tôi cứ đi, không định trước, thấy nơi nào đẹp thì dừng lại ngắm. Mặt trời đỏ au đang ngoi lên bên biển. Trời và biển nối tiếp nhau từng đoạn, mênh mông, khoáng đạt. Qua khỏi khu vực Nhơn Lý, từ Tỉnh lộ 640 rẽ qua Tỉnh lộ 639 hướng về huyện Phù Cát, chốc chốc lại gặp những ụ cát ven đường và những hàng phi lao chắn cát vi vút gió.
Chúng tôi dừng lại biển Trung Lương (xã Cát Tiến, huyện Phù Cát). Trên con đèo nhỏ, nghe sóng đánh vào đá núi, nhìn xuống liền thấy hiện ra một đoạn biển vòng cung ôm vào chân núi. Trước mắt chúng tôi là không gian bao la để ngắm biển trời, núi Bà và cánh đồng điện gió. Nơi đây có khu dã ngoại Trung Lương là điểm du lịch khá nổi tiếng với nhiều dịch vụ tiện lợi cho du khách như cắm trại, tắm biển, lặn ngắm san hô, thưởng thức hải sản…
Biển Đề Gi (xã Cát Khánh, huyện Phù Cát) cũng là nơi níu chân chúng tôi khá lâu. Gửi xe nhờ ở nhà dân, tôi và bạn băng ra biển phía sau dãy nhà, leo lên kè chắn sóng. Cảm giác đứng vươn ra biển, nghe sóng vỗ dưới chân thật khoan khoái. Bàn với nhau tiếp theo sẽ ghé Mũi Rồng hay Vũng Bồi nhưng rồi chúng tôi quyết định đi thẳng, ưu tiên cho Lộ Diêu - nơi sở hữu bãi biển rất đặc biệt.
Lộ Diêu hoang sơ và duyên dáng
|
Kè chắn sóng Đề Gi |
Phải dành một phần để nói thêm về Lộ Diêu - nơi chưa bị bàn tay con người làm biến đổi. Bãi biển này không chỉ đẹp mà còn đặc biệt vì địa hình của mình. Thôn Lộ Diêu thuộc xã Hoài Mỹ (thị xã Hoài Nhơn), giáp ranh giữa Phù Mỹ và Hoài Nhơn, nằm giữa 2 con đèo nhỏ nên đi từ hướng nam ra hay hướng bắc vào đều qua những cung đường đèo đẹp mà không nguy hiểm. Xổ đèo và đi vào con đường mòn, Lộ Diệu hiện ra, tách biệt khỏi sự xao động ngoài kia. Ngoài biển, nơi đây còn có núi và rừng phòng hộ.
Biển Lộ Diêu dài khoảng 4km, một đoạn cong cong ôm dọc bãi cát, một đoạn là gành đá nhiều hình thù, đoạn nữa là sóng vỗ thẳng vào núi. Bờ biển này còn hoang sơ, vài năm gần đây được biết đến nhiều hơn nhưng vẫn chưa khai thác du lịch, chỉ có vài quán ăn nhỏ và cho thuê lều trại phục vụ khách ghé thăm. Người dân trong tỉnh thỉnh thoảng rủ nhau ghé lại cắm trại, ngồi cà kê bên bếp lửa nướng hải sản, khoai sắn và sáng hôm sau dậy thật sớm để đón bình minh. Phải ngắm hoàng hôn và đón bình minh mới thấy hết vẻ duyên dáng của bãi biển này.
Lộ Diêu không rộng lớn, kỳ vỹ, thậm chí mang vẻ trầm buồn với tiếng sóng vỗ vào vách đá ngàn năm không ngưng nghỉ nhưng chỉ cần phóng tầm mắt khác đi một chút, bạn sẽ nhìn ra… những Lộ Diêu không giống nhau. Đứng ở gành đá Diêu Quang, nhìn ra xa là Bãi Con - nơi tàu thuyền thường tập kết về đó sau buổi đánh cá. Nhìn lại gần một chút sẽ là bãi đá mà nếu đi đúng mùa rêu xanh, nét đẹp của nó sẽ được tôn lên rất nhiều, “cận cảnh” là 2 phiến đá lớn nhất gành đứng gần nhau như tạo điểm nhấn khi luôn được sóng nước uốn quanh.
|
Ngắm san hô |
Lộ Diêu đẹp nhất vào lúc hoàng hôn và bình minh. Hoàng hôn xuống, chúng tôi lững thững ra biển ngắm cảnh và trò chuyện với những phụ nữ đang hái rong biển. Chỉ một lát sau, màn đêm đã buông xuống, bao trùm lấy biển. Ngoài tiếng sóng và lửa tí tách, chỉ còn lại sự tĩnh lặng.
Sáng hôm sau, chúng tôi dậy sớm đón bình minh khi mặt trời từ từ ngoi lên mặt biển. Biển bắt đầu ngày bằng một đoạn yên ả trong veo, sau đó là tiếng xôn xao khi ngư dân trở về sau một đêm đánh bắt. Ngư dân Lộ Diêu chủ yếu đánh bắt gần bờ bằng thuyền thúng và thuyền gỗ nhỏ. Mỗi sớm, chợ được nhóm một cách nhanh chóng, sau đó người ta chở cá và những loại hải sản khác ra các chợ ngoài bán. Dân làng chài Lộ Diêu sống nhờ biển và có cuộc sống khá sung túc.
Chúng tôi rời Lộ Diêu sau buổi bình minh, khi mặt trời đã vén hết màn đêm, đem theo trong tim vẻ đẹp nơi này.
Chọn nơi vắng vẻ
|
Vũng Bồi - Đề Gi |
Đi một vòng ven biển, không bận tâm nhiều đến những dịch vụ hay tiện ích khác vì chúng tôi muốn dành thời gian chiêm ngưỡng thiên nhiên, nhìn trời, ngắm màu nước đổi thay để áng mây, gió, nước và giọng nói nơi đây thấm tháp vào da thịt mình, nghe ra từng vùng biển mình chạy xe qua sẽ có mùi rất khác nhau. Chúng tôi ngắm biển khi yên khi động, rồi hiểu rằng nên trung thực như biển trong mọi cảm xúc.
Còn du khách, hãy cứ đi mà chơi với biển. Dọc các bãi biển kể trên không thiếu các dịch vụ hấp dẫn. Từ cảng biển Đề Gi, bạn có thể thuê ca nô hoặc thuyền nhỏ ra đảo Vũng Bồi. Mất khoảng 20 phút để gặp vùng biển hoang sơ, vắng vẻ và sạch sẽ với những phiến đá nằm rải rác quanh đó và đồi cát vàng rực mê ly. Ở đây, bạn có thể thuê ngư dân chở thuyền dạo quanh biển hoặc chèo sup, ngắm san hô, săn cá…
Từ Đề Gi đi thêm khoảng gần 20km, hỏi người dân hoặc Google Maps sẽ đến được Mũi Rồng - một gành đá khổng lồ vươn mình ra biển. Ở đây, cùng một lúc bạn có thể nghe được hơi mát từ đá tỏa ra, từ gió biển phả vào và cả cái nắng gay gắt của miền Trung.
Nếu đến Mũi Rồng vào khoảng giữa tháng Tư âm lịch, bạn sẽ được tham dự lễ hội cầu ngư và dĩ nhiên không thiếu đặc sản hát bội - loại hình nghệ thuật truyền thống của Bình Định. Đi dọc biển Bình Định bằng xe máy, bạn đừng quên ngắm nhìn đường sá: là những đoạn đèo cao cao và dưới chân đèo là biển, là đồng rộng 2 bên đường, là những ụ cát và vô số hàng phi lao...
Muốn khám phá Bình Định, bạn nên đi vào tháng Hai đến tháng Mười, biển đẹp vì chưa vào mùa mưa bão. Nhưng bạn phải lựa chọn: khoảng tháng Ba trời mát và biển ít xanh hơn còn vào mùa hè, trời nắng nóng nhưng biển vô cùng đẹp. Bạn có thể thuê xe máy từ khoảng 100.000-180.000 đồng tùy loại xe. Dọc đường, bạn sẽ gặp rất nhiều quán ăn ngon mà không sợ bị chặt chém. Đặc sản Bình Định là bún chả cá, bún rạm, bò lụi cuốn bánh tráng, cháo lòng bánh hỏi, bánh xèo tôm nhảy, bánh bèo, hải sản… |
Lam Hạnh
Ảnh: Dũng Nhân, L.H. và Internet