Những phế phẩm trong nông nghiệp, công nghiệp đang được biến thành các sản phẩm có giá trị, vừa giúp nhà nông, doanh nghiệp tăng thu nhập, vừa giảm lượng rác xả ra môi trường.
Vòng tuần hoàn tại chỗ
“Tại sao trước đây, ông bà ta không dùng hóa chất hay chế phẩm sinh học mà cây vẫn ít bị sâu bệnh tấn công? Đó là do họ duy trì được hệ sinh thái tự nhiên trong ruộng, vườn. Tôi cũng học theo đó để làm nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp tuần hoàn” - ông Nguyễn Lê Việt (Hai Việt) nói.
|
Sản phẩm thời trang làm từ bã cà phê thu hút sự quan tâm của nhiều khách hàng - ẢNH: NGUYỄN CẨM |
Gần 20 năm trước, ông Hai Việt tìm đọc nhiều nghiên cứu của các trường đại học lớn ở TPHCM về cách bón phân, trị bệnh cho cây trồng. Có nghe nói về nông nghiệp hữu cơ nhưng ông không thể tin rằng, các chế phẩm vi sinh có thể trị bệnh cho cây thay thuốc hóa học. Khi những vườn ớt của ông bị nấm bệnh, dùng mọi loại hóa chất đặc trị mà vẫn không cứu được, ông mới đoạn tuyệt với kiểu làm nông lệ thuộc hóa chất. Hiện ông là chủ nông trại 5ha nuôi trồng theo lối thuận tự nhiên ở huyện Bến Lức, tỉnh Long An.
Cách làm của ông là tận dụng nguồn phân gia súc, gia cầm để nuôi trùn quế rồi dùng phân và dịch trùn quế cung cấp chất dinh dưỡng, nguồn vi sinh vật cho cây trồng. Khi đó, ông không cần bán phân bò, phân gà với giá rẻ mạt để mua phân hóa học đắt đỏ. Khi trùn quế sinh sôi, ông lại dùng trùn quế làm thức ăn cho gà, vịt, khỏi mua thức ăn tổng hợp. Đây chính là sự tuần hoàn của vật tư tại chỗ, tuần hoàn lao động tại chỗ.
Nhờ đưa môi trường đất về trong lành nên vườn ông giảm được dịch hại. Khi có dịch bệnh, ông để cây tự kháng bệnh. Đã có những đầu mối thu mua các sản phẩm từ vườn của ông Hai Việt để phân phối cho người tiêu dùng ở TPHCM, TP Hà Nội. Ông cho rằng, nếu có nhiều nông hộ cùng hợp tác, sẽ có nguồn sản phẩm đa dạng, dồi dào hơn, tạo ra được những vòng tuần hoàn lớn hơn.
Những chuỗi sản xuất “tận dụng hết mức”
Đại diện Công ty cổ phần Thành Thành Công Biên Hòa (TTC Biên Hòa) cho hay, quy trình tuần hoàn đã giúp họ thiết lập được chuỗi giá trị từ cây mía. Theo đó, ngoài tinh chế nước mía thành đường, công ty còn dùng rỉ mật sản xuất thực phẩm, dùng bã, bùn thải từ quá trình tinh chế sản xuất các sản phẩm sáp để làm đẹp, dùng ngọn, lá, bã mía làm nguyên liệu sản xuất than hoạt tính, ván ép, viên nén, điện sinh khối…
|
Ông Nguyễn Khắc Tiến - Giám đốc Công ty TNHH Phát triển xã hội Dấu Chân Xanh - bên các sản phẩm được tái chế từ vỏ hộp sữa - ẢNH: NGUYỄN CẨM |
Nhờ cách làm “tận dụng mọi thứ” này, TTC Biên Hòa vừa giảm lượng rác thải, góp phần bảo vệ môi trường, vừa tối ưu hóa lợi nhuận. Giá trị thu được từ các phụ phẩm nêu trên thậm chí cao gấp 3-4 lần so với chính phẩm là đường.
Ông Phạm Minh Thiện - Giám đốc điều hành Công ty TNHH Thanh Bình - cho biết, sau khi thu hoạch lúa, công ty dùng cọng rơm và bã trấu sản xuất ra viên trấu để xuất khẩu, dùng cám vàng sản xuất dầu cám để xuất khẩu, dùng cám thường làm thức ăn chăn nuôi, dùng gạo tấm làm bột gạo và dùng bã bột gạo để làm thức ăn chăn nuôi. Hiện bã bột gạo có giá 9.000 đồng/kg. “Nói chung, sản phẩm nào trong chuỗi giá trị này cũng đang có thị trường tiêu thụ tốt” - ông nói.
Theo bà Trần Hoàng Phú Xuân - Giám đốc Công ty cổ phần Kết nối thời trang Faslink - kinh tế tuần hoàn đang được nhiều nước áp dụng, ngày càng lan rộng. 12 năm qua, Faslink đã tận dụng bã cà phê, lá sen để làm ra áo thun, áo sơ mi, vớ, mũ... Trong năm 2022, Faslink bán ra được hơn 3 triệu áo thun, vớ làm từ bã cà phê cho thị trường trong nước.
Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Hồng Quân - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế tuần hoàn (Đại học Quốc gia TPHCM) - cho biết, kinh tế tuần hoàn hiện nay đang được xem là công cụ, cách tiếp cận để hướng tới mục tiêu phát triển bền vững. Lâu nay, việc phát triển kinh tế luôn đi kèm những tác động tiêu cực nhất định đến môi trường và đời sống con người. Vì vậy, ngày càng nhiều nước hướng đến kinh tế tuần hoàn nhằm phát triển kinh tế mà không gây hệ lụy cho môi trường, thậm chí còn tạo giá trị mới cho môi trường, cuộc sống.
Cần thêm chính sách, khung pháp lý Kinh tế tuần hoàn ngày càng lan rộng do nó giúp nâng cao giá trị sản phẩm, đáp ứng được nhu cầu thị trường trong nước, các tiêu chuẩn xuất khẩu và còn do nông dân, doanh nghiệp ngày càng nhận thức được lợi ích của việc sản xuất gắn với bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, nhìn chung, số doanh nghiệp tham gia kinh tế tuần hoàn vẫn còn khá ít, năng lực triển khai còn khá hạn chế. Nguyên nhân là do Việt Nam còn thiếu cơ chế chính sách, khung pháp lý về mô hình này. Hiện nay, doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm đến 95% tổng số doanh nghiệp. Năng lực tài chính và công nghệ, nhận thức về kinh tế tuần hoàn của các doanh nghiệp vừa và nhỏ còn hạn chế. Chúng ta có vốn ưu đãi cho nông nghiệp nhưng vốn ưu đãi cho sản xuất xanh, trái phiếu xanh chỉ chiếm tỉ lệ nhỏ. Nếu không có chính sách hỗ trợ mạnh mẽ của Nhà nước hoặc thiếu sự kết nối với các quỹ tín dụng lớn nước ngoài thì doanh nghiệp khó có đủ sức làm kinh tế tuần hoàn. Kinh tế tuần hoàn tạo ra nhiều giá trị, không chỉ đem lại lợi ích cho doanh nghiệp mà còn cho cả đất nước và cộng đồng. Chỉ khi những giá trị này được thể chế hóa, luật hóa mạnh mẽ, được công nhận, doanh nghiệp mới có động lực cao hơn để tham gia. Các chính sách, khung pháp lý này không đòi hỏi có ngay một lúc nhưng cần được hoàn thiện, có kế hoạch cụ thể để doanh nghiệp khai thác từng bước một, xây dựng chiến lược dài hạn bởi hiệu quả của kinh tế tuần hoàn đến chậm, từ 5-10 năm. Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Hồng Quân Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế tuần hoàn |
Hướng đến mục tiêu “không bỏ đi thứ gì” Tổng khối lượng phụ phẩm trong nông nghiệp của Việt Nam hiện nay khoảng 158,8 triệu tấn/năm. Trong đó có 88,9 triệu tấn phụ phẩm sau thu hoạch từ cây trồng, từ quá trình chế biến nông sản (chiếm 56,7%), 61,4 triệu tấn phân gia súc, gia cầm từ ngành chăn nuôi (chiếm 39,1%), khoảng 4 triệu tấn từ lâm sản. Chúng đang được sử dụng trong chuỗi kinh tế tuần hoàn. Phụ phẩm nông nghiệp được dùng để sản xuất, chế biến thức ăn chăn nuôi, làm phân bón hữu cơ, sản xuất năng lượng tái tạo, sản xuất các loại dầu sinh học và năng lượng sinh học. Ngành nông nghiệp hướng đến mục tiêu “không bỏ đi thứ gì”, đặt nền tảng cho một thời kỳ mới là phát triển bền vững, xây dựng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh. Ông Phùng Đức Tiến Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hoa-Quang Bình (ghi) |
Nguyễn Cẩm-Đăng Thư
Bài 2: Bao giờ rác phát ra điện?