Thưa chú Ti Vi,
Cháu 15 tuổi, cách đây hai năm, một bạn trai trong lớp thích cháu, tìm mọi thời điểm như Noel, năm mới, chuẩn bị nghỉ hè, khai giảng, và tất nhiên là sinh nhật để tặng quà cho cháu.
Quà khi thì bánh gấu, vòng đeo tay, có khi là một chiếc kẹp tóc (tóc cháu dài, bạn ấy bảo rất thích ngắm cháu từ sau lưng). Cháu thích sự sôi nổi, nhiệt tình của bạn ấy, nhưng cháu chỉ thích như một người bạn, kiểu như vui vì có một người con trai để ý, thích và chăm chút mình; chứ cháu không yêu. Cháu lại lớn tháng hơn bạn ấy nên thích xưng chị - em với bạn ấy. Bạn ấy cũng xưng lại như vậy, có lúc xưng tên, hay tui - bà.
|
Ảnh minh họa |
Rồi tới dịp trường cho đi cắm trại, bạn ấy bày tỏ tình cảm. Cháu bảo chỉ xem như bạn thân còn chưa nghĩ gì sâu xa cả. Vậy là ngoắt một cái, bạn ấy bỗng dưng xem cháu như… kẻ thù. Bạn kiếm chuyện gây sự. Bạn lôi kéo các bạn nam lẫn nữ trong lớp xa lánh cháu. Cháu nói chuyện hay vui vẻ với ai là bạn ấy liền sinh sự với người đó. Đỉnh điểm là trong lần cháu và một bạn gái đang cùng tô màu một bức tranh, bạn ấy cố ý té vào để phá hỏng tranh, còn la lên: “Đừng tới gần con “ác quỷ” đó!”.
Cháu không hề tỏ vẻ tức giận, nhưng cháu thật sự bị tổn thương. Cháu tự nhủ, chỉ làm bạn thôi mà “em” còn không xứng đáng với “chị”! Tuy nhiên, cháu vẫn cảm thấy khó chịu mỗi khi bị quấy phá và càng thất vọng khi nhớ lại những điều vui vẻ với bạn ấy trước đây.
Cháu muốn không bị vướng víu, khó chịu, bực dọc về thái độ của bạn ấy nữa, xin chú hãy chỉ cách giùm cháu.
Cháu 15
Cháu 15 thân mến,
Biện pháp đơn giản nhất sẽ là chuyển lớp. “Xa mặt cách lòng”, câu này đúng với mọi loại “lòng”, yêu hay ghét. Nhưng ai mà biết được, khi qua lớp mới cháu lại gặp một thứ còn đáng ghét hơn thì sao?
Chú nghĩ, đây là một câu chuyện rất thực tế, chú cháu ta cần nghĩ ra một biện pháp mang tính nguyên tắc để có thể áp dụng vào các dịp tương tự.
Đầu tiên, chú sẽ không lập luận kiểu “dốc trơn” với cháu, tức là mọi việc cứ thế mà suy nặng lên, như tuột xuống một con dốc trơn không sao kìm được, ta gọi là bé xé thành to. Theo đó, chú sẽ KHÔNG nói với cháu như sau: “Cậu bé kia thật nguy hiểm. Chỉ vì bị từ chối mà nó xử sự như thế thì thật kinh khủng. Phải tránh xa nó ra kẻo có ngày nó làm điều dại dột, gây thương tích cho cháu, thậm chí hủy hoại nhan sắc cháu”.
Chú không nói thế vì chú không biết trước đó cháu đã khiến cho cậu bé ấy hy vọng tới cỡ nào rồi mới nói chữ “không” vào ngày cắm trại. Chú không biết hình dáng cậu bé ấy, học vấn, gia đình của cậu ấy… Ở đây có rất nhiều dữ kiện bị thiếu để mình có thể ước lượng hành vi của một người.
Nhưng qua lời cháu kể, chú mường tượng đây là một bạn trai hơi nhiều tính nữ (chữ “nữ” ở đây không mang nghĩa hạ thấp), cho nên theo chú là cháu… còn may. Bạn ấy đổ nhiều năng lượng vào việc thuyết phục mọi người tẩy chay cháu, và có lẽ sau chừng ấy cuộc “vận động hành lang”, bạn ấy cũng không còn nhiều sức mà nghĩ ra kế hoạch trả thù gì hơn.
Chú đồ rằng cậu bé ấy giờ cũng đã có lúc nghĩ lại, thấy xấu hổ vì xử sự của mình. Nhưng như thế có khi lại càng khiến cậu tức tối, cậu giận cháu thì một, giận mình thì hai; và vì còn trẻ con nên thay vì dừng lại, quên đi, thì cậu sẽ vùng vẫy theo một cách nào đó khiến cháu khó chịu.
Giải pháp sẽ là gì?
Phần cháu, chú thấy cháu đã làm rất đúng, nghĩa là không tức giận, không nặng lời trả đũa. Chú chỉ đang hơi lo: liệu cái sự bình tĩnh ấy có đi kèm với một cái vẻ khinh khỉnh, “tao coi mày là em út” mà các bạn nữ thiếu niên hay khoác vào không? Nếu có, cháu cần phải cất đi ngay. Với người bị mình từ chối, nếu trong lòng không thấy khinh thì đừng làm ra vẻ “tao khinh”; còn nếu có khinh thật thì cũng nên giấu biến ngay hộ chú.
Với các cháu, việc có một người theo đuổi như thế có thể được coi là một “chiến công”. Đã là chiến công thì ai cũng muốn tô đậm mãi, đậm hơn; nhưng theo chú, trong trường hợp này ta phải xóa mờ nó đi. Không nhắc chuyện này với ai nữa, kể cả đám bạn gái thân thiết nhất. Không bình luận gì về bạn kia, và nhất là không tỏ vẻ “coi khinh”.
Kế tiếp, cháu cứ nhớ rằng ai cũng có khuynh hướng vươn ra khỏi điều tồi tệ, để quên đi chính hình ảnh xấu xí của mình. Nếu cháu biến câu chuyện cũ thành nhạt nhẽo thì đó là cháu đang giúp cho cậu bé kia quên đi câu chuyện xấu xí do chính cậu gây ra. Còn làm sao để mình thành nhạt nhẽo thì có lẽ chỉ mình cháu biết, thường nguyên tắc là: làm ngược lại những gì ta đã khiến kẻ kia say mê.
Tuy nhiên chỉ thế thôi, đừng bao giờ giao du lại với cậu bé ấy nữa, lại càng không đứng nói chuyện với nhau ở một góc hành lang riêng tư, hay đi cùng xe một đoạn đường. Mọi việc vẫn nên RẤT cẩn thận.
***
Chú biết là mọi việc sẽ rất khó. Đời là vậy đấy rồi cháu sẽ thấy, trong tình cảm, khi ta muốn mọi việc thành nhạt nhẽo thường thì nó lại đậm đà lên. Nhưng mà xét cho cùng, chú cháu mình cũng chẳng còn phương án nào khả dĩ hơn, đành vậy!
Chú Ti Vi