Biên kịch Trần Thị Bảo Châu: Viết từ những mùa cỏ biếc

22/03/2019 - 17:19

PNO - Từ tiểu thuyết đầu tiên được in hồi đầu thập niên 1990 đến giờ, nhà văn Trần Thị Bảo Châu đã có trên 60 đầu sách. Nhưng giữa đường văn, bà chọn tiếp tục sự nghiệp theo hướng chuyển thể tác phẩm thành kịch bản phim.

Lặng lẽ viết qua hàng thập niên, cái tên Trần Thị Bảo Châu lúc nào cũng tạo niềm tin cho người làm nghề. Đi qua mùa biển động, Dòng sông định mệnh, Mùa cúc Susi, Lẩn khuất một tên người, Cỏ biếc (đạo diễn Nguyễn Quốc Hưng, đang phát sóng lúc 22g, thứ Hai đến thứ Bảy hằng tuần, trên kênh HTV9)… đều là những bộ phim hay, đề tài khác biệt và nhiều cảm xúc.

Nhà văn/biên kịch Trần Thị Bảo Châu đã ngoài tuổi 60. Những kịch bản bà viết/chuyển thể thường là nền tảng cho diễn viên trẻ cơ hội khẳng định khả năng diễn xuất hoặc sẽ trở thành phim được vinh danh tại các liên hoan phim truyền hình trong và ngoài nước. Nhưng tác giả vẫn lặng lẽ ẩn mình sau con chữ - như cách bà đã chọn sống và viết từ bao năm nay.

Bien kich Tran Thi Bao Chau: Viet tu nhung mua co biec

Biên kịch Trần Thị Bảo Châu vẫn viết mỗi ngày trong ngôi nhà yên tĩnh, nhiều cây xanh ở Q.7 - Ảnh: T.Q.

“Phim phát sóng, mình xem lại, thấy các em diễn viên trẻ đóng khá hay thì mình mừng. Nhiều khi nghe tin phim này phim kia được trao giải thưởng, xem như mình cũng đã góp một phần nhỏ vào thành công chung. Mọi thứ đều là công sức sáng tạo của cả tập thể. Điều tôi vui nhất là đã thực hiện được tâm nguyện của mình (chuyển thể tiểu thuyết của mình thành kịch bản phim) lúc mới bắt đầu viết sách” - biên kịch Trần Thị Bảo Châu chia sẻ.

“Những năm 1990, không có nhiều sách viết theo kiểu lãng mạn trữ tình. Những tác phẩm đầu tiên của tôi phát hành cũng trên dưới 10.000 bản. Tôi luôn mong đến một lúc nào đó, mình sẽ mang được các nhân vật từ trang sách lên màn ảnh, sống động hơn” - bà nói thêm. Bà kể, hồi đó, viết một cuốn sách được trả… một cây vàng, nhờ sách mà xây được nhà. Trên các diễn đàn đọc sách online, các truyện dài, tiểu thuyết của Trần Thị Bảo Châu đều đã được đăng tải. Đó cũng là lý do mà nhiều năm sau này, bà không cho tái bản tác phẩm cũ.

“Cũng không dễ thoát khỏi dấu ấn thời đại mình đã sống trong các tác phẩm, tinh thần của các nhân vật trẻ. Tôi vẫn luôn lắng nghe góp ý của các đạo diễn, diễn viên, để hoàn thiện kịch bản đời hơn, chân thật hơn. Ví như có em từng nói, nhiều câu thoại tôi viết còn nặng tính văn học quá hoặc bối cảnh khó quá, tôi sẽ tìm cách thay đổi, cân đối. Biên kịch vẫn luôn đứng sau bộ phim. Nếu phim được khán giả yêu thích, được vinh danh là mình vui. Không cần tên tuổi được nhiều người biết, làm tốt công việc và vui với chính mình là được rồi” - bà Bảo Châu bày tỏ.

Truyện/kịch bản của bà thường lãng đãng trữ tình, bối cảnh đa dạng, có biến cố, đầy xung đột, nhưng lúc nào cũng kết thúc có hậu. Nhờ vậy mà phim có nền văn hóa đa dạng để khai thác - từ miền biển đến miền núi… “Tôi không thích khai thác cái bi theo kiểu gào thét khóc lóc. Mọi câu chuyện mở ra nhiều nút thắt, nhưng sẽ theo thiên hướng cổ tích, nghĩa là kết thúc luôn vui, có hậu, để khán giả vẫn thấy có điều gì đó thật sự ngọt ngào. Cuộc sống này đã quá nhiều điều khiến chúng ta phải buồn bã, đau khổ rồi” - nhà biên kịch tâm sự.

Bien kich Tran Thi Bao Chau: Viet tu nhung mua co biec

Cỏ biếc - 
đang phát sóng trên HTV9

Cỏ biếc có bối cảnh khá khác biệt so với nhiều phim truyền hình thời gian qua. Tiểu thuyết cùng tên được viết từ cảm hứng về nhân vật “vua bò” - sở hữu đàn bò hàng trăm con ở Phan Thiết. Không gian truyện/phim mang màu sắc “cao bồi”, với những cuộc đấu đá khốc liệt từ thương trường đến thế giới tội phạm, xung đột đa tầng trong những mối quan hệ gia đình.

Hỏi về những trải nghiệm giúp bà có thể mang vào tác phẩm những không gian văn hóa đa dạng và đặc biệt đến vậy. Bà bảo nhờ đọc nhiều, vốn liếng quan trọng nhất là nguồn tư liệu. “Tôi từng bất ngờ khi biết có một tác giả người nước ngoài, viết truyện miêu tả không gian Huế rất hay, như thể ông đã đến đó. Nhưng hóa ra chỉ là ông đã đọc rất nhiều tư liệu, xem nhiều hình ảnh về Huế, nhờ đó mà viết được” - nhà văn bộc bạch.

Thời phim truyền hình phát triển, nhiều nhóm biên kịch, tác giả trẻ đổ vào guồng quay sản xuất kịch bản. Nhưng trụ lại và bảo chứng được cho chất lượng phim chỉ có vài người và họ vẫn lặng lẽ neo mình sáng tạo trên những dòng chảy. “Mỗi năm hoàn thành một kịch bản mới, cũng là chậm đi nhiều rồi. Nhưng mình vẫn cứ làm thôi. Còn nhiều tác phẩm tôi chưa chuyển thể được hết. Có điều, bây giờ xem được bộ phim nào hay mà thấy tên biên kịch trẻ, tôi đều mừng. Cần lắm một thế hệ mới theo đuổi cái nghề lặng lẽ nhưng cũng không ít vất vả này. Phải cùng nhau làm cho hay, cho tốt thì phim truyền hình mới phát triển” - biên kịch Trần Thị Bảo Châu ưu tư.

Ngồi với bà trong một trưa nắng tháng Ba, chợt trầm lòng khi nhớ những tên tuổi biên kịch của một thời, giờ cũng đã lẩn khuất, lặng im… 

Lục Diệp

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI