edf40wrjww2tblPage:Content
Nhiều người nói Châu Thổ là một trong những nhà biên kịch hàng đầu Việt Nam hiện nay, nhưng chị chẳng bao giờ muốn xuất hiện, phát biểu gì giữa “đám đông dư luận”, cứ lặng lẽ náu mình trong những câu chuyện đau đáu về thân phận con người. Từng học trường Tuyên huấn Trung ương, có hơn 5 năm làm báo Đồng Khởi (Bến Tre), gần 15 năm làm biên kịch, Châu Thổ (tên thật: Nguyễn Thị Bích Thủy, hiện là Giám đốc Hãng phim Sena) đã có nhiều tác phẩm hay, được khán giả yêu thích.
Ngay từ kịch bản phim tài liệu đầu tiên Di chúc của những oan hồn (đạo diễn Văn Lê) đã được trao giải Bông sen vàng tại liên hoan phim Việt Nam 2001, những kịch bản điện ảnh sau đó: Người đàn bà không hóa đá, Giá mua một thượng đế rồi kịch bản chuyển thể Trăng nơi đáy giếng đều tạo nên những dấu ấn khó quên. Cho đến khi bắt tay làm phim truyền hình, cái tên Châu Thổ lại dần dần trở thành “điểm tựa niềm tin” về chất lượng cho khán giả. Đề tài nào chị cũng có cách gieo được cảm xúc cho người xem bằng những câu chuyện rất đời. Từ Họ từng chung kẻ thù, Sóng tình, Ghen, Cha dượng, Ở lại thế gian, Gió nghịch mùa… đến loạt phim Trở về, Người giúp việc, Đường chân trời vừa được phát sóng.
Chấp nhận để bình an
* Có phải chị đã… chán bản thân nên lần này đổi phong cách viết kịch bản phim kinh dị-hành động?
Biên kịch Châu Thổ: Đúng là tôi đang thử mở một cánh cửa khác về cách thể hiện. Huyền thoại tím ly kỳ, huyền bí, nhưng cũng là một câu chuyện về nhân quả, đánh vào lòng tham trong tận đáy sâu của con người. Tôi chọn một báu vật trong ngôi chùa làm điểm nhấn cho phim và đó cũng là nguyên do cho những cuộc tranh giành, tội lỗi, tội ác, trả giá… Hành động là một thể loại viết hấp dẫn có thể dễ, nhưng thực hiện phim có như mong muốn hay không là chuyện khác. Tiết tấu phải nhanh, cuốn hút, các pha hành động phải liên tục, không được co dãn, ngắt đoạn, cầm chừng. Nếu không chịu đầu tư kinh phí thì không làm hay được.
* Hình như phim nào của chị cũng để lại thông điệp về nhân quả?
- Cuộc đời của tôi cũng là hiện thân rõ nhất của nhân quả. Suốt một quãng dài của độ tuổi lẽ ra phải là rất đẹp của người phụ nữ, tôi đã phải sống chìm đắm trong bể khổ của day dứt, đau đớn, cay đắng, chìm nổi, đối diện với những cảm xúc cùng tận trong chính mình vì những lựa chọn sai lầm của bản thân. Để rồi khi đã bình an, đủ trầm tĩnh, trải nghiệm, thì những vốn sống ấy trở về trong ngôn từ để tôi truyền qua tác phẩm, chia sẻ với mọi người.
Thăm phim trường Paramount Hollywood
* Có lẽ vì vậy mà những kịch bản phim về người phụ nữ của chị luôn đau đớn…
- Tôi rất thương phụ nữ Việt Nam, hình như không có ai là không đau khổ cả. Tôi đã đi và gặp quá nhiều số phận, đau cùng với họ. Đó chính là chất liệu để tôi viết. Mà có lẽ câu nói “văn là người” cũng rất đúng. Một người từng ôm nhiều nỗi đau, trải nghiệm nỗi đau, cho đến bây giờ vẫn thấy cuộc đời này sao mà có nhiều thứ bất công, phi lý và chua chát đến thế. Có những điều không nói ra được, cứ đau đáu trong lòng, tất cả tôi trải vào tác phẩm. Nhiều lúc tôi trăn trở vì đạo đức con người ngày nay sao mà xuống cấp, tệ hại quá. Mà nói ra thì người ta lại cho là ngồi vác tù và “buồn chuyện tào lao” (cười).
* Một người nghĩ cho cái chung, lý tưởng về những điều lớn lao thì bao giờ cuộc sống cũng bị hẫng nhiều ở mặt cảm xúc và cả tình cảm riêng tư. Chị có nghĩ như vậy không?
- Có câu “Gieo thói quen gặt tính cách, gieo tính cách gặt số phận”. Tôi từng sống đầy nhiệt huyết, lý tưởng, nhưng trong công việc, cũng từng vấp ngã với những cú sốc tinh thần. Cuộc sống riêng đầy thử thách nghiệt ngã, nhưng bây giờ nếu cho quay về quá khứ để chọn lại con đường, tôi vẫn sẽ đi như vậy. Bởi vì tôi nhận ra rằng, khi đã chấp nhận được mọi thứ thì cuộc sống sẽ nhẹ nhàng hơn. Có những điều nhìn lại, tôi mới thấy sao ngày đó mình… ấu trĩ đến thế. Bây giờ, tôi luôn lật ra bề sau của mọi thứ để tìm sự cân bằng cho cảm xúc.
Cô đơn là quà tặng
* Mất bao nhiêu lâu chị mới học được cách chấp nhận?
- Rất lâu. Đến mức tôi nghĩ sao lại có thể muộn đến thế. Phải ngoài 40 tuổi tôi mới nhìn thấu cái gọi là “nhân quả, duyên nghiệp”. Tuổi trẻ có ấu trĩ của tuổi trẻ, khi trải đời rồi vẫn còn u mê, mù quáng. Tôi nhớ năm 26 tuổi, lần đầu tiên viết kịch bản sân khấu Người tự nhận chức, nội dung chống tiêu cực. Người trong giới thì khen, nhưng kịch bản “trục trặc” mãi. Mấy năm đi làm báo cũng vậy, tôi toàn viết kiểu bài điều tra tham ô, đụng chạm quan chức địa phương nên thường xuyên bị… “điểm mặt chỉ tên”. Tuổi trẻ, lý tưởng ngút trời, cứ nghĩ mình sẽ làm được điều gì đó giúp “trong sáng bộ máy”. Từ đó về sau, tôi không viết “đánh” trực diện nữa, tôi ngộ ra là đừng bao giờ dùng đao to búa lớn mà hãy dùng “dao nhỏ” lách vào bên trong…
* Vậy có nghĩa chị rẽ sang nghề biên kịch vì “ấm ức ngấm ngầm”?
- Không, tôi lựa chọn biên kịch ngay từ đầu, nhưng có lẽ chưa đủ duyên nên phải đi “đường vòng” mấy năm qua nghề báo. Tôi vẫn thường nghĩ, nếu cuộc đời của mình êm đềm quá thì có lẽ không viết được như bây giờ. Nếu tôi có một gia đình hạnh phúc thì sẽ không có thể là tôi bây giờ. Nhưng tôi không nghĩ đó là mất mát, mà đó là quà tặng. Tôi nghĩ thượng đế đã dành cho mình một số phận như vậy, gặm nhấm nỗi cô đơn để thấy vị ngọt của nó. Tất cả những gì gặt được cũng đều do tính cách đã gieo.
Châu Thổ và đạo diễn Việt Trinh
* Chị thấy mình đã gieo gì, đề rồi gặt được gì?
- Thời trẻ tôi yêu cuồng chán vội, từ bỏ hết người này đến người khác, cho phép mình được lựa chọn và tự tin vào hạnh phúc. Nhưng đa mang thì vướng nghiệp. Cuối cùng tôi lại nợ một người đã có gia đình. Dù lý trí bảo dứt, nhưng trái tim không thể buông; dù tự bảo mình không thể để một người phụ nữ khác phải đau khổ, nhưng lại cứ mù quáng lao vào. Cuối cùng lại chấp nhận có con không đám cưới, gia đình không nhìn mặt, rồi vượt cạn một mình…
Tôi từng mong ước giản đơn là được mặc áo cưới, được đàng hoàng giới thiệu đó là chồng tôi, là cha của con tôi. Nhưng không được. Những đau khổ không bao giờ dừng lại nếu mình cứ đi theo trong u mê, trói mình vào trong những lẩn quẩn cảm xúc. Người tôi từng yêu không phải chỉ có tôi là “tình cuối”…
* Nghĩa là chị đi theo quan niệm: sự lựa chọn nào cũng có cái giá của nó?
- Những năm tháng ấy, ngoài đứa con, gần như tôi mất tất cả khi lựa chọn tình yêu nghịch duyên này. Dù biết anh có tình nhân mới và cũng lại có con với người ta, tôi vẫn không dứt bỏ được, lặn lội chạy án khi anh vướng vào vòng lao lý. Cuộc sống cứ chìm ngập trong bể khổ của những cảm xúc đau đớn cùng tận.
Tôi nhớ lần đi thăm anh, người phụ nữ kia cũng bế con đến tìm anh. Đứa bé chưa được nhìn mặt cha lần nào. Tôi để hai mẹ con vào thăm anh rồi một mình đi về; bước xuống từng bậc thang, tôi thấy cảm xúc của mình cũng rụng rơi dần. Từ đó tôi không bao giờ gặp lại cha của con tôi nữa. Đó là năm 1998, con tôi mới chín tuổi. Từ một người phụ nữ tự tin, tự chủ, đi đâu cũng có xe riêng, vậy mà lúc đó đến chiếc xe đạp chở con đi học tôi cũng bị lấy cắp. Hai mẹ con đi bộ về nhà, thằng bé cứ níu tay tôi hỏi: “Mẹ ơi, sao người ta lại lấy xe của mình?”.
Châu Thổ và tác giả Sơn Yên
* Có lẽ người ta nói đúng: với một người phụ nữ hoặc là cho họ hạnh phúc hoặc là để họ thăng hoa trong nghệ thuật bằng đớn đau.
- Cuộc sống càng sóng gió, đau đớn thì càng trở thành kho báu trải nghiệm cho chính mình. Với tôi, mọi thứ bây giờ đã qua rồi, cuộc sống đã bình an. Thật sự giờ đây thời gian của tôi là toàn tâm toàn ý cho nghệ thuật.
* Chị sẽ trở lại với kịch bản điện ảnh chứ?
- Tôi vẫn đang ấp ủ kịch bản phim điện ảnh, nhưng cần lựa chọn đúng thời điểm để phù hợp với số đông khán giả. Điện ảnh thời gian qua đã từ quá hữu đến quá tải, phim hài nhảm quá nhiều. Nhưng tôi tin, khán giả bây giờ đang bắt đầu đòi hỏi sự chuyên nghiệp chứ không phải phim hàng chợ. Tôi cũng không thể bỏ hàng mấy tỷ ra để làm phim chỉ để cù lét người xem. Với điện ảnh, không phải mình muốn là được.
* Xin cảm ơn chị!
TIỂU QUYÊN (thực hiện)