Bảng tên, huân huy chương: mua là có
Hiện trên mạng xã hội, có cả “chợ” mua bán huân, huy chương, các kỷ vật chiến tranh, quân trang, quân dụng các kiểu. Có những người muốn sưu tập các món này để nhớ về một thời oanh liệt của cha anh, nhưng cũng có người mua để giả danh, lừa đảo.
Huân chương Độc lập, băng kiểm soát quân sự, thậm chí cả biển công tác quân đội cũng được quảng cáo công khai trên mạng xã hội.
|
Lần theo các thông tin trên mạng xã hội, sau khi giao lưu, chúng tôi đã được nhiều “trùm” cung cấp huân huy chương tin tưởng và nhận “đơn hàng”. Chúng tôi cũng đến tận các cửa hàng trưng bày chính thức của Nhà máy Z... thuộc Bộ Quốc phòng, gặp nhân viên ở đó và đặt hàng.
N. là một nhân viên làm việc tại trung tâm trưng bày và giới thiệu sản phẩm của nhà máy. Trên con phố nhà binh, tại phòng trưng bày quy mô, hoành tráng và chính quy, nhóm phóng viên đã đến giao dịch và “mua hộ” anh bạn sưu tập ở miền Tây Nam bộ đủ thứ đồ. Ở đó, chúng được bán thành bó như con cá, mớ rau.
Khi chúng tôi đem tên của một nhà báo nổi tiếng ra thử nghiệm đặt hàng, với giá chỉ 100.000 đồng, ít ngày sau, chúng tôi nhận được bảng tên quân đội mang tên nhà báo đó. Khi chúng tôi đưa cho các sĩ quan chính hiệu xem, họ bảo giống 100%.
Những người bán hàng khẳng định, bảng tên đó được viết thêm vào danh sách cán bộ, sĩ quan quân đội cần làm bảng tên trong đợt xét duyệt gần nhất. Đại ý là sẵn phôi, sẵn nguyên vật liệu thì họ làm thêm bảng tên để bán.
Người bán thông báo bảng tên mà khách đặt đã về.
|
Tuy nhiên, do thử nghiệm nên chúng tôi không dám lấy hàng, sợ vi phạm pháp luật do sử dụng bảng tên giả.
Theo chúng tôi được biết, mỗi khi cần bảng tên mới (ví dụ do đánh mất), sĩ quan quân đội chính quy phải làm tờ khai báo, đề xuất và trình các giấy tờ cá nhân và phê duyệt của đơn vị, mới được làm. Với bảng tên vừa đặt làm (chính xác là mua được), chúng tôi hoàn toàn có thể đi… lừa đảo. Sau khi chúng tôi không lấy hàng, bảng tên vị nhà báo bị chúng tôi “mượn” danh được mang ra rao bán khắp nơi trên mạng xã hội.
Tiếp đó, chúng tôi đặt hàng gồm, đủ loại: quân hàm đại tá lục quân, trang phục quân đội, kèm theo Huân chương Độc lập, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng hai, Huân chương Chiến công, bảng tên...
|
Quân hàm, quân hiệu và trang phục quân đội đã được các đối tượng của Tập đoàn Đông Dương dùng để lừa đảo |
Một người tên Đ.H. trên Facebook khoe, có rất nhiều đơn đặt hàng tương tự. Anh ta nói, sẽ vào kho của quân đội bên nhà máy của Bộ Quốc phòng, lấy các món đó ra bán cho chúng tôi chứ anh ta không làm giả. Anh ta ra giá Huân chương Sao vàng, Huân chương Độc lập là 1,5 triệu đồng/chiếc rồi gửi thông tin tài khoản ngân hàng để chúng tôi chuyển khoản sớm. Chỉ vài ngày sau, anh ta liên tục gọi điện giục chuyển tiền, vì hàng đã được xếp gọn ghẽ trên bàn. Anh ta còn chụp ảnh, gửi qua Zalo cho chúng tôi xem.
Trước đó, cũng theo các đường dây kiểu này, chúng tôi đi cùng một người bạn, tận mắt chứng kiến anh bạn mua 6 loại huân, huy chương với giá chỉ 400.000 đồng.
Vậy là, nếu bỏ tiền mua các món hàng trên, chỉ cần vài thao tác chuyển khoản, với giá cực rẻ, chúng tôi đã có thể “lắc mình” để trở thành một người có bảng tên, mặc quần áo quân đội, đeo quân hàm đại tá lục quân, đeo lủng lẳng các huân, huy chương cao quý. Điều gì sẽ xảy ra sau đó? Chủ sở hữu những “món” này có thể vào vai cán bộ quân đội để lừa đảo, hoặc làm hồ sơ giả để hưởng chế độ, được không?
|
Theo người bán hàng, đây là một “đơn hàng” anh ta chuyển qua bưu điện cho khách, gồm cả băng kiểm soát quân sự |
“Luật pháp cũng có cái ngưỡng của nó”
Hiện vật khen thưởng (huân chương, huy chương, huy hiệu, kỷ niệm chương…) là sản phẩm đặc biệt, được Nhà nước bảo hộ để tặng/truy tặng cho tập thể, cá nhân khi được cấp có thẩm quyền quyết định khen thưởng. Các hiện vật này cùng với quyết định khen thưởng cấu thành việc khen thưởng. Việc tặng thưởng được thực hiện theo quy trình, quy định của pháp luật. Hành vi mua bán huân, huy chương, quân phục, quân hàm, quân hiệu, bảng tên kể trên có dấu hiệu của tội giả mạo trong hoạt động thi đua khen thưởng.
Nghị định số 82/2016/NĐ-CP (Chính phủ ban hành ngày 1/7/2016) nghiêm cấm cơ quan, đơn vị, tổ chức và cá nhân sản xuất, làm giả, làm nhái, tàng trữ, trao đổi, mua bán, cho, tặng và sử dụng trái phép quân hiệu, cấp hiệu, phù hiệu và trang phục của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Trường hợp vi phạm, tùy theo tính chất, mức độ, sẽ bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
Luật sư Trương An Tú (Đoàn luật sư TP.Hà Nội)
|
Chúng tôi tiếp tục đặt hàng mua cùng lúc ba loại huân chương với một đối tượng khác, người này cho biết: “Ba cái đó vẫn có nhưng phải theo đợt. Huân chương Sao vàng giá 1 triệu đồng/chiếc, Huân chương Độc lập 500.000 đồng/chiếc”.
Chúng tôi hỏi hàng thật hay hàng giả, người này nói: “Hàng của Công ty Z... Khi nào có đợt tuồn ra, tôi sẽ báo cho anh. Anh có Huân chương Dũng cảm, Hữu nghị chưa, tôi “ôm” luôn. Không nhanh là “bọn kho” nó chia nhau mất. Đang có mấy cái Huân chương Dũng cảm, Hữu nghị, Anh hùng dành tặng cho các chuyên gia, tướng lĩnh, giá 850.000 đồng/chiếc”.
Chúng tôi nói muốn đặt làm bảng tên, liền được đáp: “Anh muốn lấy loại nào, cựu chiến binh hay quân đội? Giá 100.000 đồng/chiếc, đợi khoảng vài tuần, có đợt nhà máy dập, tôi lấy cho”.
Chúng tôi giả vờ hỏi: “Các anh làm cái này cũng sợ nhỉ?”. Người bán nói: “Luật pháp cũng có cái ngưỡng của nó. Ví dụ, vượt đèn đỏ chỉ bị phạt hành chính 200.000 - 300.000 đồng nhưng tông chết người thì khác. Cái gì cũng có ngưỡng, ví dụ bảo tôi làm cái bằng chứng nhận huân, huy chương, tôi có thể làm được nhưng tôi không làm, bảo xem trong kho có khẩu súng nào không, mang ra cho tôi, cái đó cũng có thể ra được, nhưng mình phải biết ngưỡng. Anh nhắn cho tôi danh sách (các món đồ muốn mua) trước, để tôi tìm trong kho xem còn không”.
Khi nghe chúng tôi thuật lại việc mua bán nêu trên, đại tá - nhà văn Chu Lai nhận định: “Sự việc như vậy là quá nghiêm trọng”. Theo ông, với quân đội các nước như Mỹ, Nga, các sĩ quan cứ đến hẹn mà không phạm kỷ luật gì thì có thể ra phố mua quân hàm mà đeo, nhưng trước hết, họ phải là sĩ quan đã.
Một vụ giả danh sĩ quan quân đội để lừa đảo, bị Công an TP.Hà Nội xử lý.
|
Ở Việt Nam, lâu nay, họ vẫn bán quân phục ở ga Hàng Cỏ, ở phố Lý Nam Đế, nhưng nếu có chuyện bán cả quân hàm, bảng tên đeo trên ngực thì nó là một sự xúc phạm và sai phạm nghiêm trọng. Hành vi này có thể tiếp tay cho những kẻ có ý đồ xấu.
Đại tá - nhà văn Chu Lai nói thêm, theo nguyên tắc quân đội, khi bị mất huân, huy chương, người làm mất phải khai báo với đơn vị, sau đó đơn vị khai báo cho Cục Chính sách để làm lại. “Việc buôn bán “tự do” như trên là không được phép. Tất cả những cái thiêng liêng đó, người lính phải đổ xương máu mới có được, mà nỡ biến thành hàng hóa thì xúc phạm cả những người đang sống và những người đã hy sinh” - ông nói.
Những vụ giả danh sĩ quan lừa đảo gần đây
- Tháng 8/2018, Tòa án nhân dân tỉnh Lâm Đồng đã xét xử, tuyên phạt Lê Tiến Dũng 13 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Dũng làm nghề phụ xe chở hải sản từ TP.Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) vào TP.HCM. Năm 2015, Dũng mua quần áo sĩ quan quân đội, đeo cầu vai, quân hàm, bảng tên quân đội rồi chụp hình đăng lên tài khoản Zalo và khoe với mọi người là đang công tác tại Tiểu đoàn Kiểm soát quân sự Quân khu 7.
Giữa năm 2016, qua giới thiệu của một người bác, biết ông Nguyễn Văn Mác có nguyện vọng xin cho con trai vào trường quân đội, Lê Tiến Dũng đã tiếp cận, làm quen. Dũng khẳng định với ông Mác là mình có khả năng lo lót cho con ông Mác vào được trường quân đội. Ông Mác đã 4 lần chuyển tiền cho Dũng, tổng cộng 600 triệu đồng.
- Tháng 6/2018, Công an TP.Hà Nội đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt giam Hoa Hữu Long (54 tuổi, trú tại Q.Bắc Từ Liêm, TP.Hà Nội) cùng 4 bị can khác về hành vi lừa đảo. Long đã giả danh thiếu tướng quân đội, cùng đồng bọn mua sắm trang phục, quân hàm, quân hiệu, làm giả cả quyết định của Bộ Quốc phòng cho thành lập Tập đoàn Đông Dương, lừa tuyển dụng cả ngàn người, thu mỗi người từ 65 - 150 triệu đồng.
|
Nhóm phóng viên