Biên giới Tây Nam 'nóng' nạn buôn bán phụ nữ

04/07/2015 - 08:32

PNO - PN - Tình trạng mua bán người trên hai tuyến biên giới Việt Nam-Lào và Việt Nam-Campuchia diễn ra phức tạp, phương thức của tội phạm ngày càng tinh vi. Ngày 2/7, cơ quan chức năng ba nước đã thống nhất mở đợt cao điểm tấn công, trấn...

edf40wrjww2tblPage:Content

 Bien gioi Tay Nam 'nong' nan buon bán phụ nũ

Các cô gái Việt trong một nhà chứa ở Phnom Penh

 Mắc bẫy vì… bánh vẽ
Sáu tháng đầu năm 2015, lực lượng công an, biên phòng đã điều tra giải cứu 110 nạn nhân bị mua bán trên tuyến biên giới. Theo thống kê của Tổng cục Cảnh sát, từ năm 2014 và sáu tháng đầu năm 2015, các đơn vị bộ đội biên phòng đã phát hiện hơn 1.000 phụ nữ, trẻ em đi khỏi nơi cư trú với lý do đi làm ăn xa, chủ yếu là sang Campuchia và Trung Quốc.

Tuy vậy, phía sau danh sách này là những vụ mua bán người tinh vi và phức tạp. Với “bánh vẽ” đổi đời, lương cao, bọn buôn người đã dụ dỗ hàng trăm cô gái vào phục vụ trong các tiệm gội đầu massage, casino, trường gà, nhà nghỉ nhưng thực chất ép họ bán dâm. Nhiều nạn nhân muốn quay về đã bị chủ chứa đánh đập, đòi tiền chuộc.

D. (27 tuổi, quê Kiên Giang), một nạn nhân từng bị bán qua Campuchia kể: vào một ngày, khi đang làm ruộng, cô bị mẹ cô gọi về cho bà H., một người chuyên cho vay nặng lãi xem mặt. Bà H. thường cho gia đình D. vay tiền trả góp nên cha mẹ D. rất tin tưởng khi bà này hứa sẽ đưa D. lên TP.HCM làm việc với mức lương 800.000đ/tháng, bao ăn ở.

Ba ngày sau, D. nghỉ học theo bà H. ra Quốc lộ 80 cùng hai cô gái khác để đợi xe đến đón. Cả ba đều chưa một lần ra khỏi cái xóm nghèo nên lên xe nằm ngủ li bì cho đến lúc bà H. bảo xuống xe thì chỉ thấy phía trước là những cánh đồng hoang. Không biết đó là vùng biên giới Việt Nam-Campuchia, cả ba tiếp tục chuyển sang xe máy đi tiếp. Gần một giờ sau, lại được chuyển sang ô tô.

Đến điểm dừng cuối cùng, bà H. dẫn ba cô gái vào quán cà phê do một phụ nữ tên Ngọc làm chủ. “Lúc đó, thấy có nhiều người nói tiếng Khmer, em hỏi đây là đâu thì bà H. bảo trên Sài Gòn người ta không nhận người nữa, đây là… Campuchia”, D. nói. Nhận tiền từ bà Ngọc xong, bà H. đi về, để lại ba cô gái. Tại quán cà phê trá hình của bà Ngọc ở Svay Pak, bà Ngọc “nuôi nhốt” khoảng 60 cô gái, trong đó quá nửa là chưa đến đủ tuổi thành niên. Buổi tối đầu tiên ở quán số 10, D. và hai cô bạn đi cùng bị bà Ngọc tát, dùng cây đánh lúc nói về “cách tiếp khách”.

Tối hôm sau, cả ba bị bà Ngọc ép bán trinh cho khách nước ngoài. Mỗi ngày D. và các cô gái khác phải làm việc khoảng 14 tiếng, tiền khách đưa bà Ngọc giữ hết. Lần nọ, D. cùng ba cô khác định bỏ trốn, bà Ngọc bắt lại được, trói cả bốn người vào góc nhà, bỏ đói. Sau gần một năm bị đày đọa trong nhà chứa này, D. mới may mắn được giải thoát khi đường dây của bà Ngọc bị cảnh sát hai nước phối hợp triệt phá.

Trong một lần theo dấu các đường dây mua bán người qua Campuchia, chúng tôi ghi nhận có rất nhiều nạn nhân bị đẩy vào các động mại dâm trá hình. Thậm chí, tại đường số 47 Near Wat Phnom, Campuchia còn có một công ty đăng ký kinh doanh hẳn hoi, nhưng tại các tầng lầu có đến 200 cô gái bị đưa từ Việt Nam sang phục vụ các dịch vụ “mát mẻ”.

Ny, nhà ở Vĩnh Long. Năm 15 tuổi, cha mẹ ly hôn, Ny theo mẹ lên Bình Dương sống. Trước khi rời Vĩnh Long, mẹ Ny vay ba triệu đồng của một phụ nữ tên Châu để làm vốn. Công việc bấp bênh khiến mẹ Ny không trả được số tiền ấy và qua bàn tay “đạo diễn” của bà Châu, Ny “giúp” mẹ xóa nợ. Bà Châu hứa dẫn cô qua Campuchia làm việc với mức lương 300 USD/tháng. Thế nhưng, sang đến nơi, con gái bà Châu đưa Ny vào nhà chứa đánh đập, ép bán trinh.

Bien gioi Tay Nam 'nong' nan buon bán phụ nũ

Các casino và trường gà ở biên giới Tây Nam tuyển nhiều phụ nữ Việt

Mở cao điểm trấn áp

Trước tình hình phức tạp về mua bán người trên hai tuyến biên giới Việt Nam-Campuchia, Việt-Lào, ngày 2/7, cơ quan chức năng ba nước đã thống nhất mở đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm mua bán người ngay từ tháng 7 đến hết tháng 9/2015. Tổng cục Cảnh sát nhận định, các đối tượng tiếp cận với những cô gái mới lớn, phụ nữ ở vùng sâu, vùng xa, có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, không có việc làm ổn định để dụ dỗ, lôi kéo nạn nhân, lừa bán ra nước ngoài. Nhiều trường hợp, bọn buôn người tìm những phụ nữ đã từng làm gái mại dâm rồi rủ rê, hứa tìm việc làm ổn định, lao động nhẹ có thu nhập cao, sau đó tổ chức đưa chị em ra nước ngoài bán cho chủ chứa.

Cũng có trường hợp lợi dụng sơ hở trong môi giới hôn nhân, cho nhận con nuôi có yếu tố nước ngoài, đi du lịch, hợp tác lao động… để lừa nạn nhân ra nước ngoài bán.

Tổng cục Cảnh sát cũng lưu ý, tình hình mua bán, đánh tráo, chiếm đoạt trẻ em, trong đó có cả trẻ sơ sinh tại các tỉnh biên giới phía Bắc diễn ra khá phức tạp. Từ đầu năm đến nay, chỉ ba tỉnh Lào Cai, Hà Giang, Lai Châu đã diễn ra trên 20 vụ. Ngoài ra, tình trạng môi giới hôn nhân trái phép, tổ chức xem mặt chọn vợ cho người nước ngoài như Hàn Quốc, Trung Quốc, Malaysia, Đài Loan vẫn diễn ra phổ biến ở các tỉnh phía Nam.

Bên cạnh đó, bọn chúng còn sử dụng công nghệ thông tin qua email, chat, điện thoại di động để tán tỉnh, giả vờ yêu đương, dụ dỗ phụ nữ lên biên giới mua bán hàng hóa giá rẻ, sau đó tổ chức cho nạn nhân vượt biên, bán cho các đối tượng bên kia biên giới, ép bán dâm, ép làm vợ bất hợp pháp hoặc đưa vào các cơ sở sản xuất kinh doanh để bóc lột sức lao động. Các đối tượng hoạt động xuyên quốc gia có tổ chức chặt chẽ và tinh vi, có sự phân công cụ thể, từ việc lôi kéo dụ dỗ, dẫn đường đến việc kèm sát các nạn nhân khi qua biên giới nên ít nạn nhân trốn được.

Đại tá Nguyễn Xuân Bắc, Phó cục trưởng Cục Phòng chống tội phạm ma túy nhấn mạnh, lực lượng chức năng cần kiểm soát chặt biên giới, tập trung khu vực cửa khẩu, đường mòn, lối mở, các địa bàn trọng điểm. Trong công tác tuyên truyền, ngoài việc thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, cán bộ tuyên truyền của các ban ngành, đoàn thể, bộ đội biên phòng cần trực tiếp đến từng nhà, nói chuyện với từng người, tìm phương pháp, nội dung tuyên truyền phù hợp cho người dân.

Cũng tại buổi làm việc với đại diện hai nước bạn Lào và Campuchia, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương đề nghị cảnh sát ba nước cần quan tâm hơn nữa về phòng chống tội phạm ma túy, mua bán người, nhấn mạnh việc thiết lập đường dây nóng của cơ quan cảnh sát ba nước nhằm xây dựng cơ chế trao đổi thông tin, giải cứu nạn nhân kịp thời, truy bắt tội phạm và các đối tượng bị truy nã.

Trong tháng 5/2014, cơ quan chức năng Trung Quốc đã bắt giữ 18 nghi phạm liên quan đến các đường dây buôn bán phụ nữ quốc tế và giải cứu 12 phụ nữ Việt Nam. Theo điều tra ban đầu, từ năm 2014, thành viên của các nhóm này đã vượt biên trái phép vào Việt Nam, núp bóng các dịch vụ mai mối và tuyển dụng để dụ dỗ các phụ nữ người Việt sang Trung Quốc.

Sau khi đưa các “con mồi” đến điểm tập kết, bọn chúng đã tách họ ra theo nhu cầu “đặt hàng” của khách rồi đưa đi các tỉnh Hồ Nam và Sơn Đông để giao hàng. Đường dây này bị lộ tẩy khi cảnh sát Trung Quốc phát hiện bọn chúng đang “áp tải” một phụ nữ Việt Nam trên chuyến tàu hỏa từ Côn Minh đi Tế Nam vào cuối năm 2014. Mặc dù vậy, phải mất sáu tháng sau, các chân rết trong đường dây mới bị góc gỡ.

Nhóm PV CT-XH

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI