Biển Đông sẽ là chủ đề chính chuyến thăm Bắc Kinh của Ngoại trưởng Malaysia

07/09/2019 - 15:00

PNO - Tuần tới, từ ngày 9-14/9, Ngoại trưởng Malaysia Saifuddin Abdullah sẽ có chuyến thăm quan trọng đến Bắc Kinh theo lời mời của Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị.

Các nhà quan sát quốc tế cho rằng chuyến thăm Trung Quốc của ông Saifuddin – diễn ra chỉ một tuần sau chuyến thăm Hà Nội của Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad – sẽ tập trung vào đề tài Biển Đông và có thể mở ra các cuộc đàm phán về việc tạo ra một bộ quy tắc ứng xử tại Biển Đông.

Bien Dong se la chu de chinh chuyen tham Bac Kinh cua Ngoai truong Malaysia
Bắc Kinh tuyên bố yêu sách lãnh thổ gần như toàn bộ Biển Đông - Ảnh: Reuters

Một học giả nói rằng Kuala Lumpur, nước được cho là giữ lập trường cân bằng, đang đóng một vai trò quan trọng là người trung gian giải quyết những vấn đề đang nóng lên ở Biển Đông. Tuần trước, trong chuyến thăm Hà Nội, Thủ tướng Malaysia Mahathir kêu gọi các bên có yêu sách lãnh thổ cần “kiềm chế”.

Chuyến thăm Trung Quốc của Ngoại trưởng Saifuddin diễn ra đúng vào thời điểm sự căng thẳng đang “sôi sục” giữa Trung Quốc và một số nước láng giềng trong khu vực. Bắc Kinh tuyên bố yêu sách lãnh thổ gần như toàn bộ Biển Đông, trong khi Philippines, Việt Nam, Malaysia, Đài Loan và Brunei đều có các yêu sách lãnh thổ chồng chéo tại khu vực này.

Bien Dong se la chu de chinh chuyen tham Bac Kinh cua Ngoai truong Malaysia
Đảo Phú Lâm tại quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam bị Trung Quốc cưỡng chiếm, đây chỉ là một trong các đảo và rạn san hô ở Hoàng Sa và Trường Sa Bắc Kinh đưa ra yêu sách lãnh thổ - Ảnh: Roy Issa

Tại Manila, tháng 6 vừa qua những người biểu tình chống Trung Quốc đã xuống đường rầm rộ sau khi một tàu Trung Quốc đâm chìm một tàu đánh cá của Philippines và nhiều lần các tàu chiến Trung Quốc đi vùng biển Philippines tuyên bố chủ quyền.

Căng thẳng ở Biển Đông ngày càng gia tăng sau khi Trung Quốc điều một tàu khảo sát được các tàu cảnh sát biển hộ tống đến bãi Tư Chính do Việt Nam kiểm soát nhằm thực hiện mục tiêu ngăn chặn Hà Nội thực hiện các hoạt động khai thác dầu khí trong khu vực.

Đầu tháng trước, Bắc Kinh cũng sử dụng chiến thuật tương tự ngoài khơi Malaysia.

Bien Dong se la chu de chinh chuyen tham Bac Kinh cua Ngoai truong Malaysia
Ngoại trưởng Malaysia Saifuddin Abdullah sẽ gặp người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị tại Bắc Kinh vào tuần tới - Ảnh: SCMP

Ông Xu Liping, chuyên gia nghiên cứu cao cấp Viện Chiến lược Quốc tế thuộc Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, nói rằng mặc dù quan hệ Trung Quốc – Malaysia không êm đẹp gì, nhưng quan hệ này vẫn được đánh giá là “hữu hảo” và thực sự có thể hữu ích trong việc thúc đẩy các cuộc đàm phán về quy tắc ứng xử cho Biển Đông.

Trung Quốc cũng cần sự hỗ trợ của Malaysia trong cuộc chiến thương mại với Mỹ và mong muốn kết thúc các cuộc đàm phán về Quan hệ Đối tác Kinh tế Toàn diện khu vực (RCEP), một hiệp định thương mại tự do được đề xuất giữa 16 quốc gia châu Á - Thái Bình Dương.

Ông Xu cho biết, “Malaysia là một quốc gia cân bằng và ít cực đoan hơn (về các vấn đề Biển Đông), hiện đang đóng một vai trò hòa giải quan trọng”.

Ngoài ra, sau tuyên bố của Bắc Kinh và Manila trong chuyến thăm của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đến Trung Quốc hồi tuần trước, Trung Quốc và Malaysia cũng có thể xem xét thành lập một ủy ban thăm dò dầu khí chung ở Biển Đông, ông Xu dự báo.

Trước đó, trong tuyên bố chung của Thủ tướng Mahathir Mohamad với người đồng cấp Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, ông Mahathir kêu gọi tất cả các bên “tôn trọng hoàn toàn các quy trình pháp lý và ngoại giao, không dùng đến các hành động đe dọa hoặc sử dụng vũ lực”.

Nhà lãnh đạo Malaysia kêu gọi các cường quốc hạn chế sử dụng tàu quân sự trong khu vực để đảm bảo hòa bình và ổn định, an toàn và tự do hàng hải ở Biển Đông.

Tô Châu (Theo SCMP)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI