Biển Đông nhìn từ Vạn Lý Trường Thành

22/07/2019 - 07:28

PNO - Hơn một thế kỷ, đủ để nhận diện rõ khuôn mặt và bản chất tranh chấp, xâm phạm, bành trướng của Trung Quốc lên vùng biển thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam.

Tháng 5/1909, đô đốc Lý Chuẩn nhận lệnh của tổng đốc Lưỡng Quảng (Trung Quốc) Trương Nhân Tuấn đem theo ba pháo thuyền đổ bộ lên một vài đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.

Cuộc xâm phạm chớp nhoáng này mở đầu và kéo dài hành động xâm chiếm của Trung Quốc đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam cho đến nay.

Những ngày đầu tháng 7/2019, tức tròn 110 năm sau, tàu khảo sát Trung Quốc Haiyang Dizhi 8 (Hải Dương Địa chất 8) cùng hai tàu hộ tống số hiệu 3901 (12.000 tấn, có vũ trang) và 37111 (2.200 tấn) đã ngang nhiên vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, khảo sát địa chấn.

Hơn một thế kỷ, đủ để nhận diện rõ khuôn mặt và bản chất tranh chấp, xâm phạm, bành trướng của Trung Quốc lên vùng biển thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam.

Bien Dong nhin tu Van Ly Truong Thanh
Hơn một thế kỷ qua, bản chất bành trướng của Trung Quốc trên vùng biển Việt Nam đã lộ rõ

Cũng mùa hè năm 1909, chính quyền tỉnh Quảng Đông khi công khai cắm cờ trên đảo và bắn 21 phát đại bác của hải quân tỉnh Quảng Đông tại một số đảo ở Hoàng Sa (Trung Quốc tự gọi là Tây Sa), là chủ ý khẳng định “Hoàng Sa là đất vô chủ”, trước cột mốc 1909.

Trong khi, 93 năm trước cột mốc ấy, tức năm 1816, vua Gia Long đã biệt phái đội Hoàng Sa cùng thủy quân nhà Nguyễn ra thăm dò, đo đạc thủy trình và cắm cờ trên quần đảo Hoàng Sa. Hầu hết các tư liệu phương Tây xuất bản đầu thế kỷ XIX đều ghi lại bằng chứng lịch sử này.

Từ bấy đến nay, Trung Quốc, trong nhiều cứ liệu được trưng ra, cố ngụy tạo để gọi là “cổ sử”, thì dữ liệu tuyên bố “Tây Sa là đất vô chủ” từ năm 1909 là cú tự vả vào chính “gương mặt lịch sử”.

Từ cột mốc 1816 đến nay, Việt Nam, về mọi mặt đã chứng minh chủ quyền “chiếm hữu thật sự, liên tục, hòa bình” đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa theo các định ước pháp lý quốc tế đương thời, được nhiều quốc gia công nhận.

Những ngày này, nhân danh hoạt động thăm dò, khảo sát địa chấn, mang theo tàu hộ tống hạng nặng, có vũ trang, Trung Quốc ngang nhiên như đi vào chốn “vô chủ”, như ngày xưa, tự lờ đi, tự xóa bỏ mọi đặc quyền “có chủ” để vi phạm thô bạo vùng chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam.

Việt Nam, đã tỏ rõ tinh thần hòa hiếu, ý chí hòa bình khi thông qua nhiều cuộc tiếp xúc với phía Trung Quốc, triển khai các biện pháp phù hợp thực thi chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán đúng pháp luật nhằm bảo vệ vùng biển Việt Nam.

Bởi hơn ai hết, đất nước này, dân tộc này, trải ngàn năm Bắc thuộc, đi qua hai cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại, càng thấu rõ, giá trị của hòa bình là bất biến. Để có được hòa bình, phải bước qua chiến tranh, phải đi trong đổ nát, phải lớn lên từ mất mát.

Tha bổng cho kẻ vừa toan giết mình, giữ hòa hiếu với kẻ xâm lược mình, như lời của Ức Trai hơn 600 năm trước: “Nghĩ vì kế lâu dài của nước nhà. Tha kẻ hàng mười vạn sĩ binh. Sửa hòa hiếu cho hai nước. Tắt muôn đời chiến tranh” (Phú núi Chí Linh, Nguyễn Trãi).

Theo tiền nhân, ta “sửa hòa hiếu cho hai nước” nhưng âm mưu xâm chiếm, bản chất bành trướng, phía họ đâu chịu “tắt” cho muôn đời.

Từ trên đỉnh Vạn Lý Trường Thành, nhìn vắt qua con đường đá cheo leo, chập chùng, tôi tự hỏi, hàng ngàn năm trước, tổ tiên họ đã biết dựng thành lũy để ngăn chặn, chống trả sự xâm lấn của các lân bang, bộ tộc. Để rồi hàng ngàn năm sau, bức tường vô tận ấy vẫn sừng sững, mà bài học của tiền nhân lại được hậu thế hoán đổi bằng hành vi đi lấn chiếm, xâm phạm chủ quyền của các nước láng giềng.

Từ nơi cầu tàu, nhìn về dải lụa xanh Trường Sa Lớn, dưới những đợt sóng bạc đầu, tôi nhìn thấy nhấp nhô những hàng cọc, chắn sóng, giữ nhà. Lời dạy của cha ông thuở Bạch Đằng giang dậy sóng, vẫn nằm lòng, vẫn thao thức, cứ thôi thúc.

Xâm phạm chủ quyền của quốc gia này, bởi tính hiếu chiến và tham vọng vẽ lại bản đồ thế giới. Lún sâu vào cuộc chiến thương mại với quốc gia khác, bởi một phần cơ bản không tôn trọng và đảm bảo sự tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ của quốc gia ấy.

Trí tuệ của dân tộc Trung Hoa đáng được ngưỡng vọng. Chủ quyền của đất nước Trung Hoa luôn được tôn trọng. Nhưng trí tuệ ấy đang bất chấp tôn trọng sở hữu trí tuệ của nước khác, nhân danh chủ quyền để xâm phạm chủ quyền của một quốc gia khác.

Vẽ lại bản đồ thế giới làm gì, hãy nắn lại nhân tâm mình, đất trời theo đó mà thuận hợp, vần xoay.

Xây thành đắp lũy phòng vệ mà làm gì, khi tự rào chắn lòng ái quốc, coi rẻ hòa bình, vẽ vời vì đại cục.

* Bài viết có tham khảo chuyên luận Phản bác những luận điểm của Trung Quốc về chủ quyền tại Tây Sa (Hoàng Sa), Nam Sa (Trường Sa) và Nam Hải (Biển Đông) của Hãn Nguyên Nguyễn Nhã (Biển đảo Việt Nam: Lịch sử - Chủ quyền - Kinh tế - Văn hóa, nhà xuất bản Văn hóa Văn nghệ 2016).

Ái Mỹ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI