Chiến pháp “đấu” chiến pháp
Đại biểu Lê Thanh Vân (tỉnh Cà Mau) cho rằng, Trung Quốc từ bao lâu nay không bao giờ từ bỏ dã tâm và thủ đoạn để biến Biển Đông thành ao nhà. Để thực hiện dã tâm đó, Trung Quốc đang có “tam chủng chiến pháp”, đó là tâm lý, truyền thông và pháp lý.
“Trung Quốc đã rao giảng cho các thế hệ học sinh và rêu rao trên các diễn đàn rằng Biển Đông là của Trung Quốc. Về pháp lý, họ sửa lại diễn đạt của Công ước quốc tế về Luật Biển năm 1982 và trên thực địa thì tiến hành xâm lấn các quốc gia ven biển” - ông Vân phân tích.
|
Tàu khảo sát địa chất Hải Dương Địa chất 8 của Trung Quốc vi phạm trắng trợn vùng biển Việt Nam - Ảnh: Schottel |
Đưa ra đối sách, đại biểu Lê Thanh Vân cho rằng, chúng ta cần phải có “tam công chiến pháp” đối lại với Trung Quốc, đó là công luận, công khai và công pháp. Theo ông Vân, về công luận, phải đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, củng cố hồ sơ để chứng minh cho dư luận thế giới biết Biển Đông là của Việt Nam.
Công khai là phải công khai các hoạt động phi pháp của Trung Quốc cho thế giới biết, cho trong nước biết. Công pháp là sử dụng tối đa công cụ pháp lý, từ pháp luật quốc tế cho đến đến cơ sở pháp lý mà Luật Biển Việt Nam đã quy định. Ngoài ra, về lâu dài cần phải có đối sách căn bản và phòng thủ chặt chẽ để ngăn cản sự lấn tới, vi phạm trắng trợn của Trung Quốc trên Biển Đông.
Cùng quan điểm với đại biểu Lê Thanh Vân, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (tỉnh An Giang) đề nghị, cần công khai hoạt động chi tiết lấn chiếm biển đảo, vi phạm luật pháp quốc tế của Trung Quốc để dư luận tiến bộ Việt Nam và thế giới - bao gồm cả người dân Trung Quốc - được biết.
Theo ông Hiếu, các phương pháp được sử dụng trong thời gian qua không làm giảm lòng tham của Trung Quốc. Cần có thêm những biện pháp mới theo nguyên tắc bất di bất dịch là không bao giờ nhân nhượng những gì thuộc về độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ.
“Có rất nhiều ý kiến của cử tri đề nghị kiện ra tòa án quốc tế nhưng không chỉ kiện vụ việc Trung Quốc xâm phạm bãi Tư Chính mà là toàn bộ các hoạt động của Trung Quốc vi phạm chủ quyền Việt Nam tại Biển Đông trong suốt thời gian qua” - ông Hiếu nhấn mạnh.
Công khai và không né tránh
Là người có những phát ngôn tâm huyết về vấn đề Biển Đông, đại biểu Dương Trung Quốc (tỉnh Đồng Nai) đã có nhiều nhận xét tích cực đối với bản báo cáo của Chính phủ về công tác đối ngoại, trong đó có vấn đề Biển Đông. Nhưng theo ông, vấn đề này nên được trình bày một cách công khai để người dân được biết, thay vì họp kín.
Đại biểu Dương Trung Quốc cũng nhắc đến những “hạt sạn” trong bản báo cáo Chính phủ về kinh tế - xã hội đang được đưa ra thảo luận. Đó là, báo cáo này không nói rõ chủ ngữ của hành động vi phạm nghiêm trọng trên các vùng biển của Việt Nam, được xác định theo luật pháp quốc tế là ai. Bởi lẽ trước đó, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh cũng từng lên tiếng nói rõ Trung Quốc gây bất ổn ở Biển Đông, công khai trên diễn đàn quốc tế, nhưng báo cáo đọc trước Quốc hội - cũng là trước người dân - lại né tránh, thay thế việc chỉ đích danh Trung Quốc bằng khái niệm rất mơ hồ là “nước ngoài”. “Người dân thấy thế nào và người Trung Quốc thấy thế nào về cái tâm thế khó hiểu ấy?” - ông Quốc chất vấn.
|
Ông Dương Trung Quốc cho rằng, việc đối phó Trung Quốc là khó, phức tạp nhưng cái gì càng khó, càng phức tạp thì càng cần có sự đồng thuận của người dân |
Đại biểu này cũng đặt vấn đề, trong 50 hay 100 năm sau, thế hệ mai sau và những nhà sử học sẽ nhìn lại những văn kiện ngày hôm nay, họ sẽ nghĩ gì về thời đại này? Vì thế, cần phải thay đổi tâm thế trong việc giữ gìn môi trường hòa bình hữu nghị, nhất là với Trung Quốc.
Theo nhà sử học này, đất nước ta đã có cả một chiều dài lịch sử và đã có trải nghiệm sống hòa bình với Trung Quốc, có những thời kỳ kéo dài hơn ba thế kỷ, như vào thời nhà Lê. Ông cha ta biết cách ứng xử và vẫn bảo vệ chủ quyền, như vậy, rõ ràng chúng ta biết cách sống và học hỏi. Ảnh hưởng của Trung Quốc là không ít nhưng đất nước ta vẫn giữ được tự chủ, cả về chính trị lẫn văn hóa.
Nhận xét tình hình Biển Đông trong thời gian qua, đại biểu Dương Trung Quốc cho rằng, đó không phải là sự khiêu khích; nói trong một trường hợp nào đó, nó là bài toán thử để xem thái độ của chúng ta thế nào. Ông cũng tái khẳng định, việc đối phó Trung Quốc là khó, phức tạp nhưng cái gì càng khó, càng phức tạp thì càng cần có sự đồng thuận của người dân.
“Chúng ta không thể chỉ lên án, mà phải có tất cả những cách tiếp cận, đó là tập hợp người dân với sự ủng hộ của quốc tế. Tôi nghĩ, quan điểm này không xa với đường lối của Đảng và Nhà nước, nhưng nó phải rõ ràng. Quan trọng nhất là có được sự ủng hộ và đồng thuận của người dân” - đại biểu Dương Trung Quốc kết luận.
An Vũ