Biển Đông cũng biết được lòng người, huống gì...

21/08/2019 - 07:08

PNO - Ngoài kia, biển vẫn đang gầm gừ, chống trả những đợt cuồng phong của lòng tham vô độ, của thói bá quyền bất chấp, của những ngụy ngôn giả trá mang tên Trung Quốc.

“Chuyến đi biển này không trúng như mọi lần nhưng vẫn cảm thấy vui vì mình đã cứu sống được 22 ngư dân nước bạn”, “Họ có xin số điện thoại của tụi tui để cảm ơn nhưng tui thấy không cần thiết. Mình đều làm nghề trên biển cả, khi gặp nạn giúp nhau là điều đương nhiên thôi”… Những lời nói mộc mạc cùng nụ cười rám nắng, chân chất của những ngư dân Việt Nam vừa trở về trên tàu cá TG-90983. 

Họ cũng chẳng thể ngờ một hành động vốn dĩ… đương nhiên ấy đã từng nhận sự cảm kích của cả đất nước Philippines, lời cảm ơn của Tổng thống Duterte bởi “sự tốt bụng và lòng trắc ẩn này sẽ mãi được nhân dân Philippines ghi nhớ” - theo lời người phát ngôn của Phủ Tổng thống Philippines, Salvador Panelo. 

Bien Dong cung biet duoc long nguoi, huong gi...
Các thuyền viên trên tàu cá TG-90983 vừa trở về an toàn - Ảnh: Mậu Trường

Bởi với họ, những gì đã làm với các đồng nghiệp Philippines là lẽ thường, là điều nên làm của bất cứ ai ở trong tình huống ấy. 22 ngư dân Philippines trên tàu cá Gem-Ver 1 bị tàu Yuemaobinyu 42212 Trung Quốc đâm chìm ở khu vực bãi Cỏ Rong thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, rồi bỏ mặc sống chết giữa biển. Khi nhận tín hiệu cầu cứu, tất cả ngư dân Việt Nam tập trung cứu người. Sau đó thì nấu mì, dọn cơm, lấy quần áo của mình cho ngư dân bạn mặc, ủ ấm. 

Hình ảnh ấy, là một sự lặp lại diễn biến gần 200 năm trước. Trong hai châu bản ngày 27 tháng 6 năm Minh Mạng thứ 11 (1830) của quan Thủ ngự cửa biển Đà Nẵng Nguyễn Văn Ngữ đã có trình tấu về việc chủ thuyền buôn người Pháp là Đô-ô-chi-ly cùng tài phó Y-đóa trên đường sang Philippines giao thương hàng hóa thì gặp nạn ngay tại biển Hoàng Sa, thuyền bị mắc cạn, nước ngập vào thuyền hơn 8 thước. Chỉ tài phó và 11 thuyền viên chia nhau lên hai thuyền nhỏ theo gió về được bờ, còn thuyền trưởng thì bị trôi dạt. Chính Thủ ngự Nguyễn Văn Ngữ đã lập tức đưa thuyền tuần tiễu vượt cửa biển tìm kiếm. Cuối cùng đã cứu được thuyền trưởng người Pháp và các thành viên cùng khối tài sản, hàng hóa, cập cảng an toàn. 

Vua Minh Mạng ngự phê “đã xem”. Hai châu bản được Nội các gửi cho thương thuyền của Đô-ô-chi-ly làm bằng chứng xin thị thực nhập cảnh vào cửa biển Đà Nẵng. 

Bien Dong cung biet duoc long nguoi, huong gi...
Tàu cá Philippines được kéo vào bờ sau khi bị tàu Trung Quốc đâm chìm.

Từ Hoàng Sa tới Trường Sa, từ những thuyền viên Phú Lang Sa (cách gọi người Pháp) gặp nạn ngay trên vùng biển nước ta cách nay gần hai thế kỷ cho đến những ngư dân Philippines bị Trung Quốc đâm chìm, bỏ rơi trong vùng biển Việt Nam hôm nay, họ đón nhận duy nhất bằng một nghĩa cử, một hành hiệp “tốt bụng và trắc ẩn”. Họ chưa từng nghĩ, chỉ khoảng gần 30 năm sau đó, chính người Phú Lang Sa đã nổ phát súng đầu tiên đánh chiếm bán đảo Sơn Trà, Đà Nẵng. Họ cũng không quên rằng, những ngày này, tàu thăm dò địa chất và tàu vũ trang hộ tống của Trung Quốc đang ngang nhiên xâm phạm chủ quyền đất nước mình. Nhưng cứu người gặp nạn là việc cần kíp, là “điều đương nhiên”, không cần thiết phải nhận lời cảm ơn - như lời thuyền trưởng Nguyễn Thanh Tâm bộc bạch. 

Ngoài kia, biển vẫn đang gầm gừ, chống trả những đợt cuồng phong của lòng tham vô độ, của thói bá quyền bất chấp, của những ngụy ngôn giả trá mang tên Trung Quốc. Và biển, cũng đang lặng thầm làm chứng nhân cho lòng trắc ẩn, cho những nghĩa cử đẹp, bình dị giữa những ngư dân vẫn đang chung sống hòa bình, biết cách tôn trọng chủ quyền mỗi quốc gia và biết hành xử một cách văn minh, nghĩa hiệp. 

Ái Mỹ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI