Biến đổi khí hậu “tiếp sức” cho cháy rừng

04/03/2024 - 17:03

PNO - Các chuyên gia khí hậu ở Hoa kỳ cho biết, nhiệt độ cao kỷ lục và tình trạng hạn hán khiến cháy rừng có sức tàn phá và lan rộng hơn trước.

 

Không ảnh ghi lại đám cháy rừng chưa từng có tiền lệ ở bang Texas, Hoa Kỳ, vào ngày 27/2 — Ảnh: Reuters
Cháy rừng chưa từng có tiền lệ ở bang Texas, Hoa Kỳ, vào ngày 27/2 — Ảnh: Reuters

Trong bản tin ngày 4/3, CNN dẫn lời John Abazoglu, giáo sư khí hậu tại Đại học California, Merced, cho biết: “Chúng ta chắc chắn đã chứng kiến ​​nhiều vụ cháy ngày càng thảm khốc trên toàn cầu trong thập niên vừa qua”.

Vị chuyên gia khí hậu cho biết, điểm chung của các đám cháy là: “tốc độ cháy lan nhanh đáng kinh ngạc từ nhỏ đến lớn của từng đám cháy”. Theo Giáo sư Abazoglu, trong nhiều trường hợp, biến đổi khí hậu là nguyên nhân “tạo điều kiện cho các mùa cháy rừng diễn ra thường xuyên hơn và các đợt cháy rừng rất lớn”.

Ông Abazoglu cho biết, đám cháy rừng lớn nhất trong lịch sử bang Texas là vụ cháy Smokehouse Creek, chỉ vừa diễn ra tuần trước, ngọn lửa có lúc mở rộng thêm khoảng 150 sân bóng đá chỉ sau mỗi phút, đã thiêu rụi gần 300.000ha. Vụ cháy nghiêm trọng do sự hội tụ của nhiều yếu tố: cỏ rất dễ cháy và gió mạnh kết hợp với nhiệt độ cao kỷ lục và điều kiện khô hạn, do biến đổi khí hậu.

Vị giáo sư cho biết thêm, trận cháy rừng lớn nhất trong một thế kỷ qua ở Hoa Kỳ xảy ra vào tháng 8 năm ngoái, tàn phá thị trấn Maui, đã giết chết ít nhất 100 người. Tại California, 80% các vụ cháy rừng lớn nhất của bang đã xảy ra chỉ trong thập niên vừa qua, gồm cả vụ cháy rừng năm 2018 khiến 85 người thiệt mạng và phá hủy thị trấn Paradise.

Canada cũng ghi nhận hiện tượng cháy rừng ngày càng cực đoan, mùa cháy rừng tồi tệ nhất chỉ vừa xảy ra năm ngoái, thiêu rụi hơn 18 triệu ha, hơn gấp đôi kỷ lục trước đó. Ở châu Âu, đám cháy rừng mùa hè 2023 ở Hy Lạp là vụ cháy lớn nhất từng được ghi nhận ở cựu lục địa. Ở Chile, các vụ cháy vào đầu tháng 2 đã tàn phá nhiều khu vực, khiến hơn 130 người thiệt mạng.

Mike Flannigan, giáo sư nghiên cứu về cháy rừng tại Đại học Alberta, cho biết, nhiệt độ nóng hơn là nguyên nhân rõ nhất góp phần khiến cháy rừng ngày càng thảm khốc, nhiệt hút độ ẩm từ thảm thực vật khiến chúng dễ cháy hơn nhiều. 

Kaitlyn Trudeau, nhà nghiên cứu cấp cao tại tổ chức môi trường Climate Central, cho biết rằng Texas là một trong các bang bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi biến đổi khí hậu. Bà cho biết, chỉ riêng vùng Cao Nguyên Texas (Texas High Plains) phải trải qua thêm 32 ngày nắng ấm, khô ráo và nhiều gió so với thập niên 1970.

Trường An (theo CNN)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI