Biến đổi khí hậu tác động đến sức khỏe phụ nữ nhiều hơn nam giới

22/11/2023 - 18:02

PNO - Giới hoạt động đang kêu gọi lãnh đạo các nước lưu ý vấn đề phụ nữ trong chương trình nghị sự về biến đổi khí hậu, trước thềm Hội nghị COP28.

Bà Mamta Kumari ngồi nghỉ giữa lúc thu hoạch lúa mì tại trang trại ở làng Nanu, thuộc bang Uttar Pradesh, Ấn Độ, ngày 17/10 – Ảnh: AP
Bà Mamta Kumari ngồi nghỉ giữa lúc thu hoạch lúa mì tại trang trại ở làng Nanu, thuộc bang Uttar Pradesh, Ấn Độ, ngày 17/10 - Ảnh: AP

Các nhà hoạt động xã hội và nữ quyền đang kêu gọi cộng đồng quốc tế tìm giải pháp ứng phó tác động không cân xứng của biến đổi khí hậu đối với phụ nữ và trẻ em gái, đặc biệt ở những nơi nghèo đói, trong bối cảnh Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu lần thứ 28 (COP28), do Liên hiệp quốc (LHQ) chủ trì, sẽ diễn ra cuối tháng này tại thủ đô Abu Dhabi của Các tiểu Vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE), AP đưa tin ngày 21/11.

Chia sẻ với AP, cô Manju Devi ở Ấn Độ kể về công việc tại một trang trại gần Delhi. Cô phải đứng hàng giờ làm việc nặng và phun thuốc trừ sâu dưới cánh đồng nước ngập đến thắt lưng, giữa thời tiết nắng nóng. Khi nhập viện, bác sĩ chẩn đoán cô Devi bị sa tử cung và phải cắt bỏ.  

Cô Devi kể: “Tôi đã phải chịu đựng nỗi đau tột cùng trong nhiều tháng, sợ phải nói ra một cách công khai. Tôi không phải đợi đến khi phẫu thuật mới thấm thía tác động của thời tiết ngày càng nắng nóng”.  

Seema Bhaskaran, thành viên của tổ chức phi lợi nhuận Quỹ Thay đổi nông thôn Ấn Độ (TRIF), cho biết: “Phụ nữ ở các cộng đồng nông thôn vốn đã phải chịu gánh nặng của công việc nông nghiệp đòi hỏi nhiều thể lực, giờ càng vất vả hơn khi tình trạng biến đổi khí hậu khiến thời tiết thất thường và khắc nghiệt hơn”. 

Cô Bhaskaran cho biết thêm: “Mặc dù biến đổi khí hậu không trực tiếp gây ra chứng sa tử cung, nhưng nó làm tăng thêm những thách thức và tình trạng sức khỏe tiềm ẩn khiến phụ nữ dễ mắc các vấn đề tương tự”.

Chia sẻ với AP, cô Savita Singh cho biết, khi chồng cô chuyển đến Delhi làm thợ sửa ống nước, cô một mình cáng đáng công việc trên cánh đồng của gia đình. Đến lúc sản lượng lúa gạo và lúa mì giảm do biến đổi khí hậu và sâu bệnh gia tăng, cô Singh phải sử dụng hóa chất nhiều hơn.

Cô Singh kể: “Do sâu bệnh tàn phá hoa màu trong trang trại ngày càng nhiều, tôi phải tăng gấp 3 lần thuốc trừ sâu và phân bón mà không có thiết bị an toàn nào, hóa chất làm bỏng tay phải của tôi và phải cắt cụt ngón trỏ”.

Cô Babita Kumari kể rằng cô bị sẩy thai vào năm 2021. Cô cho rằng nguyên nhân vì cô phải làm công việc nặng nhiều giờ mỗi ngày ở lò gạch, dưới cái nóng gay gắt. 

Cô Kumari kể: “Mẹ và bà tôi đều làm việc trong lò gạch cả đời nhưng cái nóng cũng không khủng khiếp như vậy, dù họ cũng làm hơn 8 tiếng mỗi ngày như tôi. Trong 6-7 năm qua, tình hình ngày càng trở nên tồi tệ hơn và nắng nóng trở nên không thể chịu nổi, nhưng chúng tôi có lựa chọn nào ngoài việc chịu đựng”.

Shweta Narayan, nhà nghiên cứu và hoạt động môi trường tại tổ chức phi chính phủ Chữa lành mà không làm hại (HCWH), cho biết: “Phụ nữ, trẻ em và người già nằm trong số những đối tượng dễ bị tổn thương nhất trước các hiện tượng khí hậu khắc nghiệt”.

Trường An (theo AP)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI