Biến đổi khí hậu: Nguy cơ mất đi nhiều giá trị văn hóa, lịch sử, tự nhiên…

23/08/2023 - 06:19

PNO - Dưới tác động của nắng hạn, cháy rừng, lũ lụt, nước biển dâng và những thiên tai khác do biến đổi khí hậu, nhiều giá trị quý báu về tự nhiên và con người trên thế giới đối mặt với nguy cơ bị hủy hoại.

Thiệt hại không thể đong đếm

Vụ cháy rừng trên đảo Maui của Hawaii (Mỹ) vào ngày 8/8 đã trở thành thảm họa thiên nhiên nguy hiểm nhất trong lịch sử bang với ít nhất 114 người chết và 850 người mất tích. Do gió mạnh từ một cơn bão ngoài đại dương, đám cháy đã lan nhanh trong đêm, tàn phá nhà cửa, cơ sở kinh doanh, thiêu rụi nhiều hiện vật gắn liền với lịch sử của hòn đảo. Tổ chức phục hồi Lahaina - chịu trách nhiệm giám sát một số di tích lịch sử địa phương - tin rằng, hàng ngàn hiện vật làm bằng giấy, gỗ, gốm sứ hoặc vải đã bị thiêu rụi. Trong số đó có lá cờ nguyên bản của vương quốc Hawaii, được lưu giữ từ năm 1898 và những đồ vật cho thấy cuộc sống của người Hawaii bản địa cũng như cộng đồng người di cư làm việc trong các đồn điền từ cuối thế kỷ XIX đến giữa thế kỷ XX. 

Cô Sarah Salmonese ngồi thẫn thờ tại nơi từng là nhà của mình ở thị trấn Lahaina, Hawaii, Mỹ vào ngày 11/8 - 2 ngày sau khi khu vực bị trận cháy rừng tàn phá - Nguồn ảnh: New York Times
Cô Sarah Salmonese ngồi thẫn thờ tại nơi từng là nhà của mình ở thị trấn Lahaina, Hawaii, Mỹ vào ngày 11/8 - 2 ngày sau khi khu vực bị trận cháy rừng tàn phá - Ảnh: New York Times

Ở nhiều quốc gia khác, biến đổi khí hậu cũng tác động đến các di sản tự nhiên và lịch sử. Dù mới 23 tuổi, chàng thanh niên Mohammed Hamid Nour luôn hoài niệm về những đầm lầy ở vùng Lưỡng Hà của Iraq trước khi hạn hán làm chúng khô cạn. Nơi từng là cái nôi phát triển nền văn minh loài người từ hàng thiên niên kỷ trước giờ là một khung cảnh khô cằn và nứt nẻ. Mohammed mất 3/4 đàn gia súc khi hạn hán tàn phá các đầm lầy trong 4 năm liên tiếp.

Liên hiệp quốc cho biết vào tháng Bảy rằng, mùa hè năm 2023 chứng kiến đợt hạn hán gay gắt nhất trong vòng 40 năm, đồng thời mô tả tình hình là “đáng báo động” với 70% đầm lầy không có nước. Cả khu đầm lầy Lưỡng Hà và văn hóa của những người Marsh Arabs (hay Ma’adan) sống ở đó đều được UNESCO công nhận là di sản thế giới. Theo Liên hiệp quốc, Iraq là 1 trong 5 quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ các tác động của biến đổi khí hậu. 

Không chỉ những di sản trên đất liền, biến đổi khí hậu đang gây thiệt hại cho môi trường sinh thái trong lòng đại dương. Các rạn san hô ngoài khơi bờ biển Florida, Mỹ đang bị ảnh hưởng bởi hiện tượng tẩy trắng hàng loạt do nhiệt độ nước biển cao kỷ lục. Những dấu hiệu ban đầu cho thấy, một sự kiện tẩy trắng hàng loạt toàn cầu có thể đang diễn ra. Các rạn san hô hỗ trợ nghề cá và du lịch cũng như các ngành kinh tế biển liên quan. Chúng cũng là tuyến phòng thủ đầu tiên cho các cộng đồng ven biển chống lại hoạt động của bão. Sự kiện thời tiết El Niño mạnh dự kiến đẩy nhanh quá trình tẩy trắng san hô trong những tháng tới.

Khi cả quốc gia có thể biến mất

Các sự kiện khởi phát chậm do biến đổi khí hậu như mực nước biển dâng cũng nằm trong số tổn thất và thiệt hại hiện hữu. Những quốc gia Thái Bình Dương như Fiji, Tuvalu, quần đảo Marshall và Kiribati là nhóm dễ bị tổn thương nhất trên thế giới trước biến đổi khí hậu.

Vị trí địa lý và địa hình đảo san hô nằm thấp khiến những quốc gia này chống chịu kém trước các cơn bão nhiệt đới và mực nước biển dâng cao từ quá trình ấm lên toàn cầu. Khu vực Thái Bình Dương có truyền thống lâu đời về các chuyến đi biển, các giá trị cộng đồng và kết nối sinh thái. Đối với người dân, đất đai không chỉ là nơi để sinh sống mà còn là nền tảng của sự thịnh vượng về văn hóa và tinh thần. Đó cũng là nơi lưu giữ những câu chuyện về nguồn gốc của người Polynesia, các nghi thức truyền thống và các giá trị kết nối họ thành một cộng đồng. Sự gián đoạn bản sắc do mất đất được ghi nhận ở Fiji.

Những rủi ro khi nước biển dâng buộc Chính phủ Fiji phải di dời các làng Vunidogoloa và Narikoso vào sâu trong đất liền do ngập lụt thường xuyên, đất đai nhiễm mặn không thể trồng trọt. 

Đối với một số người dân Tuvalu, nỗi sợ đánh mất di sản văn hóa trong tương lai đã khiến họ “lo lắng, hồi hộp và mất ngủ”. 3 hòn đảo và 6 rạn san hô vòng tạo nên đất nước có tổng diện tích đất chưa đến 26km2. Đến năm 2100, 95% đất đai của Tuvalu sẽ bị ngập lụt bởi thủy triều định kỳ, khiến nơi đây về cơ bản không thể ở được. Cư dân Lily Teafa (28 tuổi) cho biết: “Bất cứ khi nào chúng tôi đi dã ngoại, đặc biệt là ở 2 đầu của hòn đảo, chúng tôi đều nhận thấy một mảnh đất đã bị biển cuốn trôi”.

Năm 2021, Simon Kofe - Bộ trưởng Tư pháp, Truyền thông và Đối ngoại của Tuvalu - đã gây chú ý tại hội nghị về biến đổi khí hậu COP26 khi ông đứng ngập đầu gối trong nước biển và nói với thế giới rằng: “Chúng ta đang chìm”.

Các sáng kiến ​​lớn hiện đang được thiết kế để bảo tồn quốc gia, chủ quyền và nền văn hóa của Tuvalu trong trường hợp xấu nhất. Trong đó có khuyến khích cộng đồng quốc tế hợp tác thực hiện các giải pháp chống biến đổi khí hậu, đảm bảo vị thế quốc gia và ranh giới biển của Tuvalu theo luật pháp quốc tế, đồng thời phát triển bản sao của quốc gia trên nền tảng kỹ thuật số. Bằng cách sử dụng công nghệ thực tế ảo tăng cường, các thế hệ người Tuvalu sẽ có thể tương tác với nhau trong không gian kỹ thuật số, giúp bảo tồn ngôn ngữ và phong tục chung, qua đó duy trì một nền văn hóa và một quốc gia hoàn chỉnh với kiến thức và hệ thống giá trị từ tổ tiên. 

Linh La

 (theo ABC, Guardian, TIME, Earth.org, CNN)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI