Biến đổi khí hậu làm gia tăng khủng hoảng nhân đạo trên toàn thế giới

14/12/2022 - 20:21

PNO - Theo nghiên cứu của Ủy ban cứu trợ quốc tế IRC, bên cạnh các vấn đề do xung đột vũ trang và suy thoái kinh tế, biến đổi khí hậu sẽ đẩy nhanh các cuộc khủng hoảng nhân đạo trên toàn thế giới vào năm 2023.

 

Mọi người ngồi trên nóc xe buýt trong khi những người khác lội qua con đường ngập nước trong mưa gió mùa ở Karachi, Pakistan ngày 27 tháng 8 năm 2020.
Người dân ngồi trên nóc xe buýt trong khi những người khác lội qua con đường ngập nước trong mưa gió ở Karachi, Pakistan vào tháng 8/2020

Tổ chức phi chính phủ IRC - có trụ sở tại New York, Mỹ do cựu chính trị gia Anh David Miliband đứng đầu - chỉ ra rằng, số người có nhu cầu hỗ trợ nhân đạo đã tăng vọt trong thập kỷ qua, đạt gần 339,2 triệu người so với 81 triệu người vào năm 2014.

IRC lưu ý, biến đổi khí hậu là một trong những yếu tố chính đẩy nhanh các trường hợp khẩn cấp về nhân đạo, mặc cho thực tế là 20 quốc gia trong danh sách theo dõi khẩn cấp của họ - như Haiti và Afghanistan - chỉ đóng góp 2% vào lượng khí thải CO2 toàn cầu.

"Năm 2022 đã chỉ ra vai trò của biến đổi khí hậu trong việc đẩy nhanh cuộc khủng hoảng nhân đạo toàn cầu. Sự thật này không thể phủ nhận" - báo cáo cho biết.

Theo báo cáo, những đợt mưa kéo dài kỷ lục đã "gây ra tình trạng mất an ninh lương thực thảm khốc cho Somalia và Ethiopia" và giết chết hàng nghìn người ở Pakistan.

IRC nhấn mạnh thế giới cần phải "chủ động đầu tư hơn nữa vào việc ngăn ngừa và giảm thiểu biến đổi khí hậu."

Trong khi đó, tình trạng mất an ninh lương thực đã lan rộng do xung đột Nga - Ukraine ngày càng gia tăng, cũng như cuộc khủng hoảng kinh tế từ đại dịch COVID-19.

Ngoài ra, khoảng cách giữa nhu cầu nhân đạo và nguồn tài chính hỗ trợ đã tạo ra mức thâm hụt toàn cầu là 27 tỷ USD, tính đến tháng 11/2022.

Báo cáo cho biết: "Các nhà tài trợ không thể đáp ứng một cách tương xứng. Kết quả là các cộng đồng bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng khó tiếp cận các dịch vụ mà họ cần để tồn tại, phục hồi và xây dựng lại".

Nghiên cứu - có tiêu đề "Danh sách theo dõi khẩn cấp năm 2023" - cũng nhấn mạnh số người buộc phải rời bỏ nhà cửa của họ đã tăng lên hơn 100 triệu người - từ mức 60 triệu người vào năm 2014. Trong đó, Venezuela là một trong những quốc gia có lượng người di tản lớn nhất.

Linh La (theo Reuters)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI