Biến đổi khí hậu khiến muỗi có kích thước lớn, sống lâu và nguy hiểm hơn

05/10/2023 - 06:07

PNO - Hiện tượng ấm lên toàn cầu làm cho thời tiết ẩm ướt hơn, tạo điều kiện cho các loài côn trùng, bao gồm muỗi, phát triển và mở rộng không gian sống.

 

Muỗi vằn là loài trung gian truyền nhiều bệnh nguy hiểm, có thể gây tử vong – Ảnh: AP
Muỗi vằn là loài trung gian truyền nhiều bệnh nguy hiểm, có thể gây tử vong – Ảnh: AP

Viện nghiên cứu sốt rét Johns Hopkins ở Hoa Kỳ cảnh báo, muỗi là một trong các loài hưởng lợi từ biến đổi khí hậu, do thời tiết ấm và ẩm ướt hơn đã giúp chúng ngày càng lớn hơn và sống lâu hơn, tăng khả năng truyền những căn bệnh có thể gây chết người.

Liên Hợp Quốc cảnh báo, nhiệt độ trung bình toàn cầu đã tăng khoảng 2 độ F, xấp xỉ 1,2 độ C, so với thời đại tiền công nghiệp (cuối những năm 1800). Hầu hết mức gia tăng nhiệt độ diễn ra chỉ trong 50 năm qua. Cùng với sự ấm lên toàn cầu, lượng hơi nước trong khí quyển tăng lên, khoảng 1 đến 2% mỗi thập niên.

Tiến sĩ Photini Sinnis, Phó giám đốc Viện nghiên cứu sốt rét Johns Hopkins, cho biết: “Điều quan trọng nhất đối với sự sinh tồn và tuổi thọ của muỗi là độ ẩm”. Lượng hơi nước trong không khí tăng đồng nghĩa với độ ẩm cao hơn.

Tiến sĩ Sinnis cho biết, khí nhà kính giữ nhiệt từ Mặt Trời trong khí quyển, nhiệt độ bề mặt Trái đất tăng lên, dẫn đến sự bốc hơi nước nhiều hơn. Đến lượt hơi nước hấp thụ và thải lại nhiệt, tạo thành vòng lặp phản hồi.

Khí quyển giữ hơi nước ngày càng nhiều sẽ gây ra các hiện tượng thời tiết cực đoan, bao gồm bão và lũ quét. Tiến sĩ Sinnis cho biết, chỉ trong 5 năm qua, thế giới chứng kiến trung bình 18 hiện tượng thời tiết cực đoan mỗi năm, tăng từ mức trung bình 13 hiện tượng mỗi năm trong thập niên 2010 – 2020.

Vị chuyên gia giải thích, khi các thảm họa thời tiết xuất hiện nhiều hơn, điều kiện sống lý tưởng cho muỗi trở nên phổ biến hơn. Nước mưa từ giông bão đọng lại là môi trường cho loài vật có thể đẻ khoảng 100 quả trứng mỗi lần.

Báo cáo do các nhà nghiên cứu của Đại học Georgetown thực hiện cho thấy: trong 120 năm qua, loài muỗi Anopheles đã liên tục mở rộng phạm vi hoạt động, khoảng 21 feet (xấp xỉ 6,4 m) mỗi năm hướng về phía nam châu Phi. Theo ông Sinnis, biến đổi khí hậu đang giúp những loài này lớn và sống lâu hơn, tồn tại được trong môi trường lạnh hơn mà trước đây chúng vốn không thể sống được.

Loại muỗi mà giới chức Y tế Hoa Kỳ đặc biệt quan tâm là muỗi vằn (Aedes aegypti), loài truyền virus sốt xuất huyết, sốt vàng da, sốt chikungunya và virus zika. Tuổi thọ của muỗi đực thường chỉ từ 1 đến 2 tuần, nhưng muỗi cái, nhóm thực sự hút máu và truyền bệnh, sống trung bình khoảng 6 tuần.

Tiến sĩ Sinnis cho biết: “Chỉ cần nơi nào có nhiều người sinh sống và đủ ấm, đủ ẩm để muỗi vằn phát triển, chúng sẽ xuất hiện”. 

Các mô hình cảnh báo hiện tại cho thấy: trong trường hợp xấu nhất, có ít hoặc không có hành động nào để ngăn chặn biến đổi khí hậu, khoảng 89,9% dân số toàn cầu có nguy cơ mắc sốt xuất huyết vào năm 2080.

Trường An (theo Daily Mail)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI