Biến đổi khí hậu có thể mở ra một chương mới của chiến tranh thương mại

28/01/2023 - 15:58

PNO - Biến đổi khí hậu đang buộc các quốc gia trên thế giới phải thay đổi chính sách công nghiệp và thương mại. Nhưng điều đó lại dẫn tới cuộc chiến thương mại...

Theo báo The New York Times, hiện tượng biến đổi khí hậu đang buộc các quốc gia trên thế giới phải thay đổi chính sách công nghiệp và thương mại, nhằm ngăn chặn hoặc giảm thiểu thảm họa môi trường. Nhưng chính những chuyển biến này lại dẫn tới một tương lai mà các cuộc chiến thương mại xuyên biên giới diễn ra thường xuyên hơn.

Ủy viên thương mại châu Âu Valdis Dombrovskis đã thúc ép Hoa Kỳ đàm phán nhiều hơn về các khoản trợ cấp liên quan đến biến đổi khí hậu cho ngành sản xuất quốc nội của Mỹ – Ảnh: EPA
Ủy viên thương mại châu Âu Valdis Dombrovskis đã thúc ép Hoa Kỳ đàm phán nhiều hơn về các khoản trợ cấp liên quan đến biến đổi khí hậu cho ngành sản xuất quốc nội của Mỹ – Ảnh: EPA

Cụ thể, trong các tháng gần đây, Hoa Kỳ và châu Âu đã đề xuất hoặc ban hành các khoản trợ cấp, thuế quan và chính sách nhằm đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng xanh. Phía ủng hộ cho rằng chính phủ các nước phải tích cực mở rộng các nguồn năng lượng sạch, đồng thời trừng phạt những công ty phát thải nhiều khí nhà kính.

Phía chỉ trích cho rằng dạng chính sách này là một hình thức của chủ nghĩa bảo hộ thương mại, đẩy các quốc gia và công ty nước ngoài vào thế bất lợi, khi chính phủ các nước trợ cấp cho các ngành công nghiệp quốc nội, hoặc tăng thuế đối với các sản phẩm nước ngoài. 

Hiện nay, hệ thống thương mại toàn cầu vận chuyển hàng chục triệu container chứa đủ loại hàng hóa từ các nhà máy nước ngoài đến Hoa Kỳ mỗi năm, với mức giá thấp đáng kinh ngạc. Nhưng giá mà người tiêu dùng phải trả cho những hàng hóa này lại không bao gồm tác hại môi trường do các nhà máy ở xa tạo ra chúng, hoặc do các tàu vận tải hoặc máy bay chở hàng mang chúng qua đại dương.

Chính phủ Hoa Kỳ đang áp dụng các khoản trợ cấp hào phóng để khuyến khích công nghệ năng lượng sạch trong nước. Trái với kỳ vọng của nội các Biden rằng cuộc chiến chống biến đổi khí hậu là cơ hội hợp tác mới với các đồng minh, Hoa Kỳ đã bị công kích vì cách phản ứng trước các phán quyết thương mại gần đây.

Cụ thể, các quan chức của chính quyền Biden đã công khai coi thường một số quyết định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) phán quyết chống lại Hoa Kỳ trong các tranh chấp thương mại liên quan đến vấn đề an ninh quốc gia. Trong hai thông báo riêng biệt vào tháng 12 năm vừa qua, Văn phòng Đại diện Thương mại Hoa Kỳ cho biết họ sẽ không thay đổi chính sách của mình, bất chấp quyết định của WTO.
Trong đó, chủ đề gây tranh cãi lớn nhất là các khoản khấu trừ thuế mới đối với các thiết bị và phương tiện sử dụng năng lượng sạch được sản xuất tại Bắc Mỹ, vốn là một phần của dự luật chính sách y tế và khí hậu sâu rộng mà Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký thành luật vào năm ngoái. Các quan chức châu Âu phê phán biện pháp bảo hộ thương mại này là “sát thủ việc làm”.

Bà Anne Krueger, cựu quan chức của Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Ngân hàng Thế giới cho biết: “Khi bạn phân biệt đối xử để ủng hộ các công ty Mỹ và chống lại phần còn lại của thế giới, bạn đang làm tổn thương chính mình và đồng thời làm tổn thương người khác”.

Chính quyền Biden cũng đang xúc tiến thành lập một cơ quan quốc tế để áp thuế lên các mặt hàng thép và nhôm từ các quốc gia có chính sách môi trường lỏng lẻo. Vào tháng 12 vừa qua, họ đã gửi đề xuất ý tưởng này đến EU. Theo đó, các đối tác khác, như Canada, Mexico, Brazil và Hàn Quốc, sẽ phải sản xuất thép sạch như Hoa Kỳ và Châu Âu, hoặc phải đối mặt với thuế quan áp lên sản phẩm của họ.

Bà Ilana Solomon, nhà tư vấn thương mại độc lập từng làm việc với tổ chức phi lợi nhuận Sierra Club, cảnh báo: “Tính hợp pháp hoàn toàn của hệ thống thương mại toàn cầu chưa bao giờ bị nghi ngờ nhiều như bây giờ”. 

Riêng tại Hoa Kỳ, sự ủng hộ dường như đang tăng lên ở cả phía Cộng hòa và Dân chủ đối với các chính sách mang tính dân tộc chủ nghĩa, nhằm khuyến khích sản xuất trong nước, đồng thời không khuyến khích nhập khẩu hàng hóa không sạch, diễn biến rất có thể sẽ vi phạm các quy tắc của WTO. Hầu hết các đảng viên Cộng hòa đã tỏ ra sẵn sàng trong việc tăng thuế đối với các sản phẩm nước ngoài được sản xuất theo cách gây hại cho môi trường, một biện pháp nhằm bảo vệ việc làm của người Mỹ trước sự cạnh tranh từ bên ngoài.

Ông Robert E. Lighthizer, cựu Đại diện Thương mại Hoa Kỳ của chính quyền Trump, cho biết: “Tôi đang làm điều này để giúp thêm nhiều người Mỹ có việc làm và với mức lương cao hơn. Bạn không nên kiếm lợi từ một anh chàng nào đó đang làm việc quần quật ở Detroit để nuôi gia đình, từ cảnh ô nhiễm, trong khi thuê gia công ở nước ngoài”.

Trường An (theo The New York Times)

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI