Biên đạo múa Vũ Ngọc Khải: “Tôi đã ngộ ra tôi là ai…”

16/06/2024 - 06:17

PNO - Vũ Ngọc Khải là một diễn viên, biên đạo múa ballet thành tài ở Việt Nam và nước ngoài. Hoạt động trong sự đòi hỏi khổ luyện khắc nghiệt của nghề nhưng Khải luôn tâm niệm và đau đáu với Việt Nam. Anh ao ước được cống hiến, biểu diễn cho bà con mình xem.

Đặc thù của múa ballet là cổ điển, tinh tế, hàn lâm nhưng qua sáng tạo riêng của Khải và các đồng nghiệp, khán giả luôn cảm thấy rất gần gũi bởi anh luôn sử dụng các biểu tượng văn hóa dân gian của Việt Nam trong tác phẩm của mình.

ảnh: nguyễn giang sơn
Ảnh: Nguyễn Giang Sơn

Chỉ mong được giảm giá khi thuê nhà hát

Phóng viên: Nghe nói hồi nhỏ Vũ Ngọc Khải là đứa trẻ khá hiếu động, luôn tay luôn chân nhưng không hề có năng khiếu về múa, sao bố anh lại hướng anh vào nghiệp múa?

Biên đạo múa Vũ Ngọc Khải: Có lẽ là do duyên nghiệp. Hồi nhỏ, tôi đâu có thích múa. Khi đó, tôi hiếu động, nghịch ngợm, không bao giờ ngồi lâu một chỗ. Đến giờ, tôi vẫn không hiểu bố có dự cảm gì mà hướng con trai mình đi học múa. Thế là tôi trở thành Khải múa, theo học lớp múa chuyên nghiệp từ năm 12 tuổi.

Khi vào Trường múa Việt Nam (nay là Học viện múa Việt Nam), tôi đã thay đổi bản thân một cách thực sự vì hiểu muốn theo được lớp múa chuyên nghiệp này, mình buộc phải thay đổi. Là người hầu như không có năng khiếu, tôi đã phải nỗ lực để bù lại. Tôi rất chú trọng tập luyện và quan sát nên sau mỗi năm học, tôi tiến bộ từng bậc. Quan sát qua nhiều năm, nay tôi có thể khẳng định: để theo được các bộ môn nghệ thuật như múa, 99% là tập luyện và 1% là năng khiếu trời cho. Ngoài ra, với nghệ thuật, môi trường đóng vai trò rất quan trọng trong thời kỳ đầu tiên và hình thành tính cách nên cũng phải chú ý
điều này.

* Mất nhiều năm dùi mài rèn luyện ở nước ngoài, anh có thể chia sẻ việc học múa ở Việt Nam và ở nước ngoài khác nhau điều gì?

- Tôi có học bổng của Chính phủ Hà Lan du học sinh 1 năm, 1 năm là thực tập sinh (học việc), sau đó là 12 năm làm việc cho các nhà hát và công ty múa. Học múa tại Việt Nam và châu Âu rất khác nhau. Đầu tiên là tư duy giáo dục. Giáo viên châu Âu chỉ đưa công cụ là rất nhiều chất liệu, loại hình khác nhau. Học sinh sẽ tự trải nghiệm thực tế còn giáo viên sẽ bóc tách cái nào hay, cái nào nên làm lại.

Ở Việt Nam những năm 1997-2004, tôi được học động tác - tức là sao chép rồi lặp lại. Những năm gần đây, tôi quan sát thấy các trường cập nhật thêm bộ môn múa hiện đại và múa đương đại vào giáo án. Đó là điểm sáng. Tuy nhiên, tiến tới thay đổi tư duy giáo dục là con đường dài.

Cảnh trong vở ballet đương đại Dó. Biên đạo: Nghệ sĩ ưu tú Phan Lương & Vũ Ngọc Khải, nhân ngày châu Âu của Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam vào tháng 5/2024 - ảnh: la hiếu
Cảnh trong vở ballet đương đại . Biên đạo: Nghệ sĩ ưu tú Phan Lương & Vũ Ngọc Khải, nhân ngày châu Âu của Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam vào tháng 5/2024 - Ảnh: La Hiếu

* Anh đã phải làm gì để duy trì, phát triển sự khác biệt của mình?

- Có 3 giai đoạn. Giai đoạn đầu là tất cả cái gì… nhúc nhích thì tôi học, học không ngại thời gian và địa điểm. Tôi từng theo học 2 lớp ballet, 2 lớp múa đương đại liền trong 1 ngày rồi tham gia rất nhiều khóa học khác nhau để hiểu rõ múa là gì.

Giai đoạn tiếp theo là trình độ múa của mình thuộc trình độ nào của châu Âu, tôi phấn đấu là trình độ cao cấp, tức là thực hiện được nhiều chuyển động phức hợp. Để đạt được trình độ này, tôi không chỉ học múa mà còn học thêm về điện ảnh, hội họa, nhạc, kiến trúc… vì tôi hiểu rằng múa đương đại hay nghệ thuật đương đại cần rất nhiều kiến thức từ nhiều loại hình nghệ thuật khác nhau. Giai đoạn thứ ba là giai đoạn tạo nên cái tôi: Tôi là ai? Tôi tới từ đâu?... Lúc đó, tôi bắt đầu nghiên cứu văn hóa Việt.

* Có lúc nào anh tự vấn vì sao mình lại theo cái ngành “hàn lâm” khó khăn, khắc nghiệt này không? Sự giới hạn về công chúng có bao giờ khiến anh nản chí?

- Tôi đã nản chí rất nhiều, đã nhiều lần muốn bỏ nghề khi còn trẻ; nhất là khi tôi gặp các chấn thương như thoát vị đĩa đệm, đứt dây chằng, vôi hóa đốt sống… Nhưng cũng chính những lần đau đớn đó làm tôi trưởng thành hơn. Chìa khóa là suy nghĩ tích cực, cần phải tìm góc độ tích cực khi suy nghĩ cực đoan. Và tôi đã học thêm chuyên nghành y khoa: anatomy/cơ thể học. Nó giúp tôi khắc phục, hạn chế chấn thương và tập luyện hồi phục. Ngoài ra, áp lực về tài chính và công việc là chưa bao giờ hết, tới tận ngay lúc này (cười)…

Là người lớn, chúng ta học cách đối diện tâm lý và giải bài toán từng bước một. Không thể có câu trả lời ngay và luôn vào lúc đó. Tư duy và tầm nhìn là cần thiết.

Bên gia đình nhỏ - ảnh: lâm hiếu thuận
Bên gia đình nhỏ - Ảnh: Lâm Hiếu Thuận

*Có bao giờ anh cảm thấy tiếc nuối vì tài năng của mình vẫn chưa được tận dụng triệt để?

- Tôi nhận ra cần tỉnh táo khi làm nghệ thuật lúc bắt đầu làm việc tại châu Âu. Lộ trình của diễn viên có giới hạn, giới hạn về cơ thể (do… trời cho, ví dụ: cơ mềm hay cơ dài sẽ là lợi thế), giới hạn về những chấn thương. Vậy nên cần chuẩn bị kiến thức khác khi không làm diễn viên nữa.

Tôi đã rất tiếc khi 2 lần hụt cơ hội làm việc với Nhà hát múa Hà Lan (Netherlands Dance Theatre). Họ là công ty lớn nhất thế giới về Neo-Classical. Tôi đã thi tuyển chọi 2/900 và là 1 trong 6 người cuối cùng. Nhưng lúc đó, tôi hơi thiếu sự hoàn hảo trong chuyển động nên không được vào. Họ chỉ lấy diễn viên 16-22 tuổi. Năm sau đó, tôi 23 tuổi nên không được thi nữa.

Lần thứ hai là lọt vào danh sách 2 người cuối cùng của Công ty Akram Khan ở Anh. Họ thuộc tốp 3 thế giới về múa đương đại. Có sự khốc liệt trong ngành múa là thi trên toàn thế giới, không có ưu tiên quen biết hay ngoại giao vì không ai đeo bằng cấp hay thể hiện sự quen biết trong lúc múa trên sân khấu mà bạn múa bằng tâm - chí - ý - khí - hình.

Tôi cũng từng bị từ chối visa làm việc tại Anh khi đã có hợp đồng tại nhà hát Phoenix Dance Theatre. Lúc đó, Anh xảy ra Brexit nên họ từ chối visa dù bạn có bất kỳ lý do chính đáng nào. Những lúc như vậy, tôi tự nói với bản thân: “Nếu không được thì ngày mai mình sẽ tốt hơn hôm nay, mình không phải buồn nữa!”.

Bên cạnh múa, Vũ Ngọc Khải còn học thêm về điện ảnh, hội họa, nhạc, kiến trúc… vì hiểu rằng múa đương đại hay nghệ thuật đương đại cần rất nhiều kiến thức từ nhiều loại hình nghệ thuật khác nhau - ảnh: sơn trần
Bên cạnh múa, Vũ Ngọc Khải còn học thêm về điện ảnh, hội họa, nhạc, kiến trúc… vì hiểu rằng múa đương đại hay nghệ thuật đương đại cần rất nhiều kiến thức từ nhiều loại hình nghệ thuật khác nhau - Ảnh: Sơn Trần

* Hình như hơi lâu rồi, anh mới trở lại với một vở diễn thật sự ra trò? Sự khó khăn mỗi khi dựng vở mới là gì?

- Đại dịch làm thay đổi tất cả trong 5 năm vừa rồi. Đầu tiên, các vở múa mà tôi và một số anh chị em trong nghề làm đều bị lỗ. Chi phí thuê sân khấu luôn lớn, cộng với chi phí sản xuất. Thật đáng tiếc, Nhà nước chưa bao giờ hỗ trợ tài chính cho những nghệ sĩ không thuộc hội nghệ sĩ hay làm nhà nước. Tôi mong một ngày trong tương lai, chúng tôi - những nghệ sĩ độc lập - sẽ được giảm giá khi thuê Nhà hát Lớn hoặc các nhà hát trực thuộc Nhà nước để có đủ chi phí làm và dàn dựng một vở múa.

Tiền luôn là bài toán thực sự đau đầu cho những người như chúng tôi. Tôi đã quen với việc tự thân vận động, tự sáng tác và kêu gọi những nghệ sĩ cùng làm ra tác phẩm. Họ cũng có tư duy đã làm là phải ra tác phẩm nghệ thuật ra hồn và có ý nghĩa để khán giả xem được và sẽ quay lại. Nhưng khi tính toán thực tế: chi phí vé bị đội lên, bài toán làm một tác phẩm tử tế hiện đại lại trở nên khó giải.

ảnh: Reine nicklas
Ảnh: Reine Nicklas

Văn hóa dân gian trong múa ballet

* Khi dựng một vở múa, anh thường xuyên sử dụng các biểu tượng văn hóa dân gian, đặc biệt là những vật dụng dân dã trong đời sống bình thường mà có khi trong thời hiện đại, người ta cũng dần quên lãng. Anh mong muốn gì khi làm như vậy?

- Có lẽ thời gian một mình ở châu Âu làm tôi luôn nhớ về những thứ đó. Tôi nhớ những con phố ở Hà Nội và Sài Gòn hơn nhớ người thân. Tôi nhớ thời thơ ấu về quê chơi, được ông nội dạy chữ Nho: nhân - chi - sơ. Tôi nhớ những đêm mất điện, không trăng không sao… Những hình ảnh đó luôn làm tôi thích thú. Trong các tác phẩm, tôi luôn muốn có không gian Việt Nam. Tôi thường đem những hình ảnh dân dã quê mùa từ ký ức đó vào các vở múa bởi với tôi, chúng mang ý nghĩa rất lớn của bản sắc văn hóa Việt. Sau này, tôi suy nghĩ xa hơn, thì ra đó cũng là cách mình lưu giữ một phần văn hóa đang bị mai một…

* Vở vừa rồi ở Nhà hát Lớn - - có sử dụng hình tượng cái nơm của nông thôn Việt. Một vở ballet cổ điển nhưng lại mang hơi thở đương đại, điều đó cần những kỹ năng gì?

- Tư duy sáng tạo của tôi hiện tại là: tạo cái lạ trong cái bình thường, cái đối nghịch trong cái thuận. Nên khi được nhận đề bài nhạc cổ điển, múa ballet và cần có màu sắc Việt Nam, tôi và Phan Lương đồng biên đạo đã nghĩ tới những gì bằng tre. Vậy nhưng tre đã xuất hiện nhiều rồi nên cần làm cái gì đó hội tụ Việt Nam và châu Âu. Và nơm ra đời, sau đó chúng tôi biến nơm từ bình thường thành cái đẹp.

Chúng tôi vẽ từng thanh tre, đặt nơm từ những nghệ nhân. Nơm lớn 3m x 2m phải làm riêng. May mắn có chị Hương Na sản xuất giúp tôi tìm và đặt làm những cái nơm đặc biệt. Làm sáng tạo cũng có nỗi khổ vì là tác phẩm hình thành trong tương lai. Tôi đã đặt 5 cái nơm lớn kích cỡ rất lớn, khi ra sân khấu chỉ dùng được 3. Rồi 2 ngày sau, 3 cái nơm đó hỏng do tập luyện, phải làm lại cấp tốc.

Làm việc nhóm tốt là một lợi thế cho tôi lần này. Một vở ballet có nhiều lớp nghĩa sẽ giúp khán giả không đóng khung vào một hình ảnh cụ thể, để khi thưởng thức tác phẩm, khán giả sẽ được dẫn dắt theo một sợi chỉ, qua nhiều tầng lớp ngữ nghĩa và đi tới hết vở.

* Còn hình tượng chiếu cói đỏ có chữ hỷ để làm nền cho sân khấu, được nhiều khán giả tán thưởng với những biểu tượng văn hóa đồng bằng Bắc Bộ trên sân khấu ballet thì sao?

- Tôi đã nghiên cứu chiếu cói đỏ miền Bắc trong 2 năm và tôi thấy nó đa dạng về nhiều tầng ý nghĩ. Ở vở Dó, nó là chiếc chiếu cưới, 2 con phượng là 2 diễn viên múa đan quyện vào nhau. Sắp tới, khán giả sẽ thấy hình hài chiếc chiếu cói này qua một định dạng sân khấu kiểu khác ở vở Đáy giếng, dự định cuối năm 2024 sẽ ra mắt.

Vũ Ngọc Khải là diễn viên múa ballet thành tài ở Học viện múa Codarts/Rotterdam Dance Academmy (Hà Lan), sau đó làm việc ở các công ty, nhà hát tại Việt Nam, Bỉ, Hà Lan, Ý, Đức, Thụy Sĩ… Không chỉ được công nhận trong vai trò diễn viên soloist, anh còn là biên đạo, giám đốc chuyên môn và giảng viên múa.

Anh luôn đưa các biểu tượng văn hóa dân gian Việt Nam kết hợp ballet cổ điển và tư duy nghệ thuật đương đại vào tác phẩm của mình. Các vở múa như Nón, Đa thức, Dó… luôn chạm vào trái tim khán giả với vẻ đẹp hoàn mỹ qua những biểu tượng bình dị, đưa sự tinh tế của ballet cổ điển gần gũi với đời sống hiện tại.

Anh nhận được nhiều giải thưởng danh giá của quốc tế như giải Nhất cuộc thi Biên đạo trẻ quốc tế Ayang Young Choreographer Competition tại Hàn Quốc năm 2018. Anh là Giám đốc nghệ thuật của 1648kilomet (tượng trưng cho chiều dài đất nước Việt Nam), với các hoạt động nghệ thuật phong phú và có giá trị cao trong cộng đồng.

* Một số vở diễn chưa hề được diễn lại lần hai, anh có thấy tiếc không và có kế hoạch gì không?

- Tôi thật sự tiếc vì điều kiện hạn hẹp. Tổ chức một buổi biểu diễn cần nhiều bên tham gia. Tôi vốn là người khá chỉn chu trong nghệ thuật nên không làm qua loa được. Đủ điều kiện tổ chức thì mới làm, nếu không khán giả sẽ không quay lại xem khi thấy chương trình đó kém chất lượng. Chúng tôi đang nỗ lực đưa đi biểu diễn nhiều hơn ở Sài Gòn, Hải Phòng, Quảng Ninh và có thể là châu Âu. Ngay sau đêm công diễn, tôi đã họp với nhạc sĩ cho vở múa mới 2025. Mỗi vở múa luôn cần thời gian tư duy nên tôi sắp xếp suy nghĩ cuốn chiếu cho các vở của mình.

Tôi cũng triển khai thực hiện các work shop nhằm đưa các vở múa có giá trị cao gần hơn tới công chúng. Năm 2023, tôi đã làm work shop cho Học viện múa Việt Nam về anatomy/giải phẫu cơ thể học, năm 2024 với Trường Múa Thành phố Hồ Chí Minh và có thể với Đại học Nghệ thuật Quân đội. Những work shop tới, tôi sẽ cố gắng sắp xếp thực hiện vì nó luôn tạo động lực, truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ.

* Nghề múa có thực sự nuôi sống được anh không?

- Có lúc có và có lúc không. Khi làm việc tại châu Âu, tôi dư ra được một chút nhưng lại tiêu hết cho việc học. Hiện tại, từ năm 2019 đến nay tôi ở Việt Nam thì gần như là không, tài chính chủ yếu từ việc giảng dạy pilates. Nghe hơi buồn nhưng tôi phải đối diện với sự cân bằng.

* Anh từng tâm sự: “Áp lực của người theo nghề múa khiến anh khó lập gia đình”, bây giờ thì sao rồi?

- Tôi đã có gia đình. Vợ tôi cũng là diễn viên múa chuyên nghiệp, chúng tôi có 1 bé 4 tuổi. Tôi may mắn được gia đình ủng hộ hết mình khi làm nghệ thuật. Có những đợt công tác 1-3 tháng ở nước ngoài hay liên tục họp tới nửa đêm, gia đình là cầu nối giúp tôi có nhiều năng lượng hơn trong nghệ thuật.

Nghe thì hơi kỳ quặc một chút nhưng có lẽ tôi chia tách mình thành 3 con người. Khi múa, tôi hoàn toàn là nghệ sĩ biểu diễn, chỉ có tôi và khán giả. Khi sáng tác, tôi thực sự chìm đắm trong đó - trí tưởng tượng và những hình ảnh đa chiều. Và cuối cùng khi về nhà, tôi là người của gia đình. 3 con người đó có cùng điểm chung: ngăn nắp, kế hoạch, cẩn thận, tích cực và trọn vẹn.

ảnh: sơn trần

* Vậy bản thân anh bây giờ có còn chút stress nào không?

- Thật may mắn sau nhiều lần thăng trầm với stress khi còn trẻ, bây giờ tôi rất thoải mái tư duy sáng tác, làm việc... Có lẽ cân bằng trong cuộc sống là yếu tố then chốt giúp tôi hiểu nhiều hơn về sự căng thẳng tự áp đặt hay công việc mang tới. Trong khi múa, ta hãy luôn chú trọng vào hơi thở.

Thở là điều tất yếu trong múa, là chìa khóa để múa có hồn. Tôi phát hiện ra võ thuật châu Á rất chú trọng về khí, thở và tôi nhận ra múa cũng vậy. Từ đó, tôi học thêm võ, yoga, pilates để hiểu nhiều hơn về các định dạng hơi thở khác nhau. Khi nào khán giả thấy diễn viên đó múa đẹp, có nghĩa là lúc đó, hình ảnh với hơi thở là một. Pilates là một bộ môn kết hợp giữa cơ thể và ý thức, hơi thở. Nó là một phần của quá trình luyện tập múa chuyên nghiệp.

Tôi tập pilates 2006 tại Hà Lan. Sau đó, chúng giúp tôi hồi phục sau chấn thương. Tôi đã quyết định chỉ trong 5 phút trong thời điểm đại dịch COVID 2019 là mở studio pilates tại Sài Gòn để mình có chỗ tập luyện nền tảng và phát triển thành bộ môn tập luyện hồi phục sau chấn thương.

Nhóm tập luyện này tại Việt Nam rất ít vì đa số tập theo xu hướng Hàn Quốc để “độ” dáng đẹp. Quyết theo chuyên nghiệp về lĩnh vực này nên tôi học chính khóa Stott Pilates - Canada để có bằng quốc tế. Nói chung về nghề, tôi tự tin. Vấn đề lấn cấn nhất khi dựng vở mới vẫn là vấn đề tiền thôi! (cười).

* Ước muốn thực tế nhất của anh bây giờ là gì? Anh có còn muốn sang nước ngoài làm việc?

- Tôi luôn ý thức mình phải khỏe mạnh, minh mẫn để sống, làm việc, theo nghề. Giờ đây, tôi không có nhu cầu phải sang nước ngoài làm việc, còn đi biểu diễn thì tốt thôi. Khoảng giai đoạn 30 tuổi, tôi đã ngộ ra tôi là ai. Nghe thì hơi sến nhưng sự thật là vậy. Tôi hiểu về sự vận hành của nghệ thuật trên thế giới, khi tâm lý tụt dốc thì sẽ là gì, bài toán kinh tế thì sao…

Những câu hỏi đó tôi đã tự trả lời được. Nếu sống ở Mỹ, Úc hay Nhật thì tôi vẫn là tôi, điều kiện công việc sẽ khác nhưng tôi vẫn sẽ làm nghệ thuật. Khi quen vợ, tôi từng hỏi: Em có muốn qua châu Âu sống không? Vợ tôi nói không nên tôi quyết định về Việt Nam.

* Cảm ơn anh đã chia sẻ.

Codet HaNoi (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI