Biên đạo múa Sébastien Ly: Sự phấn khích đến từ 'cội rễ'

29/03/2019 - 13:06

PNO - Sébastien Ly nói, chủ đề 'cội rễ' đã mang cho anh một sự phấn khích trong hành trình khám phá chính mình.

Dưới sự dẫn dắt của biên đạo múa gốc Việt Sébastien Ly, Liên hoan nghệ thuật quốc tế Krossing Over lần thứ III sẽ diễn ra ở cả hai thành phố lớn: TP.HCM (từ ngày 5 - 11/4) và Hà Nội (từ ngày 13 - 21/4). Chủ đề liên hoan năm nay hướng đến là “cội rễ”.

Từng học tập tại Trường quốc gia múa đương đại Angers, rồi làm vũ công thuộc Trường biên đạo quốc gia Nantes; năm 2005, Sébastien Ly đã thành lập đoàn múa Kerman để có thể phát triển những sáng tạo ứng tác tại chỗ.

Liên hoan nghệ thuật Krossing Over (KOAF) bắt đầu năm 2017, dưới sự dẫn dắt của Sébastien Ly, với sự hỗ trợ của Viện Pháp tại Việt Nam và Kerman, gồm nhiều buổi diễn tại những địa điểm khác nhau tại TP.HCM. Ngoài TP.HCM, KOAF 2019 còn diễn ở Hà Nội và vẫn giữ nguyên tinh thần giao thoa giữa múa đương đại và các loại hình nghệ thuật khác; giữa phương pháp nghệ thuật trong nước và quốc tế; giữa công chúng và nghệ sĩ. Mỗi buổi trình diễn sẽ được trình bày 2 lần, tại các địa điểm khác nhau, nên trải nghiệm cũng sẽ thay đổi theo từng thời điểm, địa điểm.

Bien dao mua Sebastien Ly: Su phan khich den tu 'coi re'

Qua KOAF, Sébastien Ly hy vọng khán giả và các nghệ sĩ có những trải nghiệm thú vị và đa dạng: ranh giới và khoảng cách hoạt động trong không gian chuyển tiếp giữa “đóng” và “mở”, “tương đối” và “tuyệt đối”, “người quan sát” và “người được quan sát”, “bề ngoài” và “sự tiềm ẩn”. Mỗi người sẽ tìm thấy tiếng nói riêng, không gian riêng hoặc thậm chí là một ngôi nhà tạm thời giữ cảm xúc của chính họ. Sébastien Ly nói, chủ đề "cội rễ" đã mang cho anh một sự phấn khích trong hành trình khám phá chính mình.

* Phóng viên: KOAF bắt nguồn như thế nào?

- Biên đạo múa Sébastien Ly: Năm 2016, tôi về Việt Nam để tìm cảm hứng viết tác phẩm Ngưỡng cửa ký ức. Tôi về Huế, đi Vũng Tàu, TP.HCM, tìm lại những bước chân mà ông bà tôi đã đi. Tôi đã gặp một số vũ công, nghệ sĩ thị giác và nhận ra nguồn năng lượng tích cực của họ nên muốn kết nối tất cả lại trong một liên hoan nghệ thuật. Nguồn năng lượng mà tôi nói bao gồm sự phấn khích, sự rung chuyển và khoảnh khắc đó đến khá nhanh, cô đặc cảm giác đến nỗi tôi muốn bắt đầu ý tưởng đó ngay lập tức.

* Lúc đó, ký ức và hoài niệm đã trở thành hai ý niệm trong bạn?

- Khi đó, tôi nhận ra, vẫn còn có một sợi dây liên kết của tôi với quá khứ, với nguồn gốc của mình, đặc biệt là với ông bà mình. Tôi có cảm xúc hoài niệm, nhưng sự hoài niệm ấy không mang màu sắc buồn bã. Dù xa Việt Nam đã lâu, trong gia đình tôi, nếp sống, tập quán, văn hóa... của người Việt vẫn được bảo lưu nguyên vẹn. Ông bà thường kể những câu chuyện về Việt Nam cho tôi nghe. Vì thế, khi trở về, tôi khá ngạc nhiên vì những gì ông bà kể với những gì tôi chứng kiến không giống nhau. Thành phố mà ông bà đã rời đi mấy chục năm trước đã không còn như cũ.

Khi làm liên hoan này, tôi không muốn chú tâm vào việc tưởng nhớ, mà để trả lời câu hỏi chúng ta là ai, chúng ta có thể làm được gì cho xã hội ngày hôm nay và sợi dây kết nối giữa con người với nhau, giữa con người với quá khứ, với môi trường xung quanh như thế nào.

* Lúc đó, cảm giác “là người Việt Nam” trong bạn đã rõ ràng và mạnh mẽ chưa?

- Hồi ở Pháp, tôi sống như một người con, người cháu trong gia đình, nên hình ảnh Việt Nam lúc đó cũng chỉ giống như một bức tranh mà thôi. Tôi biết tôi có nguồn gốc từ Việt Nam, nhưng cũng chỉ biết thế. Song khi về và làm việc ở đây, tôi cảm nhận một cách rõ ràng mình là người Việt Nam và dòng máu Việt Nam đang chảy trong mình rất 
mạnh mẽ.

Bien dao mua Sebastien Ly: Su phan khich den tu 'coi re'

* Đó là lý do KOAF 2019 hướng đến chủ đề "cội rễ"?

- Đó cũng là một trong những lý do. Ngoài ra còn nhiều lý do khác. Chẳng hạn, trong một lần ghé thăm TP.HCM, chứng kiến cảnh nhiều cây xanh bị chặt, tôi ngạc nhiên và khá sốc. Tôi nghĩ, mỗi cây đều có linh hồn và mang một câu chuyện, một phần lịch sử của thành phố này. Việt Nam đang phát triển rất nhanh. Không gian cho di sản, cho truyền thống hiện đang bị xâm hại. Tôi đồng ý, hướng tới tương lai là rất quan trọng; nhưng tương lai cũng là một thứ rất mơ hồ. Thay vì đi thẳng từ hiện tại tới tương lai, ta nên dựa vào quá khứ - những thứ vốn có của mình, con đường sẽ rõ ràng hơn. 

Mỗi người đều có “gốc rễ”, cũng giống như hình ảnh rễ cây cắm chặt vào lòng đất, tương lai của họ sẽ chắc chắn hơn. Ý tưởng chủ đề của KOAF 2019 bắt nguồn từ đó. Hiểu theo nghĩa ẩn dụ, cội rễ là di sản của tổ tiên, cũng ẩn mình như hình ảnh rễ cây, sâu trong tiềm thức của mỗi người, chi phối hành vi ứng xử của họ. Những vở diễn của năm nay được truyền cảm hứng từ ý tưởng rằng, di sản được tìm thấy trong từng cử chỉ hằng ngày của chúng ta.

* Phải chăng việc trở về và kết nối tại địa phương cũng là hành trình khám phá bản thân của bạn?

- Đúng vậy. Ngoài ra, tôi để ý, nhiều nghệ sĩ Việt Nam hiện đang hoạt động theo hướng thương mại nhiều hơn. Đôi khi, rất khó có cơ hội để họ quay về bản chất của một nghệ sĩ. Câu hỏi cần đặt ra ở đây là, với tư cách là một nghệ sĩ, làm thế nào để con người có thể tương tác với nhau một cách chân thực nhất? Làm thế nào người với người cùng chia sẻ, cùng sáng tạo, cùng gắn kết? Liệu từ ngữ là chiếc cầu nối duy nhất có thể làm được điều đó?

* Cảm ơn bạn. 

The Roots -“Lon soda khi bị lắc mạnh”đến KOAF 2019

The Roots (Cội rễ) là tác phẩm “dữ dội nhưng cũng đầy chất thơ” của biên đạo múa Kader Attou, sẽ xuất hiện tại Liên hoan nghệ thuật Krossing Over 2019. Theo báo Le Monde, sức sống của The Roots - vở diễn với 11 vũ công, “bùng nổ như nội lực của một lon soda khi bị lắc mạnh. Nóng hổi, tuôn trào và sục sôi không ngớt, vở diễn biến cả sân khấu thành một khung cảnh ấn tượng với những dòng chảy mạnh mẽ không ngừng”.

Bien dao mua Sebastien Ly: Su phan khich den tu 'coi re'
The Roots là điểm nhấn tại KOAF 2019

The Roots phác họa hành trình 30 năm nghiên cứu, hoàn thiện và chinh phục thế giới của loại hình hip-hop, thông qua bước nhảy của 11 nghệ sĩ múa tài năng. Sáng tác năm 2013, tác phẩm đã gặt hái nhiều thành công ở tầm quốc tế và đã lưu diễn không ngừng tại những “kinh đô văn hóa” của thế giới: Paris, Brussels, Dusseldorf, Oslo, New York, Boston, Đài Bắc, Hồng Kông, Bắc Kinh, Thượng Hải… 

Tác phẩm sẽ ra mắt công chúng TP.HCM lần đầu và duy nhất lúc 20g, ngày 10/4, tại Nhà hát thành phố (số 7 Công trường Lam Sơn, Q.1, TP.HCM).

Ngoài các buổi diễn kết hợp giữa múa đương đại và những loại hình nghệ thuật mang tính tương tác cao, KOAF 2019 còn có nhiều hoạt động khác như workshop, hội thảo, chiếu phim, diễn ra tại 15 địa điểm khác nhau, cả trong nhà và ngoài trời. Tại TP.HCM, KOAF 2019 sẽ diễn ra ở Nhà văn hóa Thanh niên (Q.3), IDECAF (Q.1), Yoko Café (Q.3), Trường múa TP.HCM (Q.3), Farm (Q.12).

KOAF 2019 cũng tổ chức một sân chơi để các nghệ sĩ trẻ có cơ hội thể hiện tác phẩm của mình. Những nghệ sĩ xuất sắc sẽ được giới thiệu vở diễn do mình sáng tác tại KOAF 2020.

Đậu Dung (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI