Vụn vỡ khi tìm thấy chính mình
Ngô Thanh Phương đến với múa từ năm 11 tuổi như một cơ duyên tất yếu, khi có bố là nghệ sĩ múa và mẹ là ca sĩ tại Đoàn ca múa nhạc Bông Sen. Từ nhỏ, niềm yêu thích nghệ thuật múa đã được hun đúc sau những ngày Phương theo chân ba lên phòng tập, lắng nghe giai điệu và nhìn ngắm những chuyển động cơ thể. Thanh Phương sau đó cũng nhanh chóng hoàn thành chương trình đào tạo múa ballet tại Trường Múa TP.HCM trong bảy năm. Cô có thêm năm năm hoạt động tích cực tại Nhà hát giao hưởng Nhạc Vũ Kịch TP.HCM với vai trò nghệ sĩ múa ballet trước khi được tiếp cận nghệ thuật múa đương đại.
Ngày được thử mình với loại hình múa mới, Ngô Thanh Phương như chú chim non được thả tự do, vẫy vùng trong không gian khác biệt. Cô thích thú vô cùng khi cơ thể được chuyển động một cách phóng khoáng, sáng tạo, không đi theo một quy chuẩn nhất định. “Như được đốt thêm lửa từ bên trong”, “Như tìm thấy mình một lần nữa trong cuộc đời”, Thanh Phương vỡ òa nói về thời điểm cô được tiếp cận với múa đương đại. Và cũng trong giờ phút đó, cô biết mình phải thay đổi.
|
Ngô Thanh Phương (quấn khăn rằn) và các vũ công trẻ |
Phương “liều” lên đường sang Đức, vào Trường Folkwang Hochschule học múa khi tiếng Anh không thạo, tiếng Đức chẳng rành nửa chữ. Phương mất sáu tháng để tự bôi xóa, “tẩy não” chính mình và tiếp thu kiến thức, học cách hòa nhập môi trường mới. Năm đầu mới sang, Phương sống tằn tiện với khoảng 20 euro/tuần. Ngoài giờ học ban ngày, Phương tranh thủ đi rửa chén thuê, đứng gói đồ cho các ki-ốt bán hàng để kiếm tiền sinh hoạt. Khó khăn, vất vả, và cả buồn tủi nhưng tình yêu với múa vẫn luôn nguyên vẹn.
Năm 2008, hoàn thành chương trình học tại Đức, Ngô Thanh Phương trở về Việt Nam như một con người mới. Phương gặp lại biên đạo múa Tấn Lộc - người giúp cô tiếp cận với nghệ thuật múa đương đại, tham gia nhóm Arabesque của anh một thời gian. Về sau, cô tiếp tục ghi dấu với vai trò biên đạo cho À Ố show, Teh Dar rồi Palao...
Trong nước, Ngô Thanh Phương nhanh chóng được biết đến khi những vở diễn cô biên đạo tạo được tiếng vang. Không chỉ những vở diễn chất lượng, con đường Phương chọn mới là điều giúp cô được giới chuyên môn chú ý. Phương theo đuổi nghệ thuật múa đương đại có khuynh hướng trần trụi - một hướng đi vắng bóng người tại
Việt Nam.
Cần mẫn trên con đường đã chọn dù ít được sự quan tâm của khán giả. Đôi lúc, Phương cũng chạnh lòng vì thấy bạn bè kiếm được nhiều tiền nhờ diễn sự kiện, chấp nhận giảm “cái tôi” nghệ sĩ để tài chính dư dả. Phương cũng muốn như thế lắm nhưng rồi “nếu sống vậy, tôi lại trở về mình của những ngày trước đây - là vẫn sống nhưng không phải chính mình, không vui và cuộc đời cũng không còn ý nghĩa”.
|
Những bạn trẻ làm việc cùng Ngô Thanh Phương luôn được khuyến khích bày tỏ ý kiến và sáng tạo |
Cứ đi rồi sẽ thành đường
Đầu tháng 10/2020, Ngô Thanh Phương và nhóm năm bạn trẻ gặp gỡ khán giả Sài Gòn qua dự án X-project, thuộc chương trình nghệ thuật lưu trú MORUA tại Hội An. Dự án đã được Phương giới thiệu vào dịp giữa năm tại Huế và nhận về nhiều lời ngợi khen cho ý tưởng và chuyển động hình thể. Nguyên Nguyễn, Thương Lê, Hoàng Anh, Khang Nguyễn và Đức Phúc là năm vũ công trẻ sống tại Hội An, chưa hề tiếp xúc với múa đương đại. Họ đắm mình trong văn hóa hip-hop, popping, breaking... trước khi được Ngô Thanh Phương mời tham gia X-project.
X-project là trải nghiệm mới trong hành trình khám phá về cơ thể và sự tương tác. Dự án đặc biệt ở chỗ, Ngô Thanh Phương không lý giải những gì đã xảy ra trong vở diễn, chỉ “bày biện” ý đồ và để người xem tự tìm câu trả lời cho những hình ảnh điên cuồng, bạo lực, uất ức trong tác phẩm. Trên sân khấu, năm người trẻ - ba nam, hai nữ lúc thì lao vào nhau mãnh liệt như tình yêu của những người trẻ, khi lại đẩy nhau ra xa trong sự thét gào…
“Nếu ai thích những điều giải trí hài hước, vui vẻ đơn thuần như thể cuộc sống này đã quá khổ đau rồi, cần thư giãn thì nên chọn những hình thức nghệ thuật khác. Còn nếu bạn thích “ăn” một món ăn khó, thích điều gì đó hơi ám ảnh thì chọn chúng tôi. Tôi quan trọng khán giả nhưng cũng tôn trọng con đường và lựa chọn nghệ thuật của mình”, Ngô Thanh Phương nói.
Dường như những năm tháng sống trong khuôn khổ từ bé khiến Phương bị ám ảnh ít nhiều chuyện phải phá bỏ mọi định kiến, rào cản. Tất cả với cô đều phải được mở toang. Phương thừa nhận giữa cô và gia đình có những điều trái ngược nhất định. Bố mẹ cô từng vì thương con mà cưng chiều, bảo bọc, định hướng và thậm chí ra lệnh. Còn Phương thì tôn trọng bản ngã, thượng tôn sự tự do.
“Trong tác phẩm của tôi có nhiều hình ảnh bạo lực, đó là cách tôi phản kháng trước những năm tháng sống trong môi trường có sự kìm kẹp. Tôi từng thổ lộ với ba rằng tôi không thích cách ông ngày này qua tháng khác lặp lại những điều đã cũ, rằng ông cần đổi mới. Và rồi những cách biệt thế hệ cũng từ đó mà lớn lên, mênh mông, vô cùng”, Phương tâm sự.
Những người trẻ làm việc với cô được khuyến khích bày tỏ ý kiến, đối thoại trực tiếp và tôn trọng tuyệt đối nếu đóng góp có ý nghĩa vì nghệ thuật không cổ vũ chuyện làm theo, rập khuôn. Phương nói cô từng bức bối khi bị kèm cặp nên không muốn những người trẻ bên cạnh cũng chịu áp lực như thế. Phương muốn một cuộc chơi sòng phẳng, rõ ràng nên khi dịch COVID-19 ảnh hưởng đến khoản tiền để trả cho các thành viên, cô cũng nói thẳng để nếu ai không thể gắn bó tiếp tục có quyền rời đi mà không phải vướng bận điều gì.
Chọn đi con đường khó, Ngô Thanh Phương không chỉ lo chuyện sáng tạo ra nhiều dự án để khai thác tốt tài năng của những người trẻ, mà còn phải đảm bảo vấn đề tài chính nhằm duy trì hoạt động của nhóm. “Ngay thời điểm du lịch đóng cửa, tôi không nhận được tiền lương từ công việc biên đạo cho vở Teh Dar - vở chuyên phục vụ du khách nước ngoài. Khoản tiền để trả lương cho các bạn đến lúc cạn dần và họ chấp nhận tạm thời không nhận lương mỗi tháng. Hiện tại, tôi đang chờ điều gì sẽ xảy đến tiếp theo với tôi và nhóm. Trong đầu tôi bây giờ là những dấu chấm dở dang”, Phương nói.
Ngô Thanh Phương ngập ngừng khi nói về ước mơ. Phương chỉ nói mong muốn duy nhất lúc này là đủ sức mạnh đi tiếp con đường mình đã chọn. “Mẹ từng nói tôi là người ngoài hành tinh. Đó có thể là những lời nói khởi phát trong lúc mẹ giận hờn tôi cũng chỉ vì thương. Đôi lúc tôi nghĩ lại, hẳn cũng có nhiều người nghĩ về tôi như thế khi thấy con đường mờ mịt phía trước. Chính tôi cũng chẳng biết ngày mai của mình nhưng tôi chỉ có một cuộc đời, nếu không sống cho mình thì tôi sống vì ai?”.
Phương nói rằng “ngày mai” trong suy nghĩ có phần mộng mơ của cô là khi dịch bệnh tạm lắng, nhiều nghệ sĩ khác tìm đến Hội An, tham gia dự án lưu trú của cô để giúp những người trẻ trải nghiệm nhiều thể loại, phong cách khác nhau. “Ngày mai” đó cũng đã và sẽ thành sự thật khi bước đầu, nhiều nghệ sĩ đồng ý tham gia.
Diễm Mi