Những vần thơ cho nơi đầu sóng
Trường ca Nơi khôn thiêng của biển (nhà thơ Lương Hữu Quang, Nhà xuất bản Lao Động, giải B giải thưởng Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh giai đoạn 2010-2020) là một trong những tác phẩm thi ca hay, có giá trị viết về nơi đầu sóng.
Một điều đặc biệt là nhà thơ Lương Hữu Quang, vốn là người lính, đã viết tác phẩm này ngay cả khi anh chưa có dịp đặt chân đến thăm quần đảo Trường Sa và thềm lục địa phía Nam. Bằng tình yêu, cảm nhận và sự hiểu biết qua tư liệu, cũng như những chuyến thăm các đơn vị hải quân ở nhiều điểm đảo gần bờ khác, nhà thơ Lương Hữu Quang đã viết nên tập trường ca với hơn 70 trang thơ. Trong đó, có hình ảnh nơi đảo xa, ngợi ca và xây dựng nên hình tượng hiên ngang, kiên trung của người chiến sĩ nơi đầu sóng; tưởng nhớ các liệt sĩ đã hy sinh, và về tình yêu, nỗi nhớ, tình cảm gia đình, tình mẹ…
|
Một số tác phẩm nổi bật về đề tài biển đảo |
“Đảo ở giữa trùng khơi/ Như con tàu ngược sóng/ Tàu có thể lật/ nếu vắng con của mẹ/ Đảo có thể chìm/ nếu vắng con của mẹ”, “Vắng chúng con/ cuồng phong giật gấp vạn lần/ Đảo tơi bời dập nát/ Gấp vạn lần/ hải âu phiêu dạt/ Chẳng con thuyền nào bình an qua lại/(…) Con là con mẹ, người lính đảo suốt đời canh giữ biển/ Biển là nhà là mắt mẹ buổi hoàng hôn…” - một trong những đoạn thơ với ngôn từ nhẹ nhàng nhưng cảm động trong trường ca Nơi khôn thiêng của biển. Tác phẩm đã được trao nhiều giải thưởng của Hội Nhà văn Hà Nội, Bộ Quốc phòng và Bộ Tư lệnh hải quân. Có thể xem đây là tập thơ đầy đặn và ấn tượng viết về Trường Sa, biển đảo, sau các tập thơ Tổ quốc nhìn từ biển (Nguyễn Việt Chiến) và Tổ quốc gọi tên mình (Nguyễn Phan Quế Mai).
Nhà thơ trẻ Lữ Mai sau 2 tập tản văn Nơi đầu sóng và Mắt trùng khơi đã có tiếp trường ca Ngang qua bình minh (tác phẩm được trao giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam - giải thưởng Sáng tác về biên giới, biển đảo giai đoạn từ 1975 đến nay). Một góc nhìn của người trẻ về nơi đầu sóng, viết và kể về những điều giản dị đã nhìn thấy, đã cảm nhận về nơi đảo xa bằng những cảm xúc đẹp: “Còn bao nhiêu đảo nổi đảo chìm/ bao giấc tỉnh mê/ kể suốt nghìn năm vẫn lẻ/ khoảnh khắc này biển của ta đẹp thế/ luồng sáng uy nghi trên muôn cánh bồ đề…”.
Không in thành tác phẩm/tuyển tập, nhiều bài thơ viết về Trường Sa và biển đảo cũng đã có được sức lan tỏa riêng. Trong đó có thể kể đến Những bà mẹ Gạc Ma của nhà thơ Lê Tú Lệ, tác phẩm được nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn phổ nhạc thành ca khúc Bà mẹ Gạc Ma. “Chiều nay trời có mưa không?/ Sao biển đong đầy nước mắt/ Chiều nay biển có giông không?/ Mà lòng người nổi bão/ Bà mẹ Gạc Ma/ Không lập mộ gió gối đầu lên nỗi nhớ/ Gió thốc vào nhà lại trở ngược ra khơi…”. Những bài thơ viết cho Trường Sa đầy lên thêm sau những chuyến đi thăm đảo của văn nghệ sĩ trở về.
Một số tuyển tập thơ văn viết về Trường Sa đã được xuất bản: Trường Sa Tổ quốc tôi (nhiều tác giả, Nhà xuất bản Văn học), Trường Sa trong tôi (chủ biên: Phạm Văn Quang, Trần Doãn Tiến, Nguyễn Thị Phượng), Trường Sa lời biển hát (Hội Nhà văn TPHCM)… Khẳng định chủ quyền biển đảo, thể hiện tình yêu dành cho Tổ quốc, nơi đầu sóng; tình cảm lứa đôi, gia đình; tri ân và tưởng nhớ những người đã ngã xuống… là những giá trị được tìm thấy trong những vần thơ viết về biển đảo.
Trang văn đẫm hình hài biển cả
Đến thời điểm này, có thể nói văn chương đề tài biển đảo đã trở thành một dòng chảy đậm dấu ấn. Ngày càng có nhiều tác phẩm viết về Trường Sa nói riêng và biển đảo nói chung, được các nhà văn tiếp cận từ nhiều góc độ, chiều kích. Ghi dấu ấn sâu đậm nhất phải kể đến tác phẩm Đảo chìm (Trần Đăng Khoa), sau đó là Biển xanh màu lá (Nguyễn Xuân Thủy). Trong số các tác phẩm văn học từng được trao giải B giải thưởng Sách Quốc gia, có tiểu thuyết Hùng binh của tác giả Đặng Ngọc Hưng. Anh đã dành 6 năm để đầu tư cho tác phẩm viết về đội hùng binh Hoàng Sa từ thời Triều Nguyễn. Đặng Ngọc Hưng từng chia sẻ rằng, với tác phẩm này, anh mong muốn góp phần đấu tranh để khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa - Trường Sa.
Viết về Trường Sa đã không dễ, khai thác về Hoàng Sa lại càng khó khăn hơn rất nhiều, nhưng bằng sự cẩn trọng, tâm huyết và tình yêu lớn dành cho văn chương, cho biển đảo, tác giả Đặng Ngọc Hưng đã có được một tác phẩm giá trị cho văn đàn. Cũng có thể nói đó là tác phẩm văn học để đời của anh.
Nhà văn Sương Nguyệt Minh (tác giả Miền hoang và hàng chục tiểu thuyết đặc sắc khác) cũng đã chọn viết về Trường Sa trong tác phẩm mới nhất của anh: Trường Sa kỳ vĩ và gian lao (Nhà xuất bản Kim Đồng, 2022). Với hình thức bút ký, tác phẩm đã vẽ hình ảnh Trường Sa bằng những ghi chép tả thực, nhiều thông tin tư liệu nhưng cũng đậm chất văn chương, giàu cảm xúc, trữ tình.
Hình ảnh biển đảo của Tổ quốc đẫm đầy trong trang viết của các nhà văn. Trong cuộc “điểm danh” các tác phẩm viết về đề tài này, có nhiều tác phẩm đã được trao các giải thưởng: Sóng chìm (Đình Kính), Trường Sa trong mắt trong (Nguyễn Mạnh Hùng), Sóng trầm biển dựng (Đoàn Văn Mật)… Mới đây nhất, nhà văn Võ Thu Hương cũng cho ra mắt tập truyện dài Về phía bình minh được chị viết từ chuyến đi thực tế sáng tác tại đảo Lý Sơn và đảo Phú Quý vào năm 2018.
Những chuyến về nguồn, thực tế sáng tác cho các nhà văn nhiều cảm xúc, thi tứ để mang đến những tác phẩm nhiều chất liệu về biển đảo. Nhà thơ Phạm Phương Lan có tập thơ Sóng hát, nhà văn Huỳnh Mẫn Chi có tập truyện ngắn Cánh chim chắn bão… Vẫn còn nhiều câu chuyện chưa được kể về biển đảo - một đề tài vô tận, nhiều chất liệu đang tiếp tục chờ những người cầm bút.
Lục Diệp