Biến dạng cơ thể vì tin corticoid chữa dứt điểm bệnh vảy nến

28/10/2019 - 11:53

PNO - Thay vì vào bệnh viện điều trị bệnh vảy nến, anh Lê Vĩnh Trung (38 tuổi, ở huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long) đến hàng chục phòng khám tư cả Đông y và Tây y để rồi bị tiêm corticoid với lời hứa sẽ trị dứt điểm.

Tiêm 34 liều corticoid trong 2 tháng

Những nơi này điều trị vảy nến bằng cách cho anh uống những viên thuốc tể và tiêm đến 34 liều thuốc chứa chất corticoid kháng viêm. 4 tháng sau đó, anh phải nhập viện vì bệnh diễn tiến nặng.

Anh Lê Vĩnh Trung nhớ lại: “Một ngày cuối tháng 4/2009, khi thức dậy, những ngón tay tôi sưng to, co quắp, đầu gối cứng, toàn thân đỏ rực và đau rát. Những vảy da chết rụng lả tả sau một đêm, gom lại đầy một chén. Khi vào bệnh viện, các bác sĩ nói chỉ cần tiêm thêm 1 liều corticoid nữa, tôi phải ngồi xe lăn rồi”.

Bien dang co the vi tin corticoid chua dut diem benh vay nen
Anh Lê Vĩnh Trung bị biến dạng bàn tay phải do viêm đa khớp - biến chứng vì những lần điều trị bệnh vảy nến sai chỗ

Gia đình đưa anh Trung vào cấp cứu ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Long, sau đó chuyển vào Bệnh viện Da liễu TP.HCM. Các bác sĩ Bệnh viện Da liễu TP.HCM cho biết bệnh nhân Trung bị tiêm corticoid quá nhiều.

Thông thường số liều corticoid tiêm vào người, nếu đúng chỉ định chỉ 1 liều 1 tháng. Riêng trường hợp anh Trung cũng không vì bị vẩy nến toàn thân, chỉ dùng các loại thuốc uống không có corticoid.

Kể từ sau lần bệnh vảy nến bùng phát dữ dội, anh Trung không còn tiêm corticoid vào người. Nhưng sau 6 năm, anh bị chẩn đoán viêm đa khớp – một tình trạng biến chứng nặng của viêm đa khớp vốn chỉ có thể xảy ra sau thời gian 20-30 năm sống chung với bệnh.

Tình trạng viêm đa khớp khiến cả 5 ngón tay trên bàn tay phải anh Trung biến dạng, sưng to, không thể co lại hay duỗi ra để cầm nắm. Khuỷu tay phải (cùi chỏ) rất khó khăn để co lại. Mỗi sáng thức dậy là một lần đau đớn khi anh cố gắng bám vào một vật gì đó để nâng người lên.

Bien dang co the vi tin corticoid chua dut diem benh vay nen
Nỗi đau đớn khi anh Trung cố gắng khép cánh tay phải vì khớp khuỷu tay bị biến dạng

Bác sĩ Nguyễn Vũ Hoàng – Phó khoa Lâm sàng 2, Bệnh viện Da liễu TP.HCM - cho biết: “Có khả năng những liều corticoid trực tiếp gây nên căn bệnh viêm đa khớp hoặc là nguyên nhân thúc đẩy biến chứng viêm đa khớp ở bệnh vảy nến.

Khi bệnh nhân rơi vào tình trạng biến dạng khớp như trường hợp anh Trung, khả năng chữa khỏi là rất khó, ít có khả năng trở lại như hình dạng cũ”.

Dân vẫn tin vào… thần y hơn y học chính thống

Nhớ lại quãng thời gian bị bệnh vảy nến, phải vái tứ phương tìm thầy chạy chữa, anh Lê Vĩnh Trung không khỏi rùng mình. Người dân ở tỉnh vốn ưa chuộng cách chạy chữa theo kiểu dân gian, nhất là các thầy lang tự xưng danh.

Thậm chí, mới đây dù đang theo điều trị tại Bệnh viện Da liễu TP.HCM, người thân trong nhà vẫn càu nhàu anh Trung tại sao không chữa bệnh theo ông thầy Năm T. đang quảng cáo trên mạng nhờ "tài" chữa dứt điểm bệnh vảy nến.

Với những quảng cáo thế này, anh Trung nói thẳng: “Nếu ai nói điều trị dứt điểm bệnh vảy nến thì đó là lừa đảo. Bản thân tôi đã đi hàng chục thầy thuốc, cả Đông và Tây y từ 11 năm nay với đủ các loại thuốc nhưng chưa bao giờ hết. Đã vậy, lại còn rước tật vào người”.

Bien dang co the vi tin corticoid chua dut diem benh vay nen
Mỗi sáng thức dậy luôn là nỗi ám ảnh với anh Trung vì phải gắng bám vào điểm tựa để nhấc người lên

Theo lời kể anh Lê Vĩnh Trung, anh đã được điều trị bệnh vảy nến bằng nhiều phương pháp với nhiều loại thuốc khác nhau. Đến các thầy lang, anh được cho uống các loại thuốc tể không rõ nguồn gốc xuất xứ. Đến các phòng khám tư ở TP.HCM, anh được bác sĩ Tây y tiêm corticoid vào người ở hai vị trí là vai và mông.

Khoảng 2 tuần sau tiêm corticoid, anh thấy rất khỏe, bớt đau, bớt đỏ da, không còn vảy nến. Nhưng sau đó lại bùng phát vảy nến gấp 10 lần trước khi tiêm. Anh tiết lộ những phòng khám tiêm corticoid cho mình "bố trận" xung quanh Bệnh viện Chợ Rẫy. Nhớ về những lần bị tiêm corticoid, anh Trung chỉ lắc đầu.

Bác sĩ Nguyễn Vũ Hoàng cho biết vảy nến là căn bệnh da do sự biến đổi gene của cơ thể con người. Chính vì vậy, những loại thuốc hiện nay chỉ điều trị các triệu chứng bên ngoài như bớt đỏ rát, bớt lớp da chết bong tróc… chứ không chữa khỏi hoàn toàn. Đây là căn bệnh mạn tính và không lây. Người bệnh phải sống chung và phải điều trị liên tục.

Bien dang co the vi tin corticoid chua dut diem benh vay nen
BS Nguyễn Vũ Hoàng (trái) khẳng định vẩy nến không lây nhưng phải điều trị liên tục và theo dõi chặt chẽ

Hiện anh Lê Vĩnh Trung đang điều trị theo phác đồ của Bệnh viện Da liễu TP.HCM với 3 loại thuốc uống không chứa corticoid. Tuy nhiên, sau một thời gian, bác sĩ sẽ phải đổi thuốc để tránh tình trạng tích tụ thuốc gây độc cho cơ thể. Ngoài ra, bệnh nhân phải tái khám thường xuyên để theo dõi những bất thường khi dùng thuốc.

Hiếu Nguyễn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI