Biến cỏ thành đồ mỹ nghệ xuất khẩu

04/04/2025 - 06:26

PNO - Từng được xem là “giặc cỏ” gây ách tắc dòng chảy, nhưng nay cây cói và bèo tây đã trở thành nguồn nguyên liệu sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ để xuất khẩu. Không chỉ góp phần cải thiện môi trường, công việc này còn mang lại nguồn thu nhập ổn định cho hàng ngàn phụ nữ ở các làng quê miền Trung.

Hàng cói xuất ngoại

Tranh thủ nắng ấm, chị Trương Thị Hân - Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Thủ công mỹ nghệ cói xâu (cói đan) Thọ Thành (huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An) - cùng các chị em đi thu hoạch cói, về phơi làm nguyên liệu dùng cho sản xuất. Từng là nỗi lo cho người dân và cả chính quyền khi phát triển quá nhanh và quá mạnh, gây ách tắc dòng chảy, tạo môi trường sống cho các loài côn trùng phá hoại mùa màng, song nay cói đã được khoác lên mình “chiếc áo mới”, giúp hàng trăm phụ nữ có công việc ổn định.

Chị Hân cho biết, tuy thu nhập từ nghề đan cói không cao, nhưng rất phù hợp với lao động nông thôn, đặc biệt là phụ nữ. Họ có thể vừa chăm sóc gia đình, vừa tận dụng được thời gian nhàn rỗi để kiếm thêm thu nhập.

Chị Trương Thị Hân hướng dẫn chị em  cách trang trí cho sản phẩm cói xâu  bằng những họa tiết ngộ nghĩnh
Chị Trương Thị Hân hướng dẫn chị em cách trang trí cho sản phẩm cói xâu bằng những họa tiết ngộ nghĩnh

2017, chị Hân tìm đến các làng nghề đan cói ở miền Bắc để học nghề và tìm hiểu thị trường với mong muốn tận dụng nguồn nguyên liệu cói bị bỏ lãng phí ở quê mình, giải quyết việc làm cho chị em. Hơn 1 năm sau, chị về quê xây dựng nhà xưởng, mua máy chẻ cói rồi cùng một số chị em trong làng bắt đầu hành trình đưa cói vào các sản phẩm thời trang, trang trí nội thất… phù hợp với xu hướng tiêu dùng xanh.

Vừa truyền nghề cho chị em, chị Hân vừa tranh thủ thời gian đi khắp nơi “chào hàng”, tìm thị trường tiêu thụ. Từ những đơn hàng chỉ vài chục triệu đồng ở thị trường nội địa, nay các sản phẩm cói của chị Hân đã được xuất ngoại sang các nước châu Âu, mang về hàng tỉ đồng doanh thu mỗi năm.

Nữ giám đốc này cho hay, các sản phẩm cói được thiết kế thân thiện với môi trường, đáp ứng xu hướng tiêu dùng xanh nên có thương hiệu và chỗ đứng vững chắc trên thị trường. Tuy nhiên, họ vẫn phải liên tục “làm mới” mình, sáng tạo ra nhiều mẫu mã mới, cách tân kiểu dáng, thêm họa tiết hoa văn vào sản phẩm để cạnh tranh với các sản phẩm nhựa đa dạng về mẫu mã. Để khuyến khích sự sáng tạo từ các thành viên, HTX tổ chức các cuộc thi sáng tác mẫu mới và khen thưởng cho những chị em có thiết kế đẹp. “Trên thị trường, mọi sản phẩm phải cạnh tranh nhau rất khốc liệt nên phải liên tục cập nhật mẫu mã đẹp thì mới thu hút được người tiêu dùng” - chị Hân nói.

Khi đã tìm được thị trường tiêu thụ ổn định, chị Hân về các làng quê ở huyện Yên Thành, Diễn Châu, Tân Kỳ… mở lớp dạy nghề đan cói miễn phí cho phụ nữ. Truyền nghề xong, chị cung cấp nguyên vật liệu, nhận bao tiêu sản phẩm để người dân yên tâm sản xuất. Chị Phạm Thị Bàng - 43 tuổi, trú xã Thọ Thành, huyện Yên Thành - cho biết, trung bình mỗi sản phẩm hoàn chỉnh chị được trả công từ vài chục đến vài trăm ngàn đồng tùy kích thước, kiểu dáng. Trung bình mỗi tháng chị Bàng có thu nhập 4-5 triệu đồng.

Không nhiều nhưng chị rất hài lòng với công việc vì không quá vất vả, có thể chủ động thời gian làm việc. “Nếu mình không nhận nguyên liệu của HTX mà tự ra đồng thu gom thì tháng cũng kiếm được khoảng 6 triệu đồng. So với đi làm công ty thì không bằng, nhưng được cái mình có thể chủ động làm lúc rảnh rỗi” - chị Bàng nói.

Bà Nguyễn Thị Hoa - Phó chủ tịch Hội LHPN huyện Yên Thành - cho biết, sản phẩm từ cói của chị Hân có vẻ đẹp tự nhiên, mộc mạc nên rất thích hợp với xu hướng tiêu dùng hiện nay. Công việc này không chỉ góp phần cải thiện môi trường mà còn giúp hàng trăm chị em có công việc ổn định, đặc biệt là đối với phụ nữ khuyết tật. “Những năm qua, chị Hân cũng rất nhiệt tình tham gia các hoạt động của Hội Phụ nữ. Từ những lớp trong huyện, đến nay chị Hân đã dạy nghề miễn phí cho gần 500 phụ nữ khắp cả tỉnh, giúp họ có thêm công việc, kiếm thêm thu nhập lúc nhàn rỗi” - bà Hoa nói.

Cói được chị Phạm Thị Bàng thu hoạch, phơi khô chất trong nhà kho để sử dụng dần
Cói được chị Phạm Thị Bàng thu hoạch, phơi khô chất trong nhà kho để sử dụng dần

Kiếm tiền từ… cỏ

Những năm gần đây, tình trạng ô nhiễm môi trường do bèo tây trên các con sông, ao hồ, đầm lầy… ở 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh đã giảm khi bèo tây được người dân săn lùng để làm nguyên liệu sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ. Bà Nguyễn Thị Vân - 65 tuổi, trú thị trấn Nghèn, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh - cho biết, loài cây này từng được xem là “giặc cỏ” bởi chúng phát triển quá nhanh, ken đặc mặt sông, ruộng đồng, gây ách tắc dòng chảy, trở thành nơi cư trú của chuột bọ phá hoại mùa màng.

Chính quyền địa phương từng phải thuê máy múc, phát động các đợt ra quân xử lý, song hiệu quả không cao. Vài năm gần đây, cây bèo tây được doanh nghiệp thu mua, nhiều người đi lấy về phơi khô bán cho doanh nghiệp thì loài “giặc cỏ” này mới giảm dần.

Mùa thu hoạch bèo tây thường bắt đầu từ cuối tháng Ba đến tháng Tám. Bèo tây sau khi thu hoạch được cắt bỏ lá, rễ và phơi khô làm nguyên liệu cho sản xuất. Trung bình mỗi ngày bà Vân hái được 40kg, bán được 150.000 đồng.

Ngoài bán nguyên liệu, nhiều người còn tận dụng thời gian nhàn rỗi đan các sản phẩm như giỏ đựng hoa quả, thảm lau chân, lẵng hoa, đèn ngủ, chiếu… Những sản phẩm này cũng được doanh nghiệp bao tiêu xuất khẩu. Bà Nguyễn Thị Đào - Chủ tịch Hội LHPN thị trấn Nghèn - cho biết, loài thực vật thủy sinh mọc tự nhiên như cỏ dại bây giờ không còn được xem là “rẻ như bèo” nữa. Trên địa bàn hiện có 2 cơ sở sản xuất sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ bèo tây, người dân có nhu cầu đều được dạy nghề miễn phí. Thu nhập từ nghề đan bèo tây không cao, nhưng rất phù hợp với phụ nữ có thời gian nhàn rỗi.

Bà Hồ Minh Nguyệt - Giám đốc Công ty Xây dựng và thương mại Huy Phong (huyện Can Lộc) - cho biết, mỗi năm công ty thu mua hàng trăm tấn bèo tây để sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ với giá 12.000-13.000 đồng/kg. Sản phẩm mỹ nghệ từ bèo rất đa dạng như các loại giỏ xách, thùng đựng, đồ gia dụng, rổ rá, tấm thảm…

Các sản phẩm này đều hướng đến thị trường Mỹ, Úc và châu Âu. “Mặt hàng này đang được thị trường nước ngoài rất ưa chuộng nên bà con lấy về được bao nhiêu nguyên liệu chúng tôi đều thu mua hết, không hạn chế số lượng” - bà Nguyệt nói.

Để đáp ứng các đơn hàng xuất khẩu, ngoài thu mua nguyên liệu sản xuất, chị Nguyệt còn hỗ trợ người dân ở các làng quê trong và ngoài tỉnh học nghề. Sau khi đã thuần thục các kỹ thuật đan lát, công ty nhận bao tiêu sản phẩm để người dân yên tâm sản xuất. “Tùy vào tay nghề của mỗi người mà chúng tôi sẽ giao cho họ các đơn hàng từ đơn giản đến phức tạp. Nếu chăm chỉ thì 1 người có thể kiếm được 200.000-300.000 đồng mỗi ngày” - chị Nguyệt nói.

Biến lá dứa thành tơ sợi xuất khẩu

Thay vì đốt bỏ, những năm gần đây lá dứa được người dân các vùng trồng dứa ở tỉnh Nghệ An thu gom bán cho doanh nghiệp sản xuất tơ dứa sau khi thu hoạch quả. Ông Nguyễn Quốc Khánh - Chủ tịch UBND xã Tân Thắng, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An - cho biết, xã này có hơn 1.300ha trồng dứa, mỗi vụ thu hoạch có hàng ngàn tấn lá dứa thải ra môi trường. Nhưng lá dứa hiện đã trở thành nguyên liệu để sản xuất sợi vải, góp phần tạo thêm giá trị cho nông sản. Tại xã Tân Thắng hiện có 3 đơn vị chuyên thu mua lá dứa với giá 1.000-1.200 đồng/kg để sản xuất tơ dứa.

Ông Đậu Phi Cảnh - Giám đốc HTX Nông sản AET đóng trên địa bàn xã Tân Thắng - cho biết, mỗi tháng đơn vị này thu mua khoảng 300 tấn lá dứa để sản xuất tơ cung ứng cho các công ty dệt. Trung bình mỗi héc ta dứa khi thu hoạch quả sẽ thải ra hàng chục tấn lá, trong đó có khoảng 40 tấn có thể sử dụng để sản xuất tơ. Việc thu mua lá dứa để sản xuất sợi vải không chỉ giúp nông dân có thêm thu nhập mà còn góp phần cải thiện môi trường, tránh tình trạng đốt lá tràn lan.

Phan Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI