Biến cơ hội thành trái ngọt

01/01/2016 - 08:20

PNO - Việc tham gia Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) chính thức hình thành từ ngày 1/1 mở ra những cơ hội rất lớn cho nền kinh tế nước ta.

(LTS) Kể từ hôm nay, với sự ra đời của cộng đồng ASEAN và việc đàm phán thành công hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) trước đó, Việt Nam sẽ có thêm cơ hội phát triển kinh tế. Để nắm bắt cơ hội, đòi hỏi bước chuyển mình kịp thời của hệ thống bộ máy nhà nước, chính quyền lẫn bản thân từng doanh nghiệp.

Ông Trần Quốc Khánh Thứ trưởng Bộ Công thương, Trưởng đoàn đàm phán Chính phủ về hội nhập kinh tế và thương mại quốc tế: Cần tiếp tục hoàn thiện thể chế

Một hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như TPP sẽ là cơ hội để Việt Nam tiếp tục hoàn thiện thể chế, hỗ trợ cho tiến trình đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế.

Theo tính toán của các chuyên gia kinh tế độc lập, Việt Nam có thể là nước hưởng lợi nhiều nhất trong số 12 quốc gia tham gia TPP vì hiệp định này có thể giúp GDP của Việt Nam tăng trưởng thêm 23,5 tỷ USD vào năm 2020 và 33,5 tỷ USD vào năm 2025, xuất khẩu tăng thêm được 68 tỷ USD sau 10 năm nữa. Lợi lớn nhất là xuất khẩu vào các thị trường lớn như Mỹ, Canada, Nhật Bản… với thuế suất 0%, đây có thể xem là “cú hích” xuất khẩu. Việt Nam cũng có cơ hội từ các chuỗi cung ứng mới được hình thành khi hiệp định này có hiệu lực.

Tuy nhiên cũng phải đánh giá những thách thức khi tham gia hiệp định TPP. Ngoài sức ép từ những ngành hàng công nghiệp không phải thế mạnh của Việt Nam như giấy, thép, ô tô… thì khi mức thuế được đưa về 0%, nhiều chủng loại nông sản từ Hoa Kỳ, Úc, New Zealand, Chile… sẽ tạo sức ép lên nông sản trong nước, đặc biệt là với nhóm hàng thịt gia súc, gia cầm.

Bien co hoi thanh trai ngot
Với sự ra đời của cộng đồng ASEAN  vừa là cơ hội vừa là thách thức cho Việt Nam - Ảnh minh họa: Internet

Ông Thái Tuấn Chí, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Thái Tuấn: Xây dựng thương hiệu TP.HCM thông qua TPP

TP.HCM sẽ được quốc tế biết nhiều hơn và GDP sẽ tăng trưởng mạnh hơn khi vận động thành công để TPP đặt văn phòng hành chính chi nhánh tại đây. Thực tiễn cho thấy khi văn phòng của WTO đặt tại Geneva (Thụy Sĩ) hoặc OPEC đặt tại Vienna (Áo) thì các địa phương đó phát huy được tiềm năng và sức mạnh toàn diện cũng như sự tiến bộ của quốc gia đó trên trường quốc tế, đặc biệt là sức mạnh kinh tế.

Thiết nghĩ TP.HCM có thể làm được điều này vì nhiều lẽ: Việt Nam là đối tác chiến lược với Mỹ và có kim ngạch xuất khẩu dệt may đứng thứ hai trên thế giới. Việt Nam có nền kinh tế - chính trị - xã hội ổn định; TP.HCM là trung tâm kinh tế - thương mại của cả nước. Khi đó, sự dịch chuyển cơ cấu kinh tế thành phố sẽ góp phần phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch. Tuy nhiên, các nước trong khối TPP sẽ yêu cầu TP.HCM cam kết sự thay đổi, đây là lực đẩy để TP.HCM thay đổi mạnh mẽ hơn.

Vì vậy, thành phố cần nâng cao năng lực cạnh tranh bằng khoa học công nghệ nhằm đẩy mạnh công nghiệp thành phố hướng về xuất khẩu. Theo đó, lấy doanh nghiệp (DN) làm trung tâm để phát triển khoa học công nghệ.

Cần có chính sách cạnh tranh để thu hút đầu tư mới máy móc thiết bị, công nghệ cao từ các tập đoàn quốc tế và DN trong nước như: phát triển các định chế tín dụng, quỹ tín dụng ngoài các ngân hàng thương mại, hỗ trợ lãi suất ngân hàng; cần có chính sách ưu đãi đối với những DN trong nước làm ra được sản phẩm mới có giá trị gia tăng cao ngang tầm quốc tế và khu vực; có chính sách cho các nhà khoa học trong nước với những đề tài ứng dụng thực tế cho DN; có chính sách tận dụng chuyên gia quốc tế đến đào tạo và chuyển giao công nghệ cho Việt Nam (như tổ chức JICA, JETTRO của Nhật Bản với những chuyên gia đã về hưu, chi phí không lớn).

Đồng thời, thành phố cần thành lập trung tâm hỗ trợ DN nhằm nâng cao giá trị gia tăng trong xuất khẩu, trong đó: kết nối Sở Công thương, Sở Khoa học - Công nghệ, các trường ĐH, viện nghiên cứu kinh tế và các chuyên gia quốc tế lập cơ quan nghiên cứu phát triển và đào tạo, từ đó nghiên cứu xu hướng phát triển của từng ngành trên thế giới mà thành phố định hướng phát triển (cơ khí chế tạo, điện tử, hóa dược - cao su, chế biến tinh lương thực, ngành công nghiệp phụ trợ); đưa ra các sản phẩm ứng dụng tiên phong tạo giá trị gia tăng; đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng những ngành mũi nhọn thành phố; tư vấn cho DN xuất khẩu vào thị trường TPP về thuế suất, hàng rào kỹ thuật… tại từng quốc gia.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI