Biến chủng Omicron “soán ngôi”, ứng phó ra sao?

25/02/2022 - 06:48

PNO - Số ca mắc COVID-19 ở Việt Nam không ngừng gia tăng. Thêm vào đó, theo công bố mới nhất của ngành y tế TPHCM, 76% mẫu bệnh phẩm xét nghiệm ngẫu nhiên trong 90 ca mắc cộng đồng dương tính với Omicron.

Những ngày gần đây, Việt Nam ghi nhận số ca mắc COVID-19 cao chưa từng có. Theo thống kê của Bộ Y tế, ngày 23/2, có 69.119 ca ghi nhận trong nước (tăng 8.781 ca so với ngày trước đó) tại 62 tỉnh, thành phố. Không ít ý kiến cho rằng, số liệu thống kê chưa phản ánh đúng số lượng người mắc và mức độ gia tăng COVID-19 tại nhiều địa phương, nhất là các thành phố đông dân như Hà Nội, TPHCM. 

Nhiều gia đình ở Hà Nội đưa con nhỏ đến trạm y tế xét nghiệm COVID-19 vì lo nhiễm biến chủng Omicron
Nhiều gia đình ở Hà Nội đưa con nhỏ đến trạm y tế xét nghiệm COVID-19 vì lo nhiễm biến chủng Omicron

Tại TPHCM, số ca mắc COVID-19 đang tăng trở lại với sự xuất hiện của biến chủng Omicron vốn có tốc độ lây lan nhanh hơn 500% so với biến chủng Delta. Theo một báo cáo vừa được ngành y tế TPHCM công bố, kể từ ngày 10 - 17/2, trong 92 mẫu bệnh phẩm được chuyển đến Đơn vị Nghiên cứu lâm sàng Đại học Oxford (OUCRU) và Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM, có 70 mẫu có kết quả PCR sàng lọc dương tính với biến chủng Omicron, chiếm tỷ lệ 76%. Lấy ngẫu nhiên 26/70 mẫu sàng lọc dương tính này để giải trình tự gen thì xác định 100% là biến chủng Omicron.

Con số này khiến nhiều người lo số ca mắc tại Việt Nam sẽ ngày càng tăng và có thể có một đợt dịch bùng phát mạnh trên cả nước do Omicron gây ra. Liên quan tới vấn đề này, bác sĩ Trương Hữu Khanh - nguyên Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1 - cho rằng, biến chủng Omicron ủ bệnh nhanh, lây lan nhanh nên số ca mắc COVID-19 tăng mỗi ngày là điều hết sức bình thường. Tuy nhiên, bệnh do chủng vi-rút này gây ra nhẹ hơn, mau khỏi hơn so với chủng Delta. Đến nay, người cao tuổi và người có bệnh lý nền đã được tiêm phủ vắc xin ngừa COVID-19 nên sức đề kháng đã tốt hơn.

Theo các nghiên cứu trên thế giới, số ca bệnh nặng do Omicron gây ra chủ yếu là người già, người chưa tiêm vắc xin; tỷ lệ người phải điều trị hồi sức cấp cứu (ICU) chỉ xấp xỉ 1%, thấp hơn so với chủng Delta. Hiện tại, số ca mắc COVID-19 tăng nhưng tỷ lệ tử vong giảm xuống còn 1,3% (tỷ lệ này trước đây là 1,9%). Giám đốc Sở Y tế TP. Hà Nội Trần Thị Nhị Hà cho biết, đã có những thay đổi trong chiến lược chống dịch. Cụ thể, hiện mục tiêu trọng tâm của ngành y tế TP. Hà Nội là quản lý những người có nguy cơ cao (người cao tuổi, người có bệnh nền, người chưa đủ điều kiện tiêm vắc xin) đồng thời tiêm vắc xin mũi thứ ba cho người dân. 

Bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu - Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội - khuyến cáo, dù Omicron ít gây biến chứng nặng hơn nhưng người dân vẫn cần áp dụng tối đa biện pháp bảo vệ bản thân như đeo khẩu trang, sát khuẩn thường xuyên, hạn chế dự các sự kiện đông người nếu không thật sự cần thiết… Bên cạnh đó, Việt Nam cần chuẩn bị tốt về nguồn nhân lực, trang thiết bị, thuốc để sống chung an toàn với dịch COVID-19. 

 Minh Quang

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI