Biến chứng nguy hiểm của bệnh cúm

24/10/2022 - 06:51

PNO - Nhiều người cho rằng cúm là bệnh thường niên, không đáng lo ngại. Thế nhưng, vẫn có người bị cúm đối mặt với nhiều biến chứng nặng nề.

Cẩn thận với các nhóm có nguy cơ biến chứng cao

Thời gian qua, Bệnh viện Nhi Trung ương đã ghi nhận nhiều người mắc cúm tiến triển nặng do chủ quan cho rằng cúm là bệnh thông thường nên tự điều trị tại nhà, lơ là trong việc ngăn ngừa cúm trong sinh hoạt hằng ngày, nhất là sau dịch COVID-19. 

Trẻ nên được tiêm vắc-xin ngừa cúm định kỳ mỗi năm một lần - ẢNH MINH HỌA: PHẠM AN
Trẻ nên được tiêm vắc xin ngừa cúm định kỳ mỗi năm một lần - Ảnh minh họa: Phạm An

Tiến sĩ - bác sĩ Đỗ Thiện Hải - Phó giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương - cho biết, trên thực tế, người lớn mắc cúm A có thể hồi phục sau 5-7 ngày. Do đó, nhiều người cũng vô tình quên đi cúm có thể gây nhiều biến chứng nặng nề như viêm phổi, suy hô hấp, co giật… ở người trên 65 tuổi, người có bệnh nền, bệnh mạn tính, viêm phổi tắc nghẽn mạn tính, hen phế quản, tim bẩm sinh, đặc biệt là trẻ em. 

Điển hình trong năm nay, bệnh viện đã cấp cứu các trường hợp người bệnh rơi vào nguy kịch do biến chứng từ cúm. Trong đó, khá nhiều trẻ em bị viêm phổi, suy hô hấp phải thở máy nguy cơ tử vong cao. Chưa kể đến 45% trẻ em mắc cúm A có hiện tượng co giật, 6% trẻ có biểu hiện viêm não.

Ngoài ra, các nhóm bệnh nhân trên cũng có thể bị biến chứng viêm phổi do cúm A gây ra. Một số trường hợp bệnh cúm A có thể tiến triển nặng cùng các triệu chứng như sốt cao, khó thở, tím tái, phù phổi do suy tim. Với người có tiền sử mắc các bệnh mạn tính, suy giảm đề kháng, miễn dịch như suy thận, đái tháo đường, người nghiện rượu, phụ nữ có thai, người già, trẻ nhỏ, khi mắc cúm A diễn tiến bệnh sẽ nhanh hơn, gây nên phù não và tổn thương gan trầm trọng, tỷ lệ tử vong rất cao.

Phụ nữ đang mang thai càng cẩn trọng hơn nếu mắc cúm A, vì có thể khiến thai phụ bị viêm phổi nặng hoặc sẩy thai. Nguy hiểm hơn, nếu thai phụ mắc cúm trong ba tháng đầu thai kỳ, bệnh còn tác động gây biến chứng ở thai nhi, nhất là bệnh lý về hệ thần kinh trung ương.

Phương pháp ngừa bệnh hiệu quả là tiêm vắc xin

Thạc sĩ - bác sĩ Nguyễn Ngọc Anh Tuấn - Quản lý, điều hành Trung tâm Xét nghiệm y sinh học lâm sàng và Dịch vụ khoa học kỹ thuật, Viện Pasteur TPHCM - cho biết hiện nay, phương pháp ngừa bệnh hiệu quả nhất là tiêm vắc xin ngừa cúm. Thời điểm tiêm thích hợp là trước lúc giao mùa đông xuân khoảng ba tháng để cơ thể kịp sản sinh những kháng thể cần thiết chống lại virus gây bệnh, và nên tiêm ngừa nhắc lại hằng năm.

Bác sĩ Nguyễn Ngọc Anh Tuấn nói thêm, trước đây, khi chúng ta thực hiện các biện pháp phòng ngừa COVID-19 như đeo khẩu trang, khử khuẩn, khoảng cách… đã gián tiếp ngừa được bệnh cúm. Như giai đoạn 2020-2021 với nhiều đợt giãn cách xã hội kéo dài do dịch COVID-19, cùng các biện pháp cách ly, phòng bệnh được thực hiện chặt chẽ, ngoài ngừa COVID-19 thì cúm cũng khó có cơ hội lây lan. 

Tuy nhiên, giai đoạn dịch COVID-19 cũng vô tình làm cho người dân bị gián đoạn tiêm ngừa cúm. Do đó, khi cuộc sống trở lại bình thường, cùng với việc cơ thể chưa được củng cố kháng thể cúm, nên chỉ cần một yếu tố nguy cơ cũng làm chúng ta có thể nhiễm cúm. Hiện nay, cúm đang được ngành y tế kiểm soát kỹ, nhưng với các bệnh lây nhiễm, một khi bị lơ là thì ca bệnh sẽ tăng lên. Cúm là bệnh hô hấp lây qua giọt bắn và dịch tiết mũi họng, dễ lây nhiễm khi tiếp xúc trực tiếp ở nơi đông người. 

“Chúng ta nên tiêm vắc xin để ngừa bệnh, chứ không nên đợi đến khi nhiều người mắc bệnh mới tập trung đông tiêm ngừa. Nhất là người có cơ địa dị ứng, bệnh nền, bệnh mạn tính hay người bị viêm phế quản, hen phế quản…” - bác sĩ Anh Tuấn nói. Các bác sĩ cũng khuyến cáo, khi thấy có các biểu hiện bất thường cần đưa ngay người bệnh đến các cơ sở y tế tin cậy, tốt nhất là cơ sở y tế chuyên khoa để được thăm khám và điều trị kịp thời, tránh để xảy ra các biến chứng đáng tiếc. 

Giữ vệ sinh, bổ sung vitamin

Để hạn chế bệnh cúm, cần tránh tụ tập đông người, thường xuyên đeo khẩu trang, hạn chế tiếp xúc với người bị cúm. Nên giữ thói quen rửa tay sạch với xà phòng, nước rửa tay diệt khuẩn, dung dịch sát khuẩn khi đi từ ngoài về nhà, trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh. Hạn chế đưa tay tiếp xúc vùng mắt, mũi, miệng. Thường xuyên vệ sinh không gian sống, đồ chơi, vật dụng của trẻ…

Bên cạnh đó, mọi người nên tăng cường các loại thực phẩm giàu đạm để bổ sung dinh dưỡng giúp cơ thể nhanh phục hồi bao gồm thịt, cá, trứng, thịt gia cầm, ngũ cốc nguyên hạt, các sản phẩm từ sữa ít béo… Bổ sung vitamin khoáng chất, vitamin tổng hợp theo lứa tuổi nhằm nâng cao thể trạng, sức đề kháng để cơ thể phòng ngừa bệnh.

Phạm An 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI