Những ngày qua, cả gia đình chị L.T.T.T. (34 tuổi, ở quận 3, TPHCM) đều bị đau mắt đỏ. Chị T. cho biết ban đầu con gái 4 tuổi của chị bị lây bệnh từ lớp học. Vài ngày sau, con trai 8 tuổi của chị cũng bị đau mắt đỏ, phải xin cho cháu nghỉ học ở nhà. Sau đó 1 ngày, đôi mắt của chị và chồng đều đỏ ngầu.
Bệnh nhân đau mắt đỏ đến khám tại Bệnh viện Mắt TPHCM đang gia tăng
“Tôi ở nhà chăm con nên nói chồng đến Bệnh viện Mắt TPHCM khám rồi mua luôn thuốc cho tôi. Riêng con còn nhỏ, nên nhờ bác sĩ quen cho thuốc chứ không đi khám. Sau khi uống thuốc, chồng tôi giảm hẳn, 2 con cũng đỡ hơn, nhưng mắt của tôi sưng nề, không mở mắt được nên phải đi khám” - chị T. nói. Kết quả cho thấy, chị T. bị bội nhiễm nặng, trầy giác mạc, nhiễm trùng, chảy nhiều dịch… Bác sĩ cố gắng hỏi bệnh sử, chị T. mới cho biết ngoài uống thuốc theo toa của chồng, chị còn đắp xác cà phê, xác trà, nha đam theo hướng dẫn của người hàng xóm.
4 ngày trước, thấy mắt của mình sưng nề, ửng đỏ, anh T.V.K. (28 tuổi, ở TP Thủ Đức, TPHCM) ra tiệm thuốc tây mua thuốc uống và thuốc nhỏ mắt. Theo anh K., ban đầu anh chỉ mua nước nhỏ mắt thông thường để rửa mắt nhưng người bán nói khả năng anh bị đau mắt đỏ, phải uống thuốc mới khỏi. “Tôi được bán 6 phần thuốc, mỗi phần thuốc có 4 viên, 1 viên medrol, 1 viên sủi giảm sốt, 2 viên khác đã bóc vỏ và chai thuốc nhỏ mắt Tobrex. Chị bán thuốc dặn tôi uống 2 lần/ngày, riêng viên sủi khi nào bị sốt mới uống, kèm theo nhỏ mắt 5 đến 6 lần mỗi khi bị ngứa, rát” - anh K. kể.
Uống thuốc và nhỏ mắt theo hướng dẫn đó nhưng đôi mắt của anh K. không đỡ hơn mà sưng phù, ghèn rất nhiều, kèm theo đau và nhìn mờ. Anh đến Bệnh viện Lê Văn Thịnh khám. Bác sĩ chẩn đoán anh bị đau mắt đỏ bội nhiễm, cần phải điều trị kháng sinh và hướng dẫn cách vệ sinh mắt. Do anh K. bị biến chứng giả mạc nên được chỉ định nghỉ bệnh 6 ngày để nghỉ ngơi và hạn chế lây lan nơi làm việc. Anh K. cũng đang lo lắng bởi con gái của anh cũng đang có biểu hiện đau mắt đỏ.
Đừng nôn nóng
Bác sĩ chuyên khoa 2 Dương Hoàng Đông - Khoa Mắt Bệnh viện Lê Văn Thịnh - cho biết, số lượng người đến khám các vấn đề liên quan về mắt đang gia tăng với khoảng 200 lượt khám/ngày. Trong đó, bệnh đau mắt đỏ tăng đột biến, chiếm 60% tổng số người bệnh.
Mặc dù đau mắt đỏ là bệnh lành tính nhưng vẫn có nguy cơ biến chứng như gây sẹo, dính mi, khô mắt, bội nhiễm, giảm thị lực, mờ mắt. Việc nhiều người mua thuốc uống, nhỏ mắt tự điều trị tại nhà đã khiến bệnh nặng hơn. Một số người đã gặp biến chứng như xung huyết mắt, tổn thương giác mạc… Chưa kể những trường hợp chỉ hơi đỏ mắt, ngứa mắt thì đã tự chẩn đoán bị đau mắt đỏ, nhỏ thuốc kháng sinh càng nguy hiểm. “Người bệnh nên đến cơ sở y tế khám. Bác sĩ sẽ kê toa thuốc, theo dõi, đánh giá nguy cơ, biến chứng của bệnh thì mới mau khỏi” - bác sĩ Dương Hoàng Đông nói.
Mặt khác, thuốc nhỏ mắt kháng sinh chỉ có tác dụng với vi trùng, không phải thuốc điều trị chính với bệnh đau mắt đỏ. Người bệnh sẽ được chỉ định dùng thuốc này khi đã bị bội nhiễm. Thậm chí, nếu người bệnh sử dụng thuốc nhỏ mắt có chứa thành phần corticoid càng gặp nhiều tác dụng phụ về sau. Chưa kể không điều trị tận gốc có thể làm cho đau mắt đỏ lây lan thành dịch trong cộng đồng.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh - Phó chủ tịch Liên chi hội truyền nhiễm TPHCM - nói thêm, khi bị đau mắt đỏ, người bệnh nên mang mắt kính, khẩu trang từ 5-7 ngày. Giai đoạn đầu mắc bệnh, người bệnh nên vệ sinh mắt bằng nước muối sinh lý. Sử dụng bông gòn sạch, nhúng vào nước ấm lau mắt. Lưu ý, trước và sau khi lau phải rửa tay sạch sẽ, chỉ lau 1 lần rồi phải bỏ bông gòn vừa lau.
Trường hợp người lớn, trẻ nhỏ bị đau mắt đỏ, ngứa, cộm mắt nên dụi mắt nhiều, dính bụi bẩn và gây bội nhiễm vi trùng, làm mắt bị ghèn đục, bác sĩ có thể chỉ định nhỏ kháng sinh. Tuy nhiên bệnh nhân không cần tìm loại thuốc xịn hoặc dùng 1 lần 3-4 loại thuốc kháng sinh.
Nếu người bị đau mắt đỏ có triệu chứng viêm hầu họng, khi ho sẽ làm văng giọt bắn, dịch tiết, nguy cơ lây nhiễm cho người xung quanh. Vì vậy, cần dùng khăn, tay che miệng khi ho để hạn chế lây nhiễm. Theo thói quen, người bệnh dụi mắt rồi cầm vào tay nắm cửa, làm việc trên bàn phím, học sinh ngồi úp mặt vào bàn… vô tình làm vi rút, vi khuẩn bám trên bề mặt tiếp xúc. Nếu người khác chạm vào các bề mặt đó, rồi vô ý bôi lên vùng mặt, mắt sẽ bị lây bệnh.
Cách phòng ngừa đau mắt đỏ quan trọng nhất là phải rửa tay bằng xà bông, dung dịch sát khuẩn, khử khuẩn bề mặt tiếp xúc thường xuyên. Trong quá trình điều trị, người bệnh không nên nôn nóng tự ý mua thêm thuốc uống, hay nhỏ thuốc liên tục, đắp lá, muối hột, nha đam… sẽ không thể hết bệnh nhanh mà còn có khả năng làm bệnh trầm trọng hơn.
Đau mắt đỏ tăng nhanh khi học sinh đến trường
Sở Y tế TPHCM cho biết, số lượt bệnh nhân bị đau mắt đỏ tăng nhanh từ sau ngày 5/9, chủ yếu là trẻ em, có thể nguyên nhân do trẻ bắt đầu đi học nên đã lây nhiễm cho nhau. Tính từ ngày 1/9 đến 10/9, số lượt khám chữa bệnh đau mắt đỏ tại các bệnh viện trên địa bàn TPHCM tăng cao so với 10 ngày trước đó với 5.039 lượt. Trong đó, 232 bệnh nhân bị biến chứng.
Đơn vị nghiên cứu lâm sàng Đại học Oxford (OUCRU) đã phối hợp với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố và Bệnh viện Mắt TPHCM khảo sát nhanh tìm tác nhân gây bệnh đau mắt đỏ. Kết quả, đa số các bệnh nhân bị đau mắt đỏ được lấy mẫu xét nghiệm, xác định tác nhân chính gây bệnh là vi rút Entero (32/39 mẫu xét nghiệm) và vi rút Adeno (5/39 mẫu xét nghiệm).
Bác sĩ Nguyễn Thị Diệu Thơ - Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Mắt TPHCM - cho biết, nếu nhà trường phát hiện học sinh nghi ngờ bị đau mắt đỏ, thầy cô nên khuyên phụ huynh đưa trẻ đến cơ sở y tế có chuyên khoa để khám bệnh. Trường hợp bác sĩ chẩn đoán đau mắt đỏ do vi rút Adeno thì nên cho trẻ nghỉ học từ 5-7 ngày theo chỉ định của bác sĩ. Khử khuẩn lớp học ngay, nhất là bàn học, bàn ăn của học sinh bị bệnh để ngăn chặn đau mắt đỏ lây lan.
Thầy cô, phụ huynh hướng dẫn trẻ rửa tay bằng xà bông, dung dịch khử khuẩn đúng cách để ngăn bệnh lây lan từ nhà vào trường học và ngược lại.
Trước thực trạng quản lý, kiểm định nước sinh hoạt ở chung cư còn nhiều bất cập khiến chất lượng nước chưa bảo đảm, các chuyên gia đã đề xuất giải pháp.