Biến chứng do tự dùng thuốc trị tai - mũi - họng

11/03/2022 - 06:23

PNO - Trong bối cảnh ngày càng nhiều ca F0, mà dấu hiệu tai - mũi - họng lại là điển hình của bệnh COVID-19, bác sĩ cảnh báo người dân cần thận trọng khi sử dụng thuốc kẻo gây biến chứng nguy hiểm.

Tiến sĩ - bác sĩ Lý Xuân Quang - Trưởng khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM - cho biết, gần đây có tới 40% bệnh nhân tới khám tại khoa đã khỏi COVID-19 nhưng vẫn còn tồn tại các triệu chứng nghẹt mũi, đau họng kéo dài. Ngoài ra có một triệu chứng hậu COVID-19 được ghi nhận trên các F0 đã khỏi bệnh đó là viêm mũi xoang cấp kèm nhiễm nấm (hay xảy ra ở người mắc bệnh tiểu đường).

Thời gian qua, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM điều trị cho hơn 10 ca bị viêm mũi xoang cấp kèm nhiễm nấm. Những ca này nếu không được điều trị đúng phác đồ và dùng thuốc phù hợp đúng chỉ định của bác sĩ thì diễn tiến sẽ rất nghiêm trọng, nguy cơ tử vong cao.

Bác sĩ Lý Xuân Quang đang khám cho một bệnh nhân bị biến chứng do lạm dụng thuốc co mạch gây phù nề, bít tắc hốc mũi
Bác sĩ Lý Xuân Quang đang khám cho một bệnh nhân bị biến chứng do lạm dụng thuốc co mạch gây phù nề, bít tắc hốc mũi

Ngày 2/3, bác sĩ Quang đã phẫu thuật cho nam bệnh nhân N.H.M. (sinh năm 1993, ngụ tỉnh Đắk Nông). Bệnh nhân này tới bệnh viện khám trong tình trạng luôn bị nghẹt mũi gây khó thở. Qua điều tra bệnh sử, bệnh nhân kể vì bị viêm mũi dị ứng nên thường xuyên dùng thuốc xịt, nhỏ mũi.

“Thuốc mà bệnh nhân dùng có tác dụng co mạch. Thuốc này không được dùng quá bảy ngày nhưng bệnh nhân lại sử dụng như một thói quen dẫn tới nghẹt mũi ngày càng nặng do cuốn mũi và các tổ chức trong mũi bị phình to”, bác sĩ cho biết.

Các bác sĩ đã gây mê nội khí quản, phẫu thuật chỉnh hình cuốn dưới và đốt thần kinh mũi sau hai bên cho bệnh nhân M.

Ngày 3/3, bác sĩ Quang ghi nhận thêm một nữ bệnh nhân bị biến chứng do dùng thuốc co mạch kéo dài. Chị N.T.L. (36 tuổi, ngụ Q. Tân Bình) nhập viện theo dõi do nghẹt mũi suốt hai năm qua. Khi ngủ, bệnh nhân phải nằm nghiêng và thở bằng miệng, kèm theo sổ mũi và chảy nước mũi.

Khi thăm khám, bác sĩ ghi nhận các tổ chức trong hốc mũi bệnh nhân bị phì đại gây bít tắc, bệnh cảnh điển hình của lạm dụng thuốc co mạch. Với ca bệnh này, dự kiến sẽ phải làm phẫu thuật thu nhỏ lại cuốn mũi để cho hốc mũi rộng ra giúp bệnh nhân thở lại được.

Cách đây vài ngày, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM cũng tiếp nhận bệnh nhân P.N.P. (45 tuổi, ngụ TP. Cần Thơ) được chẩn đoán viêm mũi do tự ý dùng thuốc. Bệnh nhân P. thường xuyên nghẹt mũi nên hay mua thuốc về nhỏ mũi. Điều này dẫn tới các tổ chức trong hốc mũi bị bít tắc, phù nề. Các bác sĩ phải phẫu thuật cắt đi khối niêm mạc thừa trong mũi để tái thông khí mũi cho bệnh nhân.

Khoa Tai - Mũi - Họng còn ghi nhận không ít ca tự ý nhỏ thuốc điều trị bệnh ở tai gây ảnh hưởng chức năng nghe. Mới đây, nam bệnh nhân Đ.V.H. (46 tuổi, ngụ tỉnh Lâm Đồng) tới bệnh viện khám vì nghe rất kém. Anh H. có tiền sử viêm tai giữa, từng đi khám và được bác sĩ kê toa thuốc. Từ đó, mỗi khi viêm tai giữa tái phát, anh H. tự ý dùng lại toa cũ. Khi kiểm tra, bác sĩ phát hiện màng nhĩ của bệnh nhân bị thủng.

Theo bác sĩ Quang, có những loại thuốc nhỏ tai không chỉ định trong trường hợp màng nhĩ bị thủng nhưng bệnh nhân lại không biết. Bệnh nhân tự nhỏ thuốc khiến thuốc vào tận tai trong gây ảnh hưởng chức năng nghe.

Bệnh lý tai - mũi - họng vô cùng phổ biến, đặc biệt là trong mùa dịch COVID-19 nhưng không phải triệu chứng giống nhau là đều có cùng nguyên nhân. Để biết chính xác nguyên nhân gây bệnh, người dân cần đi khám, từ đó được bác sĩ chẩn đoán và điều trị kịp thời. Mọi người không nên tự đoán bệnh, dùng thuốc bừa bãi dễ gây ra biến chứng.

Các nhóm thuốc hay được người dân mua điều trị triệu chứng đau họng, nghẹt mũi, viêm mũi, viêm tai chủ yếu là thuốc co mạch, kháng viêm (corticoid), kháng sinh… Đây đều là thuốc không thể sử dụng lâu dài vì sẽ gây tác dụng phụ nguy hiểm.

Thuốc co mạch thì làm phù nề, phì đại các tổ chức trong hốc mũi, họng, gây bít tắc thêm nặng nề. Thuốc kháng viêm dùng lâu dài gây loãng xương, suy tuyến thượng thận… Đối với kháng sinh, sử dụng không phù hợp, đúng loại, đúng liều sẽ gây lờn thuốc, kháng thuốc. 

Thanh Huyền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI