Biến chủng Delta đẩy thế giới quay về cuộc chiến chống COVID-19

17/06/2021 - 09:32

PNO - Biến thể Delta của COVID-19 - lần đầu tiên được ghi nhận ở Ấn Độ - đã xuất hiện tại 74 quốc gia và tiếp tục lây lan nhanh chóng, trong bối cảnh lo ngại rằng nó đang từng bước trở thành chủng virus thống trị toàn thế giới.

Biến thể dễ lây lan nhất từ trước đến nay

Sự bùng phát của biến thể Delta đã được xác nhận ở Trung Quốc, Mỹ, châu Phi, vùng Scandinavia của châu Âu và các nước vành đai Thái Bình Dương. Các nhà khoa học nhận thấy biến chủng Delta dường như dễ lây lan hơn, cũng như gây ra ca bệnh nghiêm trọng hơn. Theo cựu ủy viên Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) Scott Gottlieb, các ca bệnh mang biến thể Delta đang tăng gấp đôi sau mỗi hai tuần và hiện chiếm 10% tổng số ca mắc mới ở xứ cờ hoa.   

Trong khi đó ở Anh, biến chủng Delta chiếm hơn 90% số ca mắc mới, buộc Thủ tướng Anh Boris Johnson thông báo kéo dài các hạn chế giãn cách xã hội thêm bốn tuần, thay vì dỡ bỏ vào ngày 15/6 như dự tính.

Các ca nhiễm COVID-19 ở thủ đô Jakarta (Indonesia) đã tăng lên 17.400 trường hợp vào hôm 13/6, với tỷ lệ lớn mang biến thể Delta - ẢNH: EPA
Các ca nhiễm COVID-19 ở thủ đô Jakarta (Indonesia) đã tăng lên 17.400 trường hợp vào hôm 13/6, với tỷ lệ lớn mang biến thể Delta - Ảnh: EPA

Tại khu vực Đông Nam Á, Indonesia cho biết hôm 14/6 rằng, quốc gia vạn đảo này có thể hứng chịu làn sóng lây nhiễm mới, dự kiến đạt đỉnh điểm vào đầu tháng Bảy, giữa lúc biến thể Delta trở nên chiếm ưu thế với tỷ lệ bệnh nhân lấp đầy các bệnh viện ở Jakarta đạt 75%, tăng 30% chỉ trong vòng một tuần. Singapore cũng xác định biến thể Delta là biến thể phổ biến nhất trong số các trường hợp lây nhiễm tại đây. Theo Bộ Y tế Singapore, trong 449 ca nhiễm cộng đồng ghi nhận đến ngày 31/5, có đến 428 trường hợp mang biến thể Delta và chín trường hợp mang biến thể Beta - được xác định đầu tiên ở Nam Phi.

Trong khi các cơ quan y tế trên khắp thế giới đang thu thập và chia sẻ dữ liệu về sự lây lan của biến thể mới, thì điều đáng lo ngại là ở các quốc gia đang phát triển, biến thể Delta có thể đã lan rộng hơn nhiều so với những gì được báo cáo. Ashish Jha - Hiệu trưởng Trường Sức khỏe cộng đồng của Đại học Brown ở Mỹ - gọi biến thể Delta là “biến thể dễ lây lan nhất từ trước đến nay”. Nó đang chứng tỏ sự nguy hiểm và hiệu quả trong việc vượt qua các biện pháp kiểm soát và kiểm dịch ở biên giới. Điển hình như ở Úc, các trường hợp lây nhiễm tiếp tục xuất hiện tại Melbourne, mặc cho sự kiểm soát chặt chẽ từ chính quyền.

Triệu chứng nghiêm trọng hơn

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã chỉ định Delta là một biến thể đáng quan tâm vào tháng Tư và một biến thể cần theo dõi vào ngày 11/5. Dữ liệu mới thu thập từ nghiên cứu dựa trên ứng dụng điện thoại ở Anh cho thấy, các triệu chứng khi nhiễm biến thể Delta dễ khiến mọi người nhầm lẫn với cảm lạnh khi xuất hiện cảm giác đau đầu, đau họng và chảy nước mũi. Mặt khác, biến chủng dường như gây ra các triệu chứng nghiêm trọng hơn, bao gồm đau dạ dày, buồn nôn, nôn, chán ăn, mất thính giác và đau khớp. Theo một bài viết công bố trên tạp chí y khoa The Lancet, những người bị nhiễm biến thể Delta có nguy cơ phải nhập viện cao hơn gấp đôi so với biến thể Alpha - biến thể lần đầu tiên được xác định ở Anh.

Đặc biệt, bằng chứng từ Quảng Châu, Trung Quốc, cho thấy 12% bệnh nhân trở nên ốm nặng hoặc chuyển biến nghiêm trọng trong vòng 3-4 ngày kể từ khi bắt đầu xuất hiện các triệu chứng - cao hơn tới bốn lần so với các đợt bùng phát trước - và những cá nhân bị bệnh lây nhiễm cho nhiều người hơn. Nghiên cứu ở Trung Quốc cũng đã phát hiện ra chủng này dường như có khả năng kháng vắc-xin mạnh hơn, đặc biệt nếu bệnh nhân chưa tiêm đủ hai liều.

Hy vọng lớn nhất của thế giới trong việc chống lại biến chủng Delta chính là tiêm chủng vắc xin. Theo phân tích được công bố hôm 14/6 bởi Cơ quan Y tế công cộng Anh, vắc xin COVID-19 của Pfizer và AstraZeneca có hiệu quả cao với biến thể Delta. Theo đó, mũi tiêm của Pfizer có hiệu quả chống khả năng nhập viện đến 96% sau hai liều, trong khi mũi tiêm của AstraZeneca có hiệu quả 92%. Những kết quả trên tương tự với khả năng bảo vệ chống lại biến thể Alpha. Kết quả cũng cho thấy hiệu quả của cả hai loại vắc xin chống lại ca bệnh có triệu chứng từ biến thể Delta là 33% trong ba tuần sau liều đầu tiên. Trong hai tuần sau liều thứ hai, vắc xin Pfizer có hiệu quả 88% và vắc xin AstraZeneca có hiệu quả 60% - lý do vì vắc xin này tạo tốc độ phát triển kháng thể chậm hơn. 

Linh La (theo NY Times, CNN, Bloomberg, Reuters, Guardian, AP)

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI