Biếm họa trên báo chí Sài Gòn trước năm 1975

05/03/2024 - 12:12

PNO - "Biếm họa trên báo chí Sài Gòn trước 1975" là tập sách biên khảo mới nhất của nhà báo Phạm Công Luận, vừa được Phương Nam Book phát hành.

Tiếp nối niềm cảm hứng từ tác phẩm Sài Gòn phong vị báo xuân xưa (đã xuất bản), nhà báo Phạm Công Luận tiếp tục nghiên cứu và in sách Biếm họa trên báo chí Sài Gòn trước 1975.

Sách dày 200 trang, được Phương Nam Book phát hành với khổ in lớn, gồm 30 bài viết và hơn 4 ngàn tranh in màu.

Họa sĩ Saté - Nguyễn Văn Thưởng đánh giá: Cuốn sách sẽ không chỉ dành cho lứa “già” như Satế đọc để chậm rãi tìm về những ngày xưa của mình. Lớp trẻ đang lớn yêu tranh vui, thích biếm họa sẽ tìm thấy trong đó bút tích quý giá của những họa sĩ tiền bối mở đường
Họa sĩ Satế - Nguyễn Văn Thưởng: "Sách không chỉ cho lứa “già” như Satế đọc để tìm về ngày xưa của mình, mà lớp trẻ cũng sẽ tìm thấy trong đó bút tích quý giá của những họa sĩ tiền bối mở đường..."

“Từ năm 1971, tôi có thể xem tranh vui và biếm họa thường xuyên trên báo Thiếu Nhi ra hàng tuần, rất mê hai nhân vật Tí Xíu và Tí Ti do Vương Nghiêm và Nguyễn Tài vẽ. Tôi cũng không thể quên những buổi tối, ba tôi và bác hàng xóm ngồi với nhau bên ly rượu ngũ gia bì, bình luận thời sự và nhắc đến tranh biếm của Tuýt, Chóe, Ớt...” - nhà báo Phạm Công Luận chia sẻ. 

Ký ức cùng tình cảm, niềm say mê nghiên cứu báo chí Sài Gòn trước năm 1975 đã khiến anh dành tâm sức nghiên cứu. Sách gồm các nội dung khái quát về sự xuất hiện cũng các giai đoạn phát triển của thể loại tranh biếm họa trên báo chí tiếng Việt. 

Một số tranh biếm họa được in trong sách
Một số tranh biếm họa được in trong sách

Theo nhà báo Phạm Công Luận, biếm họa báo chí Sài Gòn trước 1975 là "cả một khoảng trời có rất nhiều ngôi sao lớn nhỏ khác nhau". Trong đó có nhiều tên tuổi: họa sĩ Hoàng Lập Ngôn vẽ ký họa chân dung văn nghệ sĩ, họa sĩ Hưng Hội được người làm báo và giới họa sĩ thập niên 1940 đánh giá cao, họa sĩ Văn Hiếu - một cây cọ nổi tiếng ở miền Nam trước 1975...

Thông qua những bức tranh biếm họa cùng những mẩu chuyện dí dỏm, các họa sĩ đã cùng ghi lại bức tranh của đời sống xã hội, của thời cuộc và những bước thăng trầm của đời sống văn hóa người Việt.

Song Giang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI