Sống chung với luật ngầm
Độc giả cười thỏa mãn trước những bức biếm họa đề tài chính trị - xã hội đăng tải trên báo chí. Họ đắc ý bởi sự châm biếm sâu cay, mỉa mai, trực diện. Hơn nhiều bài viết, tranh biếm họa thể hiện thái độ chính trị, độ nhạy thời sự của nhiều họa sĩ mà không cần phải diễn giải dài dòng.
|
Một biếm họa của họa sĩ Khều |
Tuy nhiên, để tác phẩm đến được với độc giả, tranh biếm cũng phải trải qua nhiều tầng kiểm duyệt. Trong đó, sự kiểm duyệt đầu tiên từ chính họa sĩ, vì họ biết, nếu thể hiện tận cùng vấn đề, tranh biếm sẽ đụng chạm đến nhiều cá nhân, tổ chức và rất có thể sẽ bị cất đi.
“Biếm họa phải nói đúng bản chất vấn đề. Nhưng hiện nay, mình phải cân nhắc nhiều thứ quá, nên phải tự biên tập, tự hạn chế, vì nếu nói đến tận cùng, sẽ đụng chạm lung tung. Thành ra, chúng tôi phải nói theo dạng nửa chừng” - họa sĩ Trần Minh Dũng (Nhốp) chia sẻ.
Không riêng họa sĩ Nhốp, những ai trót gắn bó với biếm họa đều mang nhiều trăn trở mà trong đó, lao động nghệ thuật dưới những luật ngầm đang kìm sức sáng tạo. Đó vừa là rào cản, vừa là thử thách với họa sĩ. Khi vượt qua, tác phẩm sẽ được công chúng đón nhận.
“Tranh biếm châm càng mạnh, càng sâu mới thấm, nhưng ở nước mình, báo chí cũng chỉ được nói ở một mức độ nào đó. Nên họa sĩ được nói ở những vấn đề nào thì phải nói cho chắc, cho sâu; còn những cái khác thì đành để đó, chờ dịp thích hợp” - họa sĩ Đỗ Anh Dũng (DAD) nói.
Như một sự thỏa hiệp để tồn tại, biếm họa phải chấp nhận đi giữa những lằn ranh.
Trăn trở đất sống hẹp
Sân chơi dành cho biếm họa tại Việt Nam hiện nay không nhiều. Có nhiều lý do giải thích cho sự bó hẹp này, nhưng chủ yếu do mức độ nhạy cảm và liên đới của biếm họa đến những đề tài, sự kiện nóng bỏng trong xã hội, nên tranh biếm chủ yếu sống nhờ những trang báo.
“Có nhiều ý kiến cho rằng, tranh biếm đã chết, không có đất sống. Không phải. Biếm họa sống cộng sinh. Ở Việt Nam, lực lượng họa sĩ vẽ biếm có thể trồi sụt theo thời gian, nhưng thực tế, có mấy báo sử dụng tranh biếm? Biếm họa không thể vẽ rồi lồng khung kính triển lãm như tranh ảnh khác, vì đây là loại hình báo chí. Mà báo chí muốn sống thì phải có đất, phải được đăng. Nhiều tòa soạn chọn giải pháp an toàn, khiến sân chơi biếm họa càng bị thu hẹp” - họa sĩ DAD trăn trở.
Ngoài sự sụt giảm các trang báo giấy - đất sống chính của tranh biếm, những hoạt động chuyên ngành như triển lãm cũng rất khó để thực hiện. Ông Huỳnh Văn Mười - Chủ tịch Hội Mỹ thuật TP.HCM - cho biết: “Sân chơi dành cho họa sĩ biếm không nhiều, nhưng vì những yêu cầu, tính chất riêng của thể loại này mà dù có muốn, chúng tôi cũng không thể. Ví dụ: không họa sĩ biếm nào là hội viên Hội Mỹ thuật TP.HCM. Họ là những nhà báo hoạt động độc lập thì tổ chức triển lãm như mỹ thuật ứng dụng, tạo hình khó thực hiện được. Chưa kể, đề tài nhạy cảm và đụng chạm nhiều người là rào cản lớn của tranh biếm”.
Đất chật, người đông, tranh biếm cũng phải cạnh tranh nhau để sống. Theo chia sẻ từ nhiều họa sĩ, thu nhập từ tranh biếm không đủ sống, nhưng họ không chỉ vẽ vì tiền. “Họa sĩ biếm khó sống được bằng nghề. Muốn trụ được, anh phải phủ sóng trên nhiều mặt báo hoặc phải có thêm nghề tay “phải” để nuôi tay “trái” vẽ tranh. Dù vẽ nhiều hay vẽ ít, chắc chắn, chúng tôi không bỏ nghề” - họa sĩ Trần Đăng Minh Khuê (Khều) khẳng định.
Cuộc thi vẽ biếm họa về nạn tham nhũng là hoạt động thú vị với anh em họa sĩ. Đây là cơ hội để họ thể hiện những góc nhìn chính trị, xã hội độc đáo. Tuy nhiên, nếu Cục Mỹ thuật - Nhiếp ảnh và Triển lãm nói rằng, “không có vùng cấm” với đề tài này thì chưa chắc, vì bao năm qua, có những điều khó nói mà người trong nghề đều biết.
Tuy nhiên, cũng đã đến lúc phải nhìn nghiêm túc hơn với những họa sĩ vẽ biếm, vì đây là hoạt động nghệ thuật thuần túy, tinh tế và phải thật sự nhạy về thời cuộc mới có thể làm được.
Họa sĩ Huỳnh Văn Mười
(Chủ tịch Hội Mỹ thuật TP.HCM)
|
Vẽ biếm chống tham nhũng là chuyện không mới. Nhiều bức biếm họa từ thời bao cấp đến nay vẫn còn nguyên giá trị mới là vấn đề. Biếm họa hiện tại có xu hướng mở, khốc liệt hơn, mình mừng, nhưng trong đó cũng có nhiều câu chuyện bản thân mình biết nhưng không thể nói được.
Họa sĩ Trần Minh Dũng
|
Diễm Mi