Bị yếu liệt tay chân, đi khám mới biết do nghiện bóng cười

26/12/2023 - 06:27

PNO - Vừa qua, Bệnh viện Y học cổ truyền TPHCM ghi nhận khá nhiều trường hợp bệnh nhân được gia đình đưa tới điều trị với triệu chứng yếu liệt tay chân và mất ngủ, nhưng thực chất đó là hậu quả tổn thương thần kinh do ngộ độc khí cười.

Yếu liệt chân cứ nghĩ bệnh xương khớp

Bác sĩ chuyên khoa 1 Nguyễn Kỳ Xuân Nhị - Phó trưởng khoa điều hành Khoa Nội thần kinh Bệnh viện Y học cổ truyền TPHCM - cho biết: hầu hết trường hợp ngộ độc khí cười (N2O) đến khám tại bệnh viện là trẻ vị thành niên hoặc người chưa lập gia đình (từ 16-23 tuổi). 

Y sĩ Trà Thanh Khiêm đang châm cứu để điều trị phục hồi tổn thương do sử dụng bóng cười cho bệnh nhân
Y sĩ Trà Thanh Khiêm đang châm cứu để điều trị phục hồi tổn thương do sử dụng bóng cười cho bệnh nhân

Mới đây, bệnh nhân nam N.V.M. (22 tuổi, ngụ TPHCM) nhập viện trong tình trạng liệt hoàn toàn 2 chi dưới kèm rối loạn tiểu tiện. Sau khi thăm khám và hỏi bệnh sử, bác sĩ xác định đây là ảnh hưởng do sử dụng khí cười quá mức trong thời gian dài. Mẹ bệnh nhân cho biết đã biết con dùng khí cười từ cách đây 3 năm. Bà không nghĩ con bị liệt 2 chi dưới lại có liên quan tới bóng cười, cứ tưởng con mắc bệnh cơ xương khớp. 
M. được áp dụng đa phương thức điều trị như dùng vitamin B12 liều cao, các thuốc bổ trợ thần kinh, phối hợp thuốc thang sắc uống với bài thuốc được cá thể hóa. Bác sĩ còn chỉ định các phương pháp như điện châm, thủy châm, nhĩ châm, xoa bóp bấm huyệt, vật lý trị liệu và tập phục hồi chức năng mỗi ngày. Sau 10 ngày điều trị, bệnh nhân đã kiểm soát được tiêu tiểu. Đến tuần thứ hai, M. cử động được 2 chân và thực hiện được một số bài tập phục hồi đi lại. Sau 3 tuần điều trị, người bệnh gần như phục hồi hoàn toàn và được xuất viện. Tuy nhiên, bệnh nhân vẫn cần tái khám và trị liệu ngoại trú thêm một thời gian nữa. 

Từ đầu năm tới nay, y sĩ Trà Thanh Khiêm (Khoa Khám bệnh Bệnh viện Y học cổ truyền TPHCM) đã châm cứu, trị liệu phục hồi chức năng cho khoảng 7 ca do tác hại của nghiện bóng cười. Ca gần đây là nam bệnh nhân P.Đ.T. (28 tuổi, ngụ TPHCM), đến khám vì các dấu hiệu rối loạn thần kinh. Lúc được các y bác sĩ khám, anh T. trả lời không nhất quán, đầu óc mơ màng. Gia đình bệnh nhân chia sẻ anh T. nghiện bóng cười vài năm nay, ban đầu được bạn bè rủ rê đi chơi, mời dùng thử rồi thành nghiện. 

Theo y sĩ Trà Thanh Khiêm, lúc sử dụng bóng cười, khí N2O khiến nạn nhân hưng phấn, sảng khoái, nhưng lâu dài gây ngộ độc. Đây là một chất gây nghiện. Lúc không sử dụng khí cười nữa cơ thể không sản xuất ra morphine nội sinh, khiến chất này sụt giảm đột ngột làm bệnh nhân bị lên cơn nghiện. Do bệnh nhân có biểu hiện tổn thương thể tì vị nên được châm cứu những huyệt liên quan tạng tì. Mục đích là giúp cơ thể sản sinh ra morphine nội sinh, hỗ trợ người bệnh ăn uống khỏe hơn, tỉnh táo, dễ ngủ và cắt được cơn nghiện. Ngày đầu đến bệnh viện, anh T. phải có người dìu, và tay không cầm được viết. Sau 1 tuần trị liệu, sức khỏe bệnh nhân cải thiện rõ rệt. Tinh thần anh T. đã sáng suốt, tự đi lại và một mình bắt xe tới bệnh viện trị liệu… 

Dùng bóng cười lâu, thời gian điều trị dài

Điều dưỡng trưởng Nguyễn Thị Phương (Khoa Khám bệnh của bệnh viện) vẫn nhớ như in trường hợp nữ bệnh nhân H.T.V. 21 tuổi, rất xinh đẹp, con nhà khá giả tại TPHCM. Cô gái trẻ được gia đình đưa tới bệnh viện trên chiếc xe lăn. V. bị yếu liệt 2 chân do theo bạn bè đi chơi và nghiện bóng cười từ năm 17 tuổi. Nhìn chung, những thanh thiếu niên như V. đến bệnh viện nhưng không biết nguyên nhân liên quan đến bóng cười. Họ được người thân đưa đến do yếu liệt chân tay, méo miệng, nhức mỏi, thần trí lơ ngơ, rối loạn giấc ngủ. Chỉ khi được bác sĩ hỏi han bệnh sử thì tiền sử bệnh nhân sử dụng bóng cười mới được hé lộ. 

Bác sĩ Xuân Nhị cho biết triệu chứng của ngộ độc khí cười rất đa dạng nhưng chủ yếu tập trung vào tổn thương hệ thống thần kinh khiến bệnh nhân có biểu hiện như rối loạn cảm giác làm tê bì tứ chi, tổn thương đến chức năng vận động gây yếu hoặc liệt tay chân, rối loạn tiểu tiện. Nếu nặng hơn thì có thể gây ảnh hưởng đến tim mạch người bệnh như khó thở, đau ngực và đe dọa tính mạng. 

Tùy vào sự đáp ứng của mỗi bệnh nhân, bác sĩ sẽ có lời khuyên và lựa chọn phương án điều trị phù hợp nhất. Những trường hợp nặng cần nhập viện để tối ưu phương pháp điều trị cũng như theo dõi phòng ngừa biến chứng. Y sĩ Trà Thanh Khiêm chia sẻ, trung bình một liệu trình châm cứu cắt cơn cho bệnh nhân bị yếu liệt do sử dụng bóng cười từ 7-10 ngày, áp dụng với các ca nhẹ, thời gian sử dụng bóng cười dưới 1 năm. Những trường hợp nặng, sử dụng bóng cười trên 1 năm sẽ cần liệu trình dài hơn từ 1-2 tháng. Bệnh nhân có thể cần được châm cứu khoảng 1 lần từ 15-20 phút mỗi ngày. Từng có ca nặng, phải châm cứu 2-3 lần/ngày. 

Ở người vị thành niên, nhận thức chưa đầy đủ về hành vi cũng như tác hại của khí cười, phụ huynh cần quan tâm sâu sát hơn. Nếu thấy con em mình có biểu hiện bất thường về đi lại, sinh hoạt, hay đột ngột vắng mặt không rõ lý do thì gia đình cần lưu ý và theo dõi nhằm phát hiện sớm. Nguyên tắc hàng đầu khi có triệu chứng là người bệnh phải chấm dứt ngay hành vi sử dụng khí cười và điều trị đúng phác đồ để mang lại hiệu quả sớm nhất cũng như phòng tránh biến chứng lâu dài.

Thanh Huyền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI