Bị vợ coi thường, tôi phải cuốn gói ra đi

23/09/2024 - 12:58

PNO - Ngày thường kiếm ra tiền tôi chưa bao giờ tính toán với vợ. Thế mà mới ngã ngựa chưa bao lâu cô ấy đã dằn vặt, kể công.

Vợ tôi càng ngày càng quá quắt (ảnh minh hoạ)
Vợ tôi càng ngày càng quá quắt (ảnh minh hoạ)

Tôi kết hôn 15 năm nay, chưa bao giờ để vợ con phải vất vả. Công việc của tôi là kinh doanh ngành thiết bị điện tử. Khi làm ăn suôn sẻ, hằng tháng tôi chu cấp toàn bộ chi phí của gia đình, từ học hành con cái, tiền chợ, điện nước… Thậm chí vợ hỏi tiền để biếu bên ngoại sửa nhà, thuốc men, ăn uống... tôi cũng chưa từng thoái thác, vặn vẹo.

Vợ tôi là nhân viên thu ngân của một siêu thị, lương tháng không quá 8 triệu đồng, chỉ đủ chi tiêu cho mình cô ấy. Đó còn chưa kể vợ thích túi mới, giày mới; đi du lịch với bạn bè, cô ấy chỉ cần bảo tôi đưa tiền là có.

Nói chung tôi luôn tâm niệm rằng che chở cho vợ con là trách nhiệm của đàn ông. Trong gia đình thì mình là trụ cột. Đi làm gặp khách hàng khó chịu, chửi mắng, huỷ đơn... ấm ức, áp lực nào tôi cũng trải, nhưng có khi nào tôi nỡ kể cho vợ nghe. Một mình tôi lo lắng đủ rồi, cần để người thân yêu bình an, vui vẻ.

Cách đây chưa đầy 1 năm, việc làm ăn của tôi bỗng khó khăn. Người khách "mối" mua số lượng hàng lớn đã mất khả năng thanh toán và trốn nợ. Tôi mắc nợ theo khách, không có tiền trả cho nhà cung ứng. Nợ đơn hàng lên tới cả vài trăm triệu đồng làm tôi liêu xiêu.

Nhiều chuyện ập tới cùng lúc, chủ nhà đòi lấy lại mặt bằng kinh doanh trước hạn. Tôi đã đầu tư vào việc trang trí, xây dựng tốn gần tỷ đồng, giờ xảy ra tranh cấp, cãi vã... vô cùng mệt mỏi. Sau nhiều lần căng thẳng, cuối cùng chủ nhà chỉ bồi thường được số tiền nhỏ so với khoản tôi đầu tư ban đầu. Chưa xoay xở kịp, tôi tạm thời đành đóng cơ sở kinh doanh.

6 tháng nay tôi chỉ ở nhà, không đưa được xu nào cho vợ. Vợ tôi phải lấy tiền tiết kiệm của gia đình ra chi tiêu nên mặt cô ấy lúc nào cũng nặng như chì, dù ai cũng hiểu tiền tiết kiệm đó là khoản tôi kiếm được lúc ăn nên làm ra và đưa vợ cất giữ.

Từ người hằng tháng đưa cho vợ vài chục triệu đồng mà giờ tôi phải ngửa tay xin lại từng đồng để phục vụ nhu cầu cá nhân. Mỗi lần như vậy, cô ấy hạnh hoẹ đủ điều, nào là lấy làm gì, tiêu việc gì, sao lấy nhiều thế... Ngay cả chuyện sáng ra tôi hút điếu thuốc, uống ly cà phê cũng làm cô ấy ngứa mắt.

Đỉnh điểm là tình huống cách đây 3 ngày. Hôm ấy, tôi nói vợ đưa tiền để tôi đổ xăng xe. Cô ấy nói rằng tôi chỉ ở nhà thì đổ xăng làm gì. Câu xúc phạm ấy như giọt nước tràn ly, đụng tới tự ái đàn ông.

Tôi không thể chịu nổi, bỏ đi, sang nhà bạn ở. Cậu bạn tôi có vợ con nên ở nhà bạn tôi thấy làm phiền người ta, ngại vô cùng. Thế nhưng tôi không có nơi nào để đi cả. Cha mẹ tôi mất cả rồi, căn nhà vợ chồng tôi đang ở là do cha mẹ tôi cho. Tôi có đứa em gái đã có chồng, con. Tôi không thể tới nhà em ở được.

Đỉnh điểm của mâu mẫu là tôi phải xếp đồ bỏ đi (ảnh minh hoạ)
Đỉnh điểm của mâu thuẫn là tôi phải xếp đồ ra đi (ảnh minh hoạ)

Chẳng chốn dung thân nhưng tôi không muốn trở về ngôi nhà ấy, dù đó là nhà mình. Tôi tự hỏi tại sao người đầu ấp tay gối với mình lại bạc bẽo tới vậy. Ngay lúc này, dù tôi ngã ngựa nhưng cô ấy nào đã phải nuôi tôi. Tôi ở nhà không đi làm thì đó cũng là nhà cha mẹ tôi. Tôi có tiêu tiền thì đó cũng là tiền tôi từng kiếm được. Thậm chí tới lúc mâu thuẫn đỉnh điểm như bây giờ, tôi lại chọn mình là người ra đi chứ đâu dám nói gì cô ấy.

Tôi muốn nhắn nhủ không chỉ với vợ tôi mà với tất cả các bà vợ rằng, đừng phủ nhận hết mọi thứ chồng đã làm cho gia đình. Sông có khúc người có lúc. Vợ chồng cần sự đồng hành, chia sẻ cả lúc sung sướng lẫn khi khó khăn. Già néo thì đứt dây...

Phạm Tuấn (Q12, TPHCM)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI