Bị Vietjet delay quá 4 tiếng, khách hàng có thể yêu cầu bồi thường

18/06/2019 - 06:30

PNO - Những hàng khách phải vật vã tại các sân bay vì Vietjet delay, hoãn, hủy chuyến hoàn toàn có thể yêu cầu hãng này bồi thường để đảm bảo quyền lợi.

Theo tìm hiểu của phóng viên, quy định trong Thông tư 14/2015/TT-BGTVT của Bộ Giao thông vận tải, việc bồi thường ứng trước không hoàn lại trong vận chuyển hành khách bằng đường hàng không.

Mức bồi thường cho mỗi hành khách đối với chuyến bay nội địa được quy định: Chuyến bay có độ dài đường bay dưới 500 km là 200.000 đồng; Chuyến bay có độ dài đường bay từ 500 km đến dưới 1.000km là 300.000 đồng; Chuyến bay có độ dài đường bay từ 1.000km trở lên là 400.000 VNĐ...

Mức bồi thường cho mỗi hành khách đối với chuyến bay quốc tế: Chuyến bay có độ dài đường bay dưới 1.000 km là 25 USD và 150 USD cho chuyến bay có độ dài đường bay từ 5.000 km trở lên. Người vận chuyển có thể quy định mức bồi thường ứng trước không hoàn lại nhưng không được thấp hơn mức quy định trên.

Trao đổi với một số đại lý bán vé sau khi Vietjet delay, hoãn, hủy hàng loạt các chuyến bay những ngày qua. Một số đại lý cho biết, dù họ nắm khá rõ quy định bồi thường nhưng thực tế không thấy áp dụng thường xuyên ở các chuyến bay bị hoãn, hủy. 

"Có thể do không nhiều hành khách dành thời gian tìm hiểu quy định này. Hoặc họ cũng chưa biết đòi hỏi quyền lợi ở đâu...", một đại lý vé máy bay tại quận Tân Bình cho hay.

Anh Quang Hưng, Chủ một đại lý vé máy bay tại TP.HCM cho biết, lỗi đến từ phía hãng hàng không và hành khách nên đòi quyền lợi. Có nhiều trường hợp khách bị delay đến tận 6 tiếng nhưng không được hãng bồi hoàn, phải đến khi phản ánh với đại lý và được đại lý nhắc nhở thì hành khách mới biết…

Đối với việc huỷ chuyến, theo chủ đại lý này ngoài nhận hoàn tiền vé, khách hàng được bồi hoàn 750.000 đồng/vé. Mỗi hãng cũng có thể có thêm chính sách hỗ trợ khác cho hành khách tùy vào từng trường hợp cụ thể.

Nhưng để nhận tiền bồi thường nhanh chóng, nhiều đại lý vé máy bay khuyến cáo khách hàng nên nhận bồi thường ngay tại quầy dịch vụ của hãng hàng không tại sân bay. Có nhiều trường hợp hãng sẽ yêu cầu khách hàng quay lại đại lý để nhận phí bồi thường hoãn chuyến. Dù vậy, khi khách mang khiếu nại delay về phải mất thời chờ đợi tiền hoàn từ 1 thậm chí 3 tháng.

Bi Vietjet delay qua 4 tieng, khach hang co the yeu cau boi thuong
Delay hơn 4 tiếng khách hàng nhận bồi thường 400.000 đồng từ Vietjet Air

Một số trường hợp hãng bay không phải bồi thường như điều kiện thời tiết; nguy cơ an ninh; chuyến bay bị chậm kéo dài theo quyết định của cơ quan nhà nước; do vấn đề về y tế của hành khách (bị ổm nặng hoặc chết sau khi đã lên tàu bay); Tàu bay, chuyến bay bị phá hoại; do xung đột vũ trang, đình công, sự cố kỹ thuật…

Trong các trường hợp nếu hãng hàng không đã thông báo về việc hủy chuyến bay hoặc chuyến bay bị chậm kéo dài đúng thời điểm theo quy định thì cũng được miễn trừ nghĩa vụ bồi thường: thông báo bằng lời nói, tin nhắn, thư điện tử ít nhất 24 giờ trước giờ khởi hành dự kiến; thực hiện cuộc gọi bằng điện thoại trong vòng 7h đến 22h với tần suất là 02 cuộc, cách nhau 20 phút nếu cuộc gọi đầu tiên không liên hệ được…

Hành khách không có mặt làm thủ tục hàng không tại cảng; Khách hàng được vận chuyển miễn phí cũng không được bồi thường nếu chuyến bay bị hủy hoặc bị chậm chuyên bay kéo dài.

Bi Vietjet delay qua 4 tieng, khach hang co the yeu cau boi thuong
Nhiều đại lý vé máy bay lưu ý cho khách hàng về quyền lợi khi hãng bay hoãn, huỷ chuyến

Theo tìm hiểu của chúng tôi, trong những ngày qua đã có một số khách hàng của Vietjet cũng đã yêu cầu Vietjet bồi thường vì mất quá nhiều thời gian vật vã tại các sân bay. Hãng hàng không này cũng thực hiện một số yêu cầu bồi thường từ phía hành khách.

Anh Thiên Ân, người dân sống tại TP.HCM chia sẻ, anh đặt vé máy bay khứ hồi đi Vinh của hãng hàng không Vietjet Air trong ngày 16/6 chuyến TP.HCM - Vinh. Tuy nhiên, chiều về Vietjet delay từ 11h30 sang 15h, rồi tiếp tục báo hoãn đến 15h30. Lần thứ ba nhận được thông báo giờ khởi hành mới là 16h50 với lý do "chuyến bay đến trễ”. Tổng thời gian hoãn chuyến là hơn 5 tiếng. Hành khách này liên hệ với quầy dịch vụ của hãng, sau đó xuất trình thẻ lên tàu bay nhận được 400.000 đồng.

Trường hợp anh Thiên Ân gặp phải không mới, thậm chí là thường xuyên diễn ra ở các hãng hàng không giá rẻ. Thế nhưng, việc quy định bồi thường phí tổn cho khách hàng trong trường hợp hủy/hoãn chuyến dường như bị các hãng hàng không “ngó lơ”, trong khi không phải hành khách nào cũng biết rõ về quy định này.

Quốc Thái

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI