Bị truy quét, giới buôn lậu ngà voi dạt sang Campuchia

28/06/2020 - 14:02

PNO - Ủy ban Công lý động vật hoang dã vừa công bố một báo cáo điều tra kéo dài gần một năm về tình trạng buôn bán ngà voi vốn đã tồn tại dai dẳng ở tiểu vùng sông Mê Kông.

Báo cáo mang tên “Sự liên quan ngày càng rõ ràng của Campuchia trong buôn bán ngà voi toàn cầu” cho thấy, mạng lưới tội phạm này đang có xu hướng dịch chuyển từ các quốc gia đang tăng cường thực thi pháp luật đối với động vật hoang dã như Trung Quốc, Việt Nam sang các nước dễ dãi hơn như Campuchia.

Đường đi của ngà voi vào Campuchia

Từ tháng 5/2019, Ủy ban Công lý động vật hoang dã (WJC) đã khởi động chiến dịch Jeopardy nhằm điều tra thị trường ngà voi bất hợp pháp tại Campuchia. Các thành viên của tổ chức đã “bắt mối” với những đầu nậu tại xứ chùa tháp. Họ được “chào hàng” những chiếc ngà thô có giá trung bình 1.600 USD/kg. Trong quá trình điều tra, WJC thu thập được nhiều bằng chứng cho thấy Campuchia đang trở thành một trung tâm chế tác cũng như sản xuất các mặt hàng khác từ ngà voi nhằm cung ứng cho khách hàng Trung Quốc chứ không chỉ bán lẻ tại chỗ. 

ngà voi
Các sản phẩm ngà voi đã qua chế biến - Ảnh: WJC

Ngà voi hầu hết được nhập lậu vào Campuchia từ Thái Lan, Lào và Việt Nam. Có thể thấy, những nỗ lực tại các quốc gia này đã buộc giới tội phạm phải “ngầm hóa” sự hiện diện của một thị trường ngà voi mở như trước đây và Campuchia là nơi lý tưởng để thực hiện. Nếu như Việt Nam được các gian thương chọn là địa điểm nhập ngà voi đã qua chế biến thì ưu tiên của họ là ngà voi thô từ Thái Lan hoặc Lào. WJC cũng có thông tin tình báo đáng tin cậy rằng, các kho ngà voi lớn đang được tập kết tại Việt Nam, khu vực gần biên giới Campuchia. 

Đáng chú ý, đặc vụ của WJC đã thu được bằng chứng về việc sản xuất, mua bán và xác định được các cơ sở bán lẻ ngà voi cùng các sản phẩm động vật hoang dã bất hợp pháp ngay tại Phnôm Pênh và Sihanoukville. Nhóm này cho hay, các cơ sở này khá quy mô và đều do giới buôn lậu người Trung Quốc điều hành, nhắm đến khách hàng đại lục. Đặc biệt, họ phát hiện một nhà máy núp dưới vỏ bọc là doanh nghiệp sản xuất gỗ nhưng thực chất là sản xuất đồ trang sức bằng ngà với trang thiết bị tinh vi. Chuyến thực địa vào tháng Ba năm nay của nhóm đặc vụ xác nhận, nhà máy vẫn hoạt động hết công suất dù lượng du khách Trung Quốc giảm do dịch COVID-19. 

WJC đã chuyển báo cáo cho Liên minh Động vật hoang dã (WA) để tổ chức này báo cho đội cứu hộ động vật hoang dã vây ráp các cơ sở sản xuất, buôn bán trái phép, bắt bảy đối tượng gồm năm công dân Trung Quốc và hai công dân Campuchia, thu giữ nhiều sản phẩm động vật hoang dã gồm ngà voi, xương hổ, vảy tê tê và cá ngựa khô.

Nơi tiêu thụ chủ yếu là Trung Quốc

WJC cũng ghi nhận, lệnh cấm buôn bán ngà voi nội địa của Trung Quốc cùng nỗ lực thực thi pháp luật của các quốc gia trong khu vực đã khiến nhu cầu và giá ngà voi thô có chiều hướng giảm. Nhưng chính sự giảm sút này lại thúc đẩy các tập đoàn tội phạm chuyển sang buôn lậu các mặt hàng ngà voi đã chế biến thay vì ngà thô, nhằm dễ vận chuyển. 

Các sản phẩm ngà voi đã qua chế biến - Ảnh: WJC
Các sản phẩm ngà voi đã qua chế biến - Ảnh: WJC

“Hành động tăng cường thực thi pháp luật của Trung Quốc và các nước láng giềng như Việt Nam và Lào khiến giá bán ngà voi giảm mạnh. Chắc chắn các nhóm tội phạm sẽ chuyển sang hoạt động ngầm nhiều hơn tại các quốc gia có năng lực thực thi pháp luật kém hơn trong việc giải quyết tội phạm động vật hoang dã, chẳng hạn như Campuchia” - Sarah Stoner, Giám đốc truyền thông WJC, nói.

Bất chấp lệnh cấm mua bán ngà voi ở Trung Quốc, vẫn có một nhu cầu liên tục từ đối tượng khách hàng chủ yếu vẫn là người Trung Quốc. Cuộc điều tra bí mật của WJC chỉ ra rằng, hoạt động buôn bán ngà voi tại Campuchia là do các thương nhân Trung Quốc kiểm soát và dường như để phục vụ cho ngành du lịch đại lục. Các thương nhân này muốn biến Campuchia thành trung tâm sản xuất, cung ứng các sản phẩm từ ngà voi.

Rõ ràng, sau khi thực thi lệnh cấm ở Trung Quốc và áp lực chính trị từ cộng đồng quốc tế, thị trường ngà voi toàn cầu đang trải qua sự thay đổi địa lý. Qua đó, “thế giới ngầm” vẫn chứng tỏ khả năng phục hồi của mình trước sự can thiệp chính trị và pháp luật. 

Quốc Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI