Bí thuật Đạo giáo công phu cốt tủy của thực hành Đạo giáo

19/07/2016 - 09:25

PNO - Không phải dễ khi muốn trả lời câu hỏi “Đạo giáo là gì?”. Phải chăng đó là một phong trào tôn giáo khởi xuất ở Trung Quốc trong thế kỷ thứ II?

Phong trào này có gì liên quan đến tư tưởng của Lão Tử và Trang Tử? Các trường phái võ đạo Trung Quốc và những thực hành khí công, đạo dẫn ngày nay phải chăng cũng có thể gom vào danh xưng Đạo giáo? Hay đó là những bí quyết trường sinh, bất tử?

Tất cả những câu hỏi trên đều có lời giải đáp mỹ mãn trong bộ Bí thuật Đạo giáo của tác giả Mantak Chia cùng một số đạo gia Âu Mỹ khác. Bộ sách gồm tám tập, chia thành những mục cụ thể như sau: Án ma khí tự dụng pháp tức là phương pháp xoa bóp (án ma) để kéo dài tuổi thanh xuân, Ngũ hành quy nhất, phương pháp chuyển hóa các cảm xúc tiêu cực thành tích cực, Tu luyện ngũ quan, các kỹ thuật trường sinh của Đạo giáo, Trí năng khí công, dùng khí công để luyện trí não, Tâm thân đạo gia, bước đầu thực hành pháp môn Khảm Ly, Pháp môn trung khảm ly, kỹ thuật tạo linh thân bất tử, Pháp môn đại khảm ly, phương pháp tập hợp năng lượng vũ trụ, và Liệu pháp phản xạ học tình dục, phương pháp kích hoạt các huyệt vị cảm xúc trong Đạo giáo.

Bi thuat Dao giao cong phu cot tuy cua thuc hanh Dao giao

Có thể nói đây là lần đầu tiên tại Việt Nam xuất hiện một bộ sách về Đạo giáo với nội dung phong phú như vậy. Trước đây, sách vở viết về Đạo giáo chỉ có hai loại. Một là sách nghiên cứu hàn lâm như cuốn Người Việt Nam với Đạo giáo của Nguyễn Duy Hinh, Trang Tử tinh hoa và Lão Tử tinh hoa của Nguyễn Duy Cần, Trang Tử và Lão Tử của Nguyễn Hiến Lê. Dạng sách này tập trung vào tư tưởng của đạo gia (chủ yếu nhắc đến Trang Tử và Lão Tử) và không quan tâm đến các khía cạnh thực hành. Loại sách thứ hai tập trung khai thác khía cạnh thực hành khí công, đạo dẫn, nhưng không kết nối với một nền tảng lý luận nhất quán hay dựa trên những nghiên cứu thực nghiệm y học lâm sàng.

Các tác giả của bộ Bí thuật Đạo giáo đã kết hợp cả ba phần: từ cơ sở lý luận truyền thống của Đạo giáo, phương pháp thiền định của Phật giáo, cũng như nền tảng y sinh học hiện đại vững chắc, đã đề ra một phác đồ hoàn chỉnh hướng dẫn người đọc từng bước tiến nhập vào bí thuật của Đan pháp Đạo giáo để kéo dài tuổi thọ, tận hưởng cuộc sống hạnh phúc. Sống mãi mãi cùng đất trời chính là mục tiêu tối hậu của các thực hành nội ngoại đan Đạo giáo.

Chúng ta có thể cho đây là một mơ ước viển vông nhưng những tiến bộ ngoạn mục trong công nghệ sinh học (biological engineering) nhờ việc giải mã thành công toàn bộ hệ gen người (human genome project), việc biến đổi gen theo ý muốn, công nghệ nhân bản vô tính (cloning), đã hé mở cho nhân loại những viễn cảnh vô cùng mới mẻ. Viễn cảnh đó, nếu trở thành sự thực, sẽ là tai họa khủng khiếp hay là hạnh phúc tràn đầy cho con người vẫn còn là một câu hỏi mở cho các triết gia, những nhà đạo đức học, và cơ quan quản lý. Nhưng khái niệm “trường sinh bất tử” của Đạo giáo giờ đây không còn là một giấc mơ hão huyền của các đạo sĩ đời xưa và xứng đáng được chúng ta xem xét và đánh giá một cách nghiêm túc.

Một trích dẫn sau đây từ tập Liệu pháp phản xạ học tình dục chắc chắn sẽ được các y sĩ theo truyền thống Tây y hoàn toàn đồng ý: “Khúc dạo đầu đối với trò chơi tình yêu có thể được lên kế hoạch cẩn thận hoặc hoàn toàn tùy hứng. Một tiếng cười, một ánh mắt, một lời nói từ một trong hai người có thể dẫn đến hàng loạt những sự kiện tuyệt vời. Thông qua việc thực hành các bí thuật bằng phương pháp Đạo giáo, con người không ngừng tạo ra năng lượng tích cực, giải phóng các cảm xúc tiêu cực trì trệ, chuyển hóa cuộc sống đầy căng thẳng trở thành an lạc viên mãn, có thể kéo dài tuổi thọ, đạt đến trường sinh. Trên thực tế, một số huyệt vị trên cơ thể con người có thể mệnh danh là huyệt yêu” (sđd, tr.138).

Công ty văn hóa Văn Lang và Nhà xuất bản Hồng Đức đã đưa ra thị trường Việt Nam một bộ sách chất lượng cao về học thuật và những hướng dẫn thực hành hết sức độc đáo và kỳ lạ.

TS Dương Ngọc Dũng

Khoa Triết học, Đại học (KHXH&NV TP. HCM)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI