PNO - Cuối tuần qua, Thành ủy TPHCM đã tổ chức Hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa X và Chương trình hành động số 31-CTr/TU của Thành ủy về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
“Sau 15 năm triển khai thực hiện, thành tựu đạt được trong công tác phụ nữ là rất lớn, quan trọng và xứng đáng. Những kết quả trong công tác phụ nữ và bình đẳng giới trên bình diện quốc gia đã được quốc tế đánh giá cao, nhất là các chỉ số về sức khỏe, giáo dục và trao quyền cho phụ nữ…” - Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên khẳng định tại Hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa X và Chương trình hành động số 31-CTr/TU của Thành ủy về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Bà Nguyễn Trần Phượng Trân - Chủ tịch Hội LHPN TPHCM - thay mặt hội nhận bằng khen do Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên trao tặng vì những thành tích xuất sắc của Hội LHPN thành phố trong công tác cán bộ nữ
Vị trí ngày càng được khẳng định
Thực tế cho thấy, phụ nữ tham gia ngày càng sâu rộng vào các lĩnh vực của đời sống xã hội và ngày càng xuất hiện nhiều gương điển hình tiêu biểu trên các lĩnh vực từ sản xuất, kinh doanh, khoa học, nghệ thuật, nghiên cứu, khởi nghiệp, sáng tạo… Về bình đẳng giới, năm 2022 Việt Nam xếp 83/146 quốc gia, tăng 4 bậc so với năm 2021.
Bà Nguyễn Thị Bạch Mai - Phó ban Dân vận Thành ủy TPHCM - thông tin, thực hiện chương trình đào tạo 500 thạc sĩ, tiến sĩ, tạo nguồn quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý trẻ tuổi, đến nay, có nhiều cán bộ nữ trong chương trình được tín nhiệm giữ các chức danh diện Thành ủy quản lý. Việc bố trí cán bộ nữ giữ chức vụ lãnh đạo chủ chốt ở các sở, ban, ngành, quận, huyện được quan tâm, tỉ lệ nữ giữ các chức vụ lãnh đạo ngày càng tăng. TPHCM hiện có 615/2.034 cán bộ nữ (chiếm tỉ lệ 30,24%) đang đảm nhiệm các chức danh trưởng, phó phòng cấp sở, ngành và quận, huyện. Công tác phát triển đảng viên mới cũng được cấp ủy các cấp quan tâm thực hiện. Tỉ lệ phát triển đảng viên nữ hằng năm tăng, từ năm 2007 đến nay, toàn Đảng bộ thành phố có 133.735 đảng viên, trong đó, đảng viên nữ là 59.936, đạt tỉ lệ 44,82%.
Công tác phụ nữ thường xuyên được quan tâm, chăm lo và đạt được nhiều kết quả quan trọng trong hoạch định, đào tạo, phát triển, nhất là cán bộ nữ tham gia lãnh đạo, quản lý các cấp. Trên thực tế, số lượng cán bộ nữ được đào tạo chuyên môn, lý luận chính trị, tỉ lệ cán bộ nữ trong quy hoạch từng bước được nâng lên, nhiệm kỳ sau luôn cao hơn nhiệm kỳ trước và tăng từ 30% đến 40%, vượt chỉ tiêu trung ương quy định và tạo được đội ngũ cán bộ kế cận. Cụ thể, trong các nhiệm kỳ qua, tỉ lệ nữ trúng cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp đều đạt và vượt chỉ tiêu đề ra. Trong đó, nhiệm kỳ 2021-2026, tỉ lệ nữ đại biểu Quốc hội đạt 30%, nữ đại biểu HĐND TPHCM đạt 43,62%. Đặc biệt, trong các nhiệm kỳ qua, hầu hết Chủ tịch HĐND TPHCM đều là nữ. Bà Nguyễn Thị Bạch Mai tin rằng, công tác phụ nữ đã có những bước phát triển toàn diện.
Phát huy vai trò nòng cốt, chủ động tham mưu
Những thành quả về công tác phụ nữ sau 15 năm, theo các sở ngành, là vì TPHCM có nhiều cơ chế chính sách về lao động, đào tạo nghề, giảm nghèo bền vững, phúc lợi xã hội có liên quan đến phụ nữ đã được ban hành. Các chương trình, kế hoạch của địa phương đều lồng ghép các chỉ tiêu về bình đẳng giới và công tác nữ. Bên cạnh đó, Hội LHPN các cấp không ngừng đổi mới hoạt động, quan tâm bảo vệ quyền và lợi ích phụ nữ, chủ động đề xuất nhiều chủ trương, chính sách phát huy vai trò phụ nữ. Đội ngũ cán bộ hội được đào tạo ngày càng toàn diện với tinh thần năng động, nhạy bén, dám nghĩ dám làm.
Sản phẩm khởi nghiệp của Tổ kết cườm xã Vĩnh Lộc B (huyện Bình Chánh) được giới thiệu, quảng bá tại ngày hội “Phụ nữ sáng tạo - khởi nghiệp” năm 2022
Bà Nguyễn Trần Phượng Trân - Chủ tịch Hội LHPN TPHCM - cho biết, để thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 11, hội đã chủ động hướng dẫn, tham mưu, giới thiệu nhân sự nữ; chủ động xây dựng chương trình phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM nhằm góp phần tăng tỉ lệ nữ đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp.
Bên cạnh đó, với chức năng, nhiệm vụ của mình, Hội LHPN đã tăng cường các hình thức vận động, tập hợp phụ nữ như tập trung mở rộng lực lượng, thu hút phụ nữ các giới, các dân tộc, tôn giáo, các khu chung cư và công nhân lao động. Hội cũng thành lập tổ chức hội trong doanh nghiệp, trường học, nhà trọ, chung cư, từ đó xây dựng lực lượng nòng cốt trong địa bàn dân cư.
Theo báo cáo của Liên đoàn Lao động TPHCM, tính đến cuối năm 2022, thành phố có hơn 1,5 triệu công nhân viên chức, lao động, trong đó, nữ công nhân lao động khu vực ngoài nhà nước là 625.211/782.363 người (chiếm 80,3%), 70% là lao động ngoài thành phố và khoảng 35% đang nuôi con nhỏ. Liên đoàn lao động đã chủ động thành lập ban nữ công để tập hợp, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích của nữ công nhân lao động.
Cần chính sách để phụ nữ dấn thân, cống hiến
Mặc dù có nhiều thành tựu, nhưng công tác phụ nữ tại TPHCM được nhìn nhận vẫn còn nhiều mặt hạn chế, vướng mắc khi một số chủ trương, nghị quyết của Đảng chưa kịp thời, một số điều của Luật Bình đẳng giới cũng chưa đi vào cuộc sống. Nhiều vụ bạo lực gia đình, ngược đãi, thiếu trách nhiệm, thiếu bổn phận đối với phụ nữ vẫn diễn ra nhưng chưa kịp phát hiện hoặc xử lý nghiêm minh. Ngoài ra, công tác phối hợp của một số ngành, cơ quan chức năng, địa phương chưa đồng bộ, chưa tạo điều kiện thuận lợi để các cấp hội phụ nữ làm tốt công tác giám sát, phản biện xã hội…
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên cho rằng, sau 15 năm, tình hình thế giới, trong nước đang đặt ra nhiều vấn đề mới, thử thách mới đối với phụ nữ thành phố nói riêng và phụ nữ cả nước nói chung, đặc biệt là trong công tác phụ nữ. “Với hơn 75% phụ nữ tham gia thị trường lao động hiện nay cho thấy vai trò và sự đóng góp của phụ nữ là một trong những nhân tố quan trọng trong phát triển bền vững, trong việc tạo ra động lực mới trong việc nâng cao chất lượng sống của người dân thành phố. Vì vậy, cần tìm giải pháp, cơ chế, chính sách để phụ nữ yên tâm dấn thân, tiếp tục cống hiến, phát huy năng lực” - Bí thư Nguyễn Văn Nên chỉ đạo.
Ông Nguyễn Văn Nên khẳng định, trong tình hình mới này, thành phố cần thực hiện mục tiêu giảm tỉ lệ lao động giản đơn, khuyến khích phụ nữ khởi nghiệp sáng tạo bên cạnh việc xây dựng chiến lược đào tạo nguồn nhân lực nữ, tạo điều kiện cho phụ nữ nâng cao kỹ năng công nghệ, ngoại ngữ để đáp ứng nhu cầu việc làm chất lượng cao, thích ứng với sự chuyển dịch lao động trong thời đại công nghệ; tìm những giải pháp để tiếp tục thực hiện bình đẳng giới trên các lĩnh vực lao động việc làm, tiền lương, phúc lợi xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho chị em phụ nữ, đặc biệt là lao động nữ phổ thông - đối tượng chịu nhiều rủi ro khi doanh nghiệp cắt giảm lao động cũng như đời sống vật chất và tinh thần hết sức khó khăn.
“Bảo đảm tỉ lệ cán bộ nữ là cần thiết nhưng phải ngày càng tương xứng về chất lượng. Muốn vậy, ngoài sự lãnh đạo chỉ đạo của các cấp ủy, tự thân chị em phụ nữ phải có kế hoạch cho mình. Trong bối cảnh hiện nay, từng cán bộ nữ các cấp phải tự tính toán, quản lý gia đình, công việc, học tập, quản lý thời gian cho phù hợp. Phải khẳng định mình bằng năng lực thực tế được xã hội thừa nhận chứ không phải bắt người ta phải chấp nhận. Từ đó, lan tỏa tinh thần học tập trong từng gia đình, từng khu dân cư, từng khu phố” - ông Nguyễn Văn Nên nói.
Đối với các cấp hội phụ nữ, Bí thư Thành ủy đề nghị, phải đổi mới nội dung, phương thức hoạt động và nâng cao chất lượng, hiệu quả hơn nữa, khơi dậy được tinh thần, ý chí, nghị lực, tâm thế, sự khát khao vươn lên, thực hiện được khát vọng của mình trong mỗi người phụ nữ. Tuy nhiên, theo ông, để cán bộ hội các cấp yên tâm làm việc, thì cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ phải nhận thức, chăm lo cho cán bộ nữ; phải định kỳ, thường xuyên, đột xuất có kế hoạch đối thoại, lắng nghe, kịp thời giải đáp khó khăn, vướng mắc đối với phụ nữ và công tác phụ nữ.
Những năm gần đây, khoai mỡ được giá, nhiều hộ đã tăng sản lượng. Với giá bao tiêu là 9.000 đồng/kg, người trồng khoai sẽ có lời khoảng 20 triệu đồng/1.000m2.