Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên: "Chúng ta bệnh bác sĩ lo, bác sĩ bệnh ai lo?"

05/08/2022 - 13:44

PNO - Ngày 5/8, Uỷ viên Bộ chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên đã chủ trì buổi gặp gỡ động viên cán bộ y tế tại Sở Y tế TPHCM. Đây là buổi gặp mặt trực tuyến kết nối với 106 điểm cầu là các cơ sở y tế từ các bệnh viện cho tới các trạm y tế.

“Sức người có hạn”

Tại buổi gặp gỡ, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh rằng đại dịch đã để lại những đớn đau, sự khốc liệt và nặng nề. Người dân bệnh bác sĩ lo nhưng khi bác sĩ bệnh thì ai lo? Người bác sĩ khi họ chọn lựa đi theo ngành y là đã quan niệm mang sứ mệnh cứu người nên vì lý do nào đó phải chia tay với ngành thì họ cũng rất đau xót.

Đồng chí Nguyễn Văn Nên - Ủy viên Bộ chính trị, Bí thư Thành Ủy TPHCM đã có buổi gặp gỡ để lắng nghe tâm tư của nhân viên y tế. Ảnh: Thanh Huyền.
Ông Nguyễn Văn Nên - Ủy viên Bộ chính trị, Bí thư Thành Ủy TPHCM đã có buổi gặp gỡ để lắng nghe tâm tư của nhân viên y tế - Ảnh: Thanh Huyền

Ông Nguyễn Văn Nên đặt ra hàng loạt câu hỏi để mọi người cùng suy xét xem điều gì khiến nhân viên y tế nghỉ việc? Lương, không hài lòng với môi trường làm việc, không hài lòng cường độ công việc, không có cơ hội đi học nâng cao chuyên môn, không hài lòng với giám đốc, không hài lòng với cấp trên?

“Một bác sĩ trẻ nói với tôi mình làm việc khó khăn lắm. Họ nghỉ vì bị sai khiến nhiều quá, như bị sai vặt”, ông Nguyễn Văn Nên nói.

Tuy nhiên, Bí thư Thành ủy TPHCM không tin lương thấp hay vì sự không hài lòng với một ông giám đốc làm người ta bất mãn bỏ nghề. Thế nhưng nếu tất cả những yếu tố trên dồn vào một lúc thì khó ai mà vượt qua được vì sức chịu đựng của con người có hạn.

Cường độ làm việc áp lực kéo dài, đãi ngộ chưa tương xứng

Tiến sĩ - bác sĩ Hoàng Thị Diễm Tuyết - Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương đã không kìm được xúc động mà bật khóc chia sẻ: “Em cũng có 2 đứa con hiện đang là nhân viên của ngành y tế. Em dạy con nếu muốn làm giàu thì con chọn ngành khác, đừng chọn ngành y vì ngành này cần sự cảm thông và chia sẻ”. 

Tiến sĩ - bác sĩ Hoàng Thị Diễm Tuyết - Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương không kìm nổi xúc động, bật khóc khi chia sẻ với đồng chí Nguyễn Văn Nên. Ảnh: Thanh Huyền.
Tiến sĩ - bác sĩ Hoàng Thị Diễm Tuyết - Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương không kìm nổi xúc động, bật khóc khi chia sẻ - Ảnh: Thanh Huyền

Một bác sĩ tại Trung tâm y tế quận 1 cho biết trước đây nhân viên trạm y tế hoạt động thầm lặng, vai trò của y tế cơ sở chỉ mới được người dân quan tâm và biết tới nhiều qua mùa dịch vừa qua.

 “Tôi bốn tháng không ngủ, các em ở trạm y tế quần quật suốt không nghỉ cả thứ 7 và Chủ nhật. Tới bây giờ các em vẫn quần quật như vậy để tiêm vắc xin cho người dân nhưng đãi ngộ nhận được chưa tương xứng. Tới thời điểm này, Trung tâm Y tế quận 1 có 21 nhân viên y tế đã nghỉ việc. Chuyện cũ đã qua tôi không muốn nói lại nhiều vì cứ nói là tôi khóc”, vị nữ bác sĩ xúc động nói. 

Theo nữ bác sĩ này, thu nhập của nhân viên ở trạm y tế rất ít ỏi, chỉ có mỗi thu nhập chính. Sở có phân công bác sĩ trẻ về trung tâm y tế nhưng khi có chứng chỉ hành nghề thì các em cũng ra đi. Nữ bác sĩ kiến nghị nên đầu tư, có cơ chế chính sách để giữ chân được các bác sĩ về đầu quân tại trung tâm y tế.

Bác sĩ Trần Văn Khanh - Giám đốc Bệnh viện Lê Văn Thịnh chia sẻ đơn vị mình có 12 nhân viên y tế nghỉ việc. Ảnh: Thanh Huyền.
Bác sĩ Trần Văn Khanh - Giám đốc Bệnh viện Lê Văn Thịnh chia sẻ đơn vị mình có 12 nhân viên y tế nghỉ việc - Ảnh: Thanh Huyền

Bác sĩ Trần Văn Khanh - Giám đốc Bệnh viện Lê Văn Thịnh chia sẻ, bệnh viện mình có 12 người nghỉ việc (trong đó có 4 bác sĩ). Bệnh viện Lê Văn Thịnh rất cần sự đầu tư về con người, tạo ra nguồn thu tăng thêm cho đời sống nhân viên. Cơ sở vật chất của bệnh viện cũng đang xuống cấp, trang thiết bị y tế đã bổ sung nhưng vẫn còn thiếu.

Cử nhân y tế công cộng Kim Nhật Lệ Anh - Trưởng trạm y tế P.12, quận Gò Vấp cho biết: “Trong đại dịch COVID-19, bác sĩ Trưởng trạm y tế phường 12 đã mắc bệnh và mất. Dù bác sĩ trên đã mất một năm rồi mà người dân vẫn hỏi sao không thấy bác sĩ tới khám tại nhà bởi ông rất tâm huyết với nghề, gây dựng được nhiều mô hình để phát triển trạm y tế, từ đó phục vụ người dân được tốt hơn. Sau đó Trạm y tế phường 12 chỉ còn 7 nhân lực. Mới đây trạm đã được bổ sung thêm 1 bác sĩ Đông y về hưu hỗ trợ, 1 bác sĩ trẻ từ Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, 1 bảo vệ và hộ lý.

Đại diện Trạm y tế P. 12 Q. Gò Vấp cho biết đơn vị mình đã mất đi một bác sĩ trạm trưởng vì dịch bệnh. Ảnh: Thanh Huyền.
Đại diện Trạm y tế phường 12 quận Gò Vấp cho biết đơn vị mình đã mất đi 1 bác sĩ trạm trưởng vì dịch bệnh - Ảnh: Thanh Huyền

BS CKII Huỳnh Nguyễn Lộc -  Viện Trưởng Viện Y học dân tộc TPHCM tâm sự, chỗ ông cũng có tình trạng nghỉ việc. Theo bác sĩ Lộc, cảm nhận chung là anh em buồn, tủi thân. Nghề y không có phụ cấp thâm niên. Theo qui định, sau khi làm 3 ca 4 kíp ra là được nghỉ ngơi, dưỡng sức nhưng thực tế nhiều nhân viên y tế vẫn phải ở lại bệnh viện để tiếp tục làm việc. Lâu dài những nhân viên y tế này nhìn lại, tự đặt câu hỏi mình lo cho chồng con và gia đình thế nào, dạy dỗ con cái thế nào? Một nhân viên y tế quá áp lực đã nói với bác sĩ Lộc rằng mình cần xin nghỉ một thời gian để bình ổn lại rồi chắc sẽ vẫn đi làm lại. Không chỉ thế, qua đại dịch COVID-19, nhiều gia đình bác sĩ cũng có người thân mất mát nhưng chúng ta cũng không lo được gì nhiều cho họ. 

Anh Đỗ Văn Quyến - cử nhân y tế công cộng, Trạm y tế phường 17, quận Bình Thạnh chia sẻ: “Lúc dịch bệnh quá tải chúng tôi suốt đêm không được ngủ và ngày thì lại tiếp tục làm việc. Căng thẳng tới mức có lúc tôi phải chạy lên sân thượng hét lên để giải toả áp lực”. Theo anh Quyến, khó khăn hiện tại đối với nhân viên y tế của trạm là thu nhập thấp, bên cạnh đó lực lượng y tế rất cần được chăm sóc về tinh thần. Anh đề xuất tăng kinh phí hỗ trợ cho các tình nguyện viên. 

Bên cạnh đó, còn rất nhiều ý kiến của các bác sĩ, nhân viên y tế khác. Tâm tư chung của họ là chưa được đãi ngộ tương xứng với sức lao động, cần có cơ chế tốt hơn, quan tâm hơn tới cả đời sống tinh thần của nhân viên y tế.

Giải pháp nào ổn định tâm lý cho nhân viên y tế?

Bác sĩ Tăng Chí Thượng - Giám đốc Sở Y tế TPHCM cho biết ngành y tế TPHCM đang có biến động về nguồn nhân lực. Cụ thể, số nhân viên y tế hiện nay đã bị giảm đi 306 người. Theo ông, nghe con số 306 nhân viên y tế nghỉ việc trên toàn thành phố thì có vẻ ít nhưng thực tế lại gây ra khó khăn không hề nhỏ. Những người nghỉ việc toàn là nhân viên kỳ cựu, giàu kinh nghiệm còn người mới tuyển vào để bổ sung lại chưa có kinh nghiệm làm việc, cần trải qua thời gian đào tạo mới có thể bắt nhịp. Thêm nữa, một điều đáng lo ngại là tình trạng xuất hiện tâm lý lo lắng kéo dài trong đội ngũ nhân viên y tế.

Trước tình trạng này, Sở Y tế TPHCM đã đưa ra nhiều giải pháp để phần nào ổn định tâm trạng lo lắng của nhân viên y tế như hỗ trợ nhân viên y tế đi nghỉ dưỡng, mở các hội thi điều dưỡng giỏi, trưởng trạm y tế giỏi, gặp riêng từng giám đốc các bệnh viện quận/ huyện…

Bác sĩ Tăng Chí Thượng kiến nghị thành phố sớm có cơ chế mở rộng mạng lưới cộng tác viên sức khoẻ cộng đồng, không giảm số biên chế của ngành y (số biên chế giao vẫn còn do chưa tuyển hết chứ không phải vì dư thừa), đảm bảo thu nhập tăng thêm cho nhân viên y tế…

Tại một số bệnh viện như Bệnh viện Nhân dân 175 cũng có những chính sách động viên nhân viên y tế của mình. Cụ thể vừa qua, 2 bác sĩ đã được thưởng cho đi nước ngoài vì thành tích làm việc, học tập tốt.

Lắng nghe tâm tư của các nhân viên y tế, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh rằng, nguồn vắc xin hiện nay đối với ngành y tế là điểm tựa, tình cảm, môi trường làm việc và người lãnh đạo phải thấu cảm. Lương quan trọng nhưng không phải là tất cả. Trong bối cảnh hiện nay đòi hỏi ngành y chúng ta phải tiếp tục chiến đấu, tiếp tục hy sinh. Chính sách hiện nay lo cho ngành y là bất cập. Ngành y tế hiện đang đứng trước những thử thách rất lớn. Lãnh đạo thành phố lắng nghe, thấu hiểu và sẽ cố gắng hết sức để các nhân viên y tế không cảm thấy mình đơn độc.

Thanh Huyền

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI