Bí thư Thành ủy TPHCM: Một số điểm trong "5K" không còn phù hợp

09/03/2022 - 12:41

PNO - Bí thư Thành ủy TPHCM nhận định: "Chúng ta cứ kêu gọi 5K, nhưng không sửa lại cho phù hợp thì rất khó thực hiện. Đúng hơn là không làm được, không sát tình hình thực tế".

Tại cuộc họp do Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh COVID-19 và phục hồi kinh tế TPHCM tổ chức sáng nay, 9/3, ông Dương Trí Dũng - Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM - cho biết sau tết Nguyên đán, hầu hết trường công lập tại TPHCM đã mở cửa trở lại. Các trường tư thục đa phần chưa đủ điều kiện nên chưa mở cửa trở lại.

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên tại cuộc họp sáng 9/3
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên tại cuộc họp sáng 9/3

Riêng khối mầm non, một số trường tư thục có ý định giải thể hoặc chưa đủ điều kiện về cơ sở vật chất nên chưa mở cửa. Các cơ sở dưới 70 trẻ, đặc biệt tại khu công nghiệp, khu chế xuất, vùng ven, đã mở cửa 79,1%.

Các cơ sở ngoại ngữ, tin học, dạy kỹ năng sống hiện chưa mở cửa do chủ đầu tư đánh giá tình hình dịch còn phức tạp và sự đồng thuận của phụ huynh chưa cao.

Về phía học sinh, một số chưa đi học do theo gia đình về quê chưa quay trở lại TPHCM hoặc thuộc diện F0, F1. Một số ít phụ huynh chưa an tâm nên cho con học trực tuyến hoặc học tại cơ sở giáo dục của các tỉnh.

Về tình hình ca nhiễm, sau 3 tuần kể từ tết Nguyên đán, tại trường học ghi nhận 381 ca nhiễm là lực lượng cán bộ, giáo viên, công nhân viên, người lao động. Tại y tế địa phương, thành phố ghi nhận 3.689 ca.

Với học sinh, cộng dồn đến cuối tuần qua, tổng số ca nhiễm/nghi nhiễm phát hiện tại trường là 2.160 ca; tổng số ca nhiễm/nghi nhiễm phát hiện tại nhà là 40.385 ca.

Cũng trong tuần qua, trung bình mỗi ngày có khoảng 200 ca nhiễm phát hiện tại trường ở tất cả các bậc học. Số ca nhiễm đa số thuộc học sinh ở cấp tiểu học; cấp THPT có số ca nhiễm ít nhất.

Nói về tình hình lây nhiễm trong trường học, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên cảnh báo: "Cần tính toán sao cho có sự phối hợp giữa y tế, nhà trường, phụ huynh. Đây là chỗ khó nhưng phải giải được bài toán này để hạn chế lây nhiễm. Lây nhiễm càng nhiều, nguy cơ nặng và tử vong khó giữ được như hiện nay".

Theo Bí thư, báo cáo cho thấy bậc tiểu học phát hiện ca nhiễm cao hơn các cấp học khác, đều có lý do. “Các cháu nằm ngủ kiểu đó sao không lây” - Bí thư nói.

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên cũng đặt vấn đề một số điểm trong nguyên tắc 5K có thể không còn phù hợp với bình thường mới, do đó cần xem lại để có hướng dẫn quy trình phù hợp. Ví dụ, khẩu trang, khử khuẩn có thể làm được, nhưng khoảng cách, không tập trung thì "bất ổn, không còn phù hợp". Đơn cử như hiện nay, học sinh đến trường, cơ quan, doanh nghiệp đi làm thì không thể không tập trung.

Bí thư Thành ủy TPHCM nhận định: "Chúng ta cứ kêu gọi 5K, nhưng không sửa lại cho phù hợp thì rất khó thực hiện. Đúng hơn là không làm được, không sát tình hình thực tế".

Bí thư đề nghị thành phố cần tiếp tục tập trung triển khai chiến lược bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ cao, sau đó là bảo vệ trẻ em dưới 12 tuổi chưa tiêm vắc xin...

Phó giám đốc Sở giáo dục - Đào tạo TP Dương Trí Dũng thông tin một số nội dung phòng chống dịch tại trường học
Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP Dương Trí Dũng thông tin một số nội dung phòng chống dịch tại trường học

Tiếp thu các chỉ đạo của Bí thư Thành ủy TPHCM, liên quan nội dung phòng chống dịch trong trường học, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi chung quan điểm cần điều chỉnh các các biện pháp đảm bảo an toàn trong trường học. Song song, ngành y tế và giáo dục cần sẵn sàng tiêm vắc xin cho trẻ dưới 12 tuổi.

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi đặt thêm vấn đề cần nghiên cứu là F1 cũng đi làm và thể hiện trong Bộ tiêu chí đánh giá an toàn trong phòng, chống dịch tại cơ sở sản xuất, kinh doanh. Theo đó, tinh thần là F1 không có vấn đề về sức khỏe và có sự đồng thuận có thể đi làm. Riêng trường hợp F0 thì vẫn phải thực hiện cách ly. Nhưng nếu F0 không có triệu chứng, không có vấn đề về sức khỏe và tự nguyện thì có thể duy trì cách làm việc, thời gian phù hợp. Còn F0 có triệu chứng phải nghỉ ngơi, chăm sóc sức khỏe.

Chủ tịch Phan Văn Mãi nhấn mạnh: "Giờ nhiều cơ quan có 30-50 F0, cách ly 7-14 ngày thì rất bị động công việc". Qua đó, ông đề nghị có sự tính toán theo phương án này nhằm đảm bảo hoạt động của cơ quan nhà nước và đơn vị sự nghiệp trong tình hình mới. Ông cũng đề nghị các đơn vị nghiên cứu, phân tích việc tới ngày 15/3, khi mở cửa hoàn toàn hàng không và du lịch thì cần chuẩn bị những gì, điều chỉnh gì để mở cửa nhưng đảm bảo an toàn, tránh lúng túng khi xảy ra tình huống.

Tuyết Dân

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI