Bí thư thành ủy TP. HCM: Tăng giờ làm chỉ khiến năng suất lao động giảm

23/10/2019 - 16:29

PNO - Bí thư thành ủy TP. HCM cho biết, Việt Nam có 2 nhóm lao động, một làm cho nhà nước, một làm cho doanh nghiệp với thời gian khác nhau. Điều này là không bình đẳng.

Chiều 23/10, tiếp tục ngày làm việc thứ ba của kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XIV, thảo luận tại hội trường Quốc hội về Bộ luật Lao động (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Thiện Nhân - Bí thư Thành uỷ TP.HCM - đã dùng toàn bộ phần phát biểu của mình để nói về giờ làm việc của người lao động tại một số nước và Việt Nam.

Nhắc lại giai đoạn từ thời Karl Marx, ông Nguyễn Thiện Nhân cho biết người lao động làm 10-16 giờ/ngày, từ đó hình thành phong trào đấu tranh đòi giảm giờ làm. Tiêu biểu là vào ngày 1/5/1886, cuộc biểu tình ở Chicago (Mỹ) đòi ngày làm việc 8 giờ nhưng không giảm tiền lương. Sau đó 3 năm, Hội nghị Quốc tế Cộng sản Paris đã chọn ngày 1/5 là ngày Quốc tế Lao động.

Bi thu thanh uy TP. HCM: Tang gio lam chi khien nang suat lao dong giam
Đại biểu Nguyễn Thiện Nhân - Bí thư thành ủy TP. HCM - nêu ý kiến tại kỳ họp thứ tám

Tranh luận về thời gian làm việc 48 giờ hay 40 giờ, Bí thư TP. HCM cho rằng, lịch sử đã chứng minh, làm từ 40 giờ trở lên không đem lại hiệu quả lâu dài vì năng suất không tăng.

"Từ những năm 1960, ở miền Bắc, công chức đã làm 8 giờ/ngày, 6 ngày/tuần; năm 1999 thì chuyển sang 5 ngày theo thông lệ quốc tế. Tức là ta cũng làm theo xu hướng nhưng đã chậm hơn thế giới gần nửa thế kỷ” - ông Nhân nói.

Ông Nguyễn Thiện Nhân còn cho hay, ở Việt Nam hiện có 2 nhóm: làm cho Nhà nước thì 5 ngày/tuần, làm cho doanh nghiệp thì 6 ngày, 48 giờ/tuần.

“Rõ ràng, điều này không bình đẳng”, ông Nhân nhấn mạnh

Ông cũng cho biết, ở các nước, không có luật lao động nào tách riêng, công chức làm ít giờ và công nhân làm nhiều giờ. Theo xu hướng của thế giới, từ năm 2000 tới nay, trong 36-38 nước thuộc Tổ chức Kinh tế Thế giới, chỉ còn 2 nước làm trên 40 giờ là Mexico 48 giờ/tuần và Hàn Quốc 43 giờ/tuần, còn các nước khác đã xuống dưới 40 giờ.

Ông Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, Việt Nam cần có lộ trình chuyển lao động 48 giờ xuống 40 giờ trong vòng 10 năm, có thể trước mắt xuống 44 giờ. Sau năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng thì sẽ làm 5 ngày mỗi tuần với người lao động. Tuy nhiên, như vậy thì chúng ta vẫn đi sau thế giới 80 năm.

Bi thu thanh uy TP. HCM: Tang gio lam chi khien nang suat lao dong giam
Toàn cảnh phiên họp bàn về Luật Lao động sửa đổi

Phân tích về việc làm thêm giờ, Bí thư TP. HCM nhận định, trong ngắn hạn, doanh nghiệp có thêm lợi nhuận, người lao động có thêm thu nhập, nhưng hậu quả là sức khỏe người lao động giảm sút, năng suất lao động không tăng.

“Vậy người Việt Nam muốn gì?” - đại biểu Nguyễn Thiện Nhân đặt vấn đề.

Ông cho biết, qua điều tra, người Việt mong muốn có thu nhập, có việc làm, có nhà. Nhưng 95,4% mong muốn có gia đình hòa thuận, 73% muốn con cháu ngoan và tiến bộ, 60% muốn sức khoẻ tốt.

"Nhưng mỗi ngày làm việc 9-10 giờ quanh năm thì không thể có gia đình hạnh phúc. Không có điều đó đâu, thế giới từ bỏ điều này 133 năm nay rồi” - ông Nhân nhấn mạnh.

Cũng theo Bí thư TP. HCM, muốn tăng năng suất lao động, phải đổi mới công nghệ, còn tăng giờ làm chỉ khiến năng suất lao động giảm. 

An Vũ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI