Báo cáo tại hội nghị tổng kết công tác cải cách hành chính (CCHC) năm 2018 và triển khai phương hướng, nhiệm vụ CCHC năm 2019 chiều 19/2, ông Huỳnh Công Hùng - Phó giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM - cho biết, tỷ lệ hồ sơ (HS) giải quyết đúng hạn trên cổng thông tin một cửa điện tử của TP.HCM năm qua đạt 99,6%.
|
Ảnh minh hoạc từ internet |
Tổng số dịch vụ công trực tuyến là 767 dịch vụ, trong đó mức độ 3 (nộp HS trực tuyến, nhận tại trụ sở) là 655 và mức độ 4 (trực tuyến toàn bộ) là 112; tổng số HS nộp trực tuyến và trực tiếp đối với các dịch vụ có triển khai dịch vụ công trực tuyến là 852.023 HS; tỷ lệ sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức 3, 4 đạt 38%.
Bên cạnh những kết quả đạt được, theo ông Hùng, vẫn còn một số cơ quan, đơn vị chưa xác định được tầm quan trọng của công tác CCHC nên chưa có sự quan tâm đúng mức, tỷ lệ HS trễ hạn được kéo giảm còn dưới 1% nhưng số lượng HS trễ hạn vẫn còn cao, gây bức xúc cho người dân. Như năm 2017, số lượng HS tiếp nhận là 14 triệu, tỷ lệ trễ hạn là 1%, nhưng số lượng trễ hạn vẫn lên đến 140.000 HS. HS trễ hạn chủ yếu tập trung ở lĩnh vực đất đai, xây dựng, lý lịch tư pháp…
Cũng theo ông Hùng, công tác cải cách thủ tục hành chính, liên thông thủ tục hành chính, liên thông thủ tục hành chính điện tử trong nội bộ các cơ quan nhà nước chưa được thể chế hóa và thực hiện quyết liệt; trách nhiệm giải trình của các cơ quan, người đứng đầu đối với các kiến nghị chưa được quan tâm kịp thời và đúng mức; tiến độ xử lý đơn khiếu nại, tố cáo còn chậm; việc nhân rộng và áp dụng những mô hình, giải pháp CCHC hay, hiệu quả còn chậm, chưa được các lãnh đạo cơ quan quan tâm đúng mức.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân ghi nhận tám kết quả nổi bật trong CCHC của thành phố. Liên quan đến vấn đề sáng kiến trong CCHC, ông lấy ví dụ, khi Sở Xây dựng mạnh dạn điều chỉnh cấp phép xây dựng từ 3 bước thành “3 trong 1”, đã rút ngắn được thời gian cấp giấy phép xây dựng cả chục ngày.
“Nếu chúng ta thấy quy trình bất hợp lý nhưng vẫn cứ tuân thủ chặt chẽ thì không thể thay đổi được gì” - ông Nhân nói. Theo ông, nếu làm đúng yêu cầu luật pháp nhưng chưa hoàn toàn theo đúng quy trình do có đặc thù riêng, khi xây dựng xong “quy trình mới”, phải báo cáo các cơ quan chức năng, xin phép làm thí điểm.
Ông nhận định, một trong những hạn chế của công tác CCHC tại TP.HCM là có được nhiều điển hình rất hay nhưng chưa thể lan tỏa để trở thành chuẩn chung cho toàn thành phố.
Ông đưa ra dẫn chứng, Q.1 kết nối được 750 camera của nhà nước cũng như tư nhân ở tất cả các phường về trung tâm giám sát của quận, phục vụ nhu cầu giám sát an ninh rất tốt; Q.Bình Thạnh triển khai phần mềm “Bình Thạnh trực tuyến”, trong 20 tháng, nhận được 13.300 tin báo của người dân, với 99% nội dung phản ánh đúng, nhờ đó, quận xử lý 12.000 sai phạm và xử phạt hơn 7 tỷ đồng; một số nơi đã triển khai giao ban trực tuyến giữa quận huyện với phường xã. Tuy nhiên, có bao nhiêu nơi làm được như thế?
Ông Nhân nhấn mạnh, năm 2019 phải là năm đột phá trong CCHC của TP.HCM theo tinh thần triệt để, đồng bộ và tăng tốc. Đột phá là phải chạm vào trái tim của công chức và người dân.
“Thấy dân đứng xếp hàng lâu, chờ lâu thì cán bộ lãnh đạo phải bức xúc, tìm cách kéo giảm bằng cách làm trực tuyến hoặc qua bưu điện. Tất cả suy nghĩ của cán bộ, công chức tựu trung vẫn là làm sao cho người dân bớt cực, bớt khổ đi. Cái cực khổ của dân phải đụng chạm trái tim công chức, lúc đó thì mới có thể có được sáng kiến tâm huyết” - ông Nhân nói.
Theo ông, sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp chính là thước đo công việc của công chức TP.HCM, là cơ sở để thực hiện đánh giá thu nhập tăng thêm của thành phố.
Quốc Ngọc