Bí Thư Thăng: Thành phố sẵn sàng lắng nghe ý kiến phản biện của các nhà khoa học

13/06/2016 - 13:59

PNO - "Lãnh đạo thành phố sẵn sàng lắng nghe ý kiến phản biện của các nhà khoa học với tinh thần cầu thị, cầu hiền và sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất để các nhà khoa học có thể cống hiến hết mình", ông Thăng nói.

Bi Thu Thang: Thanh pho san sang lang nghe y kien phan bien cua cac nha khoa hoc
Bí thư Đinh La Thăng trong buổi làm việc với các nhà khoa học

Tạo điều kiện để các nhà khoa học cống hiến

Tại buổi làm việc với Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật TP HCM sáng 13/6, Bí thư Thành ủy TP HCM Đinh La Thăng đã bày tỏ lòng biết ơn với các nhà khoa học làm việc ngày đêm để có những sáng chế, sáng kiến phục vụ thành phố, phục vụ đời sống người dân.

"Lãnh đạo thành phố sẵn sàng lắng nghe ý kiến phản biện của các nhà khoa học với tinh thần cầu thị, cầu hiền và sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất để các nhà khoa học có thể cống hiến hết mình", ông Thăng nói.

Theo bí thư thành ủy, trong khoa học không phân biệt già trẻ, không có nhà khoa học già, chỉ có nhà khoa học lớn tuổi, những người vẫn còn minh mẫn và tri thức đóng góp cho xã hội.

Ông Thăng cho biết, sau 30 năm đổi mới, sắp tới TP.HCM phải bước vào một chu kỳ phát triển mới. Trong 7 chương trình đột phá mà Đại hội đảng bộ thành phố lần thứ X thông qua đã xác định phát triển khoa học - công nghệ là hàng đầu và huy động mạnh mẽ hơn nữa nguồn lực của các nhà khoa học.

Trước kiến nghị việc thưởng cho các công trình nghiên cứu hiện quá thấp (15 triệu đồng giải nhất và 3 triệu cho giải khuyến khích), ông Đinh La Thăng cho rằng đây là quy định của Bộ Tài chính thì thành phố phải thực hiện nhưng xã hội hóa giải thưởng thì không ai cấm.

"Ngân sách Nhà nước quy định 15 triệu, còn mình xã hội hóa thì thưởng 500 triệu cũng được. Ví dụ như một công trình nghiên cứu chống ngập mà thực sự hiệu quả thì thưởng nhiều tỷ đồng cũng đáng chứ không phải chỉ tiền triệu. Chúng ta không nên lệ thuộc quá nhiều vào quy định, phải chấp hành nhưng phải có sáng tạo", ông Thăng nói.

Bí thư Thành uỷ cho rằng, TP cam kết mỗi năm tăng ngân sách 2% cho khoa học công nghệ, ngân sách xã hội hoá tăng thêm 3% để đảm bảo mục tiêu khoa học là động lực để tăng trưởng.

Bí thư Thành uỷ cũng lưu ý UBND và các sở-ngành phải cụ thể hoá sự tư vấn độc lập của các nhà khoa học với các vấn đề quan trọng của xã hội. “Nhờ đó, khi TP ban hành đề án, chính sách gì cũng sẽ yên tâm hơn”, ông Thăng nói.

Bên cạnh đó, bí thư Thăng cũng đề nghị UBND TP rà soát lại cơ chế chính sách về các chương trình, đề án cụ thể, cần cái gì bổ sung, cài gì đưa ra, và công bố trước để các nhà khoa học chủ động lựa chọn đề tài.

Bi Thu Thang: Thanh pho san sang lang nghe y kien phan bien cua cac nha khoa hoc
Bí thư cũng lưu ý UBND và các sở-ngành phải cụ thể hoá sự tư vấn độc lập của các nhà khoa học với các vấn đề quan trọng của xã hội

Cần thể chể hóa việc phản biện

Tại buổi làm việc, GSTS Nguyễn Ngọc Giao - Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật TP HCM - cho rằng cần thể chế hóa việc phản biện dự án vì chủ các dự án đang không mặn mà với việc này.

"Thành phố cần quy định cụ thể một công trình có số vốn bao tiền, ảnh hưởng đến bao nhiêu người dân thì buộc phải qua phản biện độc lập, không phải phản biện ở cấp nội bộ các sở như hiện nay. Vì nhiều đơn vị phản biện dưới quyền giám đốc sở nên không thể không ủng hộ dự án. Phản biện độc lập thì mới có thể nói thẳng, nói thật", ông Giao nói.

Ông Giao dẫn chứng, hiện có tình trạng khi dự án bị trục trặc, thành phố yêu cầu báo cáo thì sở ngành mới mời phản biện. Nhưng khi tổ chức hội thảo thì tài liệu chỉ đưa trước một tuần nên "thật ra cũng chỉ là phản biện cho vui".

Chủ tịch Hiệp hội nhựa - TS Trần Công Hoàng Quốc Trang nêu vấn đề, lãnh đạo thành phố không nên chỉ giải quyết một vụ việc "cho dân họ sướng", mà phải xử lý các vấn đề mang tính khoa học, lâu dài.

"Tôi thấy lãnh đạo thành phố chưa thật quan tâm, để phát huy được vai trò của trí thức thành phố. Trí thức rất muốn đóng góp cho thành phố, không nên phân biệt trí thức già hay trẻ, quan trọng là đóng góp nhiều", ông Trang nói và dẫn chứng vừa qua dự án nâng đường Kinh Dương Vương đã ảnh hưởng gần 500 hộ dân nhưng các sở ngành cứ làm, không cần ý kiến phản biện của nhà khoa học”. Ông Trang nói

Nguyên Giám đốc Sở Khoa học - Công nghệ Phan Minh Tân cho rằng, Liên hiệp hội có 48 thành viên, 65.000 hội viên nhưng công việc đã làm và hiệu quả chưa cao lắm. Thành phố nên tăng cường "đặt hàng" trí thức và phải thật cụ thể. "Làm sao để các nhà khoa học cùng tham gia xây dựng dự án, chứ khi đã triển khai rồi thì việc phản biện không còn ý nghĩa nữa", ông Tân nói.

Cách tính kinh phí nghiên cứu theo "một trang giấy mấy trăm nghìn" là rất không khoa học, nhiều khi chỉ một trang thôi nhưng rất nhiều chất xám. Vì vậy, cần phải tính theo kinh tế thị trường, sòng phẳng, người ta làm được công trình thiết thực, hiệu quả thì phải trả tiền nhiều”. Ông Tân thẳng thắn.

Quỳnh Mai

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI