Báo cáo với Bí thư và đoàn công tác, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM Bùi Xuân Cường cho biết TP đang quản lý gần 8 triệu phương tiện, lượng phương tiện giao thông, tăng 5,89% so với năm ngoái.
Ông Cường nhận định thời gian gần đây, trên địa bàn TP thường xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông vào giờ cao điểm trên nhiều tuyến đường hướng trung tâm thành phố, các cục ra vào cảng hàng không, cảng biển, các tuyến đường vào trung tâm. Các tuyến đường quá tải, mật độ phương tiện đông, di chuyển khó khăn… Năm 2016 có 27 vụ ùn tắc giao thông tập trung ở Cảng hàng không Tân Sơn Nhất, Cảng Cát Lái, Trung tâm TP, các tuyến đường kết nối từ ngoại ô và nội đô TP.
Trong khi quỹ đất dành cho giao thông hiện nay rất thấp. Tính đến hết năm 2016, tổng chiều dài các tuyến đường khoảng 4.155km.
|
Bí thư Đinh La Thăng |
Sau khi ông Cường báo cáo, Bí thư Thăng hỏi: Năm 2016 chỉ có 27 vụ ùn tắc giao thông, có chủ quan quá không? Có thể ùn tắc nhiều hơn, chúng ta cần đánh giá đúng, các giải pháp, cái nào được, cái nào chưa được? Sự phối hợp giữa Sở Giao thông và các Sở ngành liên quan như thế nào? Ví dụ: Sở tài chính, sở đầu tư trong việc phân bổ nguồn vốn ra sao? Thanh tra giao thông có bảo kê? Có bao che không? Anh Cường xin thêm biên chế thanh tra giao thông? Vậy có cách nào xã hội hóa không, chứ tăng biên chế rất khó vì cả nước đang tập trung giảm. Cần đánh giá lại khả năng phát triển và đầu tư hiệu quả? Đường mình đã chật lại muốn bố trí đường riêng cho xe bus nhanh có ổn không?
Đề cập đến vấn đề ùn tắc giao thông hàng không, Bí thư Thăng hỏi: “Tân Sơn Nhất cũng là điểm ùn tắc lớn, tôi đã có đề nghị giãn thời bay ra. Bay sớm giá khác, bay muộn giá rẻ. Muốn giá rẻ được thì phải điều tiết”.
Trả lời ý kiến của Bí thư, Giám đốc Cảng vụ Cảng vụ Hàng Không Miền Nam ông Trần Doãn Mậu cho biết: Năm 2016, có khoảng 32 triệu lượt khách, dự kiến sang năm đạt 40 triệu khách, tình hình đang quá tải.
Ông Mậu cho rằng tình trạng ùn tắc hàng không đã giảm do có các giải pháp, tuy nhiên ngày tết lượng khách sẽ tăng đột biến, dự kiến 10 triệu lượt khách trong ngày tết. Cảng vụ sẽ điều phối bằng cách bố trí khung giờ thấp và chuyến bay đêm. Theo đó sẽ khai thác quỹ thời gian chuyến 5 giờ sáng, giờ khuya, để có giá cả cho hợp lý, sẽ khai thác các giờ bay này.
Ông Mậu khẳng định sẽ sắp xếp các hãng hàng không có lịch bay phù hợp.
Tuy nhiên, ông Mậu cũng kiến nghị, hiện bên phía nội địa chưa có bãi đỗ xe, đề nghị TP nhanh chóng bố trí có các trạm trung chuyển tại công viên Hoàng Văn Thụ. Như vậy mới giảm tải được ùn tắc.
Nghe đến đây, Bí thư Thăng hỏi: “Đã có đất chưa?”
Ông Mậu trả lời: "Dạ, mới đề xuất hôm qua".
Ông Mậu thông tin thêm: Cảng vụ đã có nhà đầu tư xe bus về trung tâm, mong muốn TP tuyên truyền người dân đi xe bus nhiều vào, bên cạnh đó, lượng taxi vào sân bay quá đông cũng gây ùn tắc giao thông.
Được Bí thư Thăng đề nghị bổ sung ý kiến, ông Đỗ Tất Bình - Phó Tổng giám đốc Cảng Hàng không Việt Nam phân trần: Việc điều tiết khung giờ các chuyến bay cũng gặp khó khăn do bay muộn dân ít đi, ông Bình xin hứa sẽ làm tốt việc điều tiết khung giờ bay.
Nghe ông Bình trả lời, Bí thư Thăng nói luôn: "Không phải hứa, mà giờ quá tải lắm rồi, đếm chuyến lấy tiền thì sẽ không khuyến khích được. Phải điều tiết được giờ bay thì chắc chắn sẽ giảm được".
Ông Bình nói: "Dạ thưa Bí thư, do giá vé đã bán trước đó 6 tháng".
Chưa hài lòng với câu trả lời của ông Bình, Bí thư Thăng nói: “Tôi nghe mãi chuyện này rồi, mình phải cương quyết thực hiện theo quản lý nhà nước. Tạo cho doanh nghiệp phát triển, song song đó phải dùng kinh tế để điều tiết kinh tế thị trường. Phải dùng giá cả để điều tiết”.
Đại diện Cảng vụ hàng không Miền Nam khẳng định: Về lâu dài sẽ điều phối theo giờ, theo giá, giờ cao điểm giá cao, giờ thấp điểm giá cao theo ý kiến của Bí thư.
Vị này lấy ví dụ: Nếu giờ bay như nhau: Mỗi lần cất hạ cánh, giá 3 triệu buổi đêm - buổi ngày cũng 3 triệu thì không ai chịu đi cả. Cảng sẽ có kế hoạch để tăng cường các vị trí trọng điểm. Dự kiến sẽ làm việc với lãnh đạo sở, sẽ có buổi làm việc giữa sở giao thông và các sở ban ngành.
Tại cuộc họp, Bí thư hỏi ông Mai Tuấn Anh - Tổng công ty đầu và tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) về việc có thể cho xe máy chạy vào đoạn cao tốc dài 4km nối từ đường Vành đai 2 đến nút giao An Phú - Quận 2, TP.HCM sẽ giúp giải tỏa tình trạng ùn ứ xe cộ tại khu vực này. Đoạn đường này vẫn có thể coi là đường nội đô, nếu có giải pháp tốt thì vừa giảm ùn tắc, vừa không ảnh hưởng đến giao thông chung trên cao tốc.
Ông Mai Tuấn Anh cho rằng 4km đoạn nối từ Vành đai 2 đến nút giao An Phú, trong thiết kế thì vẫn là cao tốc nội đô. Tuy nhiên, trước nhu cầu của TP.HCM, vẫn có thể cho xe máy vào được, làm dải phân cách mềm để xe máy chạy mà không làm ảnh hưởng. Ông Mai Tuấn Anh cũng cho biết về lâu dài, hai bên cao tốc sẽ có tuyến song hành, hiện nay đang bắt đầu triển khai xây dựng, đây cũng là giải pháp phù hợp lâu dài.
Quỳnh Mai