Bí thư Nguyễn Thiện Nhân: "Thương mại, đầu tư có thể phục hồi từ 57% đến 67%"

05/05/2020 - 13:43

PNO - Ngày 5/5, UBND TPHCM đã tổ chức buổi tọa đàm "Đồng hành khôi phục và phát triển kinh tế TPHCM năm 2020" với các chuyên gia và doanh nghiệp qua hình thức trao đổi trực tuyến tại ba đầu cầu.

Phát biểu tại tọa đàm, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân đưa ra một lộ trình lượng hóa về tình hình dịch bệnh, từ đó phân tích, dự báo sự phục hồi và tái cơ cấu kinh tế TPHCM.

Các doanh nghiệp vừa và nhỏ, trong đó bao gồm tiểu thương và các hộ kinh doanh nhỏ lẻ, được đánh giá là bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong đại dịch COVID-19  Ảnh: Quốc Ngọc
Kinh tế TPHCM bị ảnh hưởng nặng nề trong đại dịch COVID-19 - Ảnh: Quốc Ngọc

Theo đó, trong 14 quốc gia đối tác chiếm 80% hoạt động thương mại tại Việt Nam, hiện đã có 9 nước chuyển giai đoạn an toàn, tức đã qua đỉnh dịch với tiêu chí 1 triệu dân có không quá 10 người nhiễm. Trong đó, có nhiều nước đã có thể làm ăn với Việt Nam bình thường từ tháng 6-8/2020.

Còn lại 5 nước gồm Mỹ, Ấn Độ, Indonesia, Hà Lan và Singapore tình hình dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp.

“Nếu đẩy mạnh buôn bán đến cuối năm, thì hy vọng 57% giá trị thương mại có thể được phục hồi”, ông Nhân nhận định.

Bên cạnh đó, trong 6 đối tác đầu tư chiếm 80% vốn đầu tư ở Việt Nam thì chỉ có Singapore - nhà đầu tư lớn thứ hai ở Việt Nam - chưa thoát khỏi dịch; còn 5 quốc gia và vùng lãnh thổ còn lại Hàn Quốc, Hồng Kông, Nhật, Trung Quốc, Đài Loan đã chuyển sang giai đoạn an toàn. Theo Bí thư Nguyễn Thiện Nhân, nếu có thể từ tháng 5 kêu gọi đầu tư thì khả năng khôi phục được 67% giá trị đầu tư.

Từ đó, ông Nhân đưa ra 10 yêu cầu về phòng dịch, phục hồi sản xuất, kinh doanh và hoạt động xã hội trong điều kiện bình thường mới.

1. Thực hiện hành vi phòng dịch chuẩn với cá nhân, doanh nghiệp, trường học, cộng đồng, dịch vụ… Phát hiện và kiểm soát kịp thời tất cả người nhập cảnh mang nguy cơ nhiễm COVID-19.

2. Ngăn chặn sự phá sản của doanh nghiệp bằng cách hỗ trợ thu nhập cho người lao động để doanh nghiệp không mất lao động (tháng 5 đến tháng 6/2020). Hỗ trợ đảm bảo tính thanh khoản của doanh nghiệp. Hỗ trợ phục hồi sản xuất, dịch vụ nhằm vào nhu cầu thị trường nội địa gần 100 triệu dân.

3. Hỗ trợ, khuyến khích sản xuất thay thế hàng nhập khẩu, nhất là vật tư, thiết bị có lợi thế nguồn gốc địa phương và mở rộng chuỗi giá trị gia tăng trong nước, kể cả sản phẩm xuất khẩu.

4. Dự báo kịp thời, phối hợp với các nước đối tác chủ yếu về thương mại, đầu tư và du lịch để mở cửa hoạt động kinh tế, du lịch với từng nước, vào thời điểm phù hợp (tháng 5/2020 đến tháng 12/2020).

5. Thúc đẩy số hóa tài nguyên của các doanh nghiệp, hoàn thành cơ sở dữ liệu số của các ngành kinh tế, hạ tầng của thành phố và triển khai quản trị thông minh ở các doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước. Đẩy mạnh thực hiện thành phố thông minh.

6. Triển khai mạnh mẽ đầu tư công của thành phố, phấn đấu đến tháng 10/2020 giải ngân trên 80% giá trị các dự án.

7. Đẩy mạnh xây dựng Khu công nghiệp mới, Khu công nghệ cao giai đoạn 2, phệ duyệt quy hoạch cục bộ và kêu gọi đầu tư Khu đô thị sáng tạo tương tác cao TPHCM, đẩy mạnh đầu tư ở Khu đô thị mới Thủ Thiêm.

8. Hỗ trợ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, vượt qua thách thức lớn hiện nay.

9. Hỗ trợ đẩy mạnh các chương trình đề án khởi nghiệp sáng tạo.

10. Phát huy trí tuệ, nguồn nhân lực của thành phố, cả nước và người Việt Nam ở nước ngoài để xây dựng các đề án, quy hoạch cụ thể của 3 chương trình đột phá của TPHCM (đổi mới quản lý, phát triển hạ tầng, phát triển nhân lực và văn hóa) và chương trình trọng điểm (phát triển doanh nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo và phát triển sản phẩm chủ lực) giai đoạn 2020 - 2025, định hướng 2030 để triển khai mạnh mẽ từ năm 2021.

Tại tọa đàm, ông Nguyễn Thành Phong - Chủ tịch UBND TPHCM - cho hay, trong quý I năm 2020, việc thực hiện nghiêm yêu cầu giãn cách xã hội để phòng chống dịch đã tác động rất lớn đến sự tăng trưởng của thành phố. Mức tăng trưởng kinh tế của thành phố chỉ đạt 0,42% so cùng kỳ năm 2019, thấp nhất kể từ năm 1986 đến nay.

Với vai trò đầu tàu kinh tế, dẫn dắt kinh tế của vùng và cả nước, TPHCM luôn đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn cả nước trung bình từ 1,1 đến 1,2 lần trong một thời gian dài. Sự tăng trưởng chậm lại của thành phố sẽ có nhiều tác động đến sự tăng trưởng chung của cả nước.

Vì vậy, tập trung mọi nguồn lực và giải pháp để khôi phục và phát triển kinh tế TPHCM là “mệnh lệnh” cần phải làm ngay để vực dậy sự phát triển kinh tế của thành phố.

Quốc Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI