Bí thư Nguyễn Thiện Nhân: Các trường đại học phải nỗ lực trong việc phát triển bồi dưỡng nhân tài

07/09/2017 - 18:38

PNO - "Vai trò của trường đại học là phải phát hiện được nguồn nhân tài này, trên cơ sở đó hướng dẫn, hỗ trợ để họ có thể khởi nghiệp thành công và bền vững",Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân chia sẻ.

Ngày 7/9, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân đã đề nghị Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ ngoài việc đánh giá các hoạt động khởi nghiệp nói chung thì sẽ tiếp tục định hướng, tập trung phát triển, sàng lọc để hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo phải thật sự đạt chất lượng, có hiệu quả cao. 

Bí thư Thành ủy tổng kết, hiện nay có một số xu hướng lập nghiệp của giới trẻ. Thứ nhất, có những người khởi nghiệp mà không sáng tạo. Chính xác hơn, đó là những bạn trẻ lập nghiệp dựa trên những cách làm truyền thống, cha mẹ làm sao thì mình làm vậy, không đầu tư thêm chất xám để nâng cao hiệu quả kinh doanh của mình. Thứ hai là có những người sáng tạo mà không khởi nghiệp. Họ có thể sẽ thành nhà nghiên cứu rất giỏi nhưng lại không bán được sản phẩm trí tuệ của mình.

"Trong khi đó, xu hướng thứ ba, khởi nghiệp dựa trên đổi mới sáng tạo là một hướng đi quan trọng, bởi họ vừa biết phát huy chất xám, vừa năng động tìm kiếm được thị trường để bán được chất xám của mình. Vì thế, vai trò của trường đại học là phải phát hiện được nguồn nhân tài này, trên cơ sở đó hướng dẫn, hỗ trợ để họ có thể khởi nghiệp thành công và bền vững", người đứng đầu Thành ủy TP.HCM chia sẻ.

Bi thu Nguyen Thien Nhan: Cac truong dai hoc phai no luc trong viec phat trien boi duong nhan tai
Bí thư Nguyễn Thiện Nhân tại buổi làm việc

Theo Bí thư Nguyễn Thiện Nhân, ở các nước, mỗi trường đại học là một trung tâm đổi mới sáng tạo. Ông kỳ vọng, các trường đại học phải nỗ lực hơn nữa trong việc phát triển bồi dưỡng nhân tài để tạo ra nguồn lực quan trọng cho thị trường trong tương lai.

Ông Nguyễn Thiện Nhân đề nghị trong thời gian tới, Sở Khoa học và Công nghệ TP HCM sẽ tiếp tục hỗ trợ hình thành không gian hỗ trợ hoạt động đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp theo hình thức hợp tác công tư (PPP), xây dựng cơ sở dữ liệu về các phòng thí nghiệm, năng lực nghiên cứu của các tổ chức KH&CN, chuyên gia,…; xây dựng quy định nâng cao hiệu quả sử dụng cơ sở vật chất của các tổ chức hoạt động KH&CN được đầu tư từ ngân sách sự nghiệp khoa học công nghệ thành phố.

Sở phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng các cơ chế, chính sách hỗ trợ; tập trung nghiên cứu khoa học – công nghệ trong các lĩnh vực: xây dựng đô thị thông minh, khoa học dữ liệu (Big Data), ứng dụng và phát triển công nghệ vi mạch, Công nghệ CNC, Công nghệ in 3D, ứng dụng tế bào gốc trong y học… để hướng đến thị trường và mục tiêu phát triển thành phố.

Tại buổi làm việc, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP HCM Nguyễn Việt Dũng báo cáo tổng quan về hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn TP. HCM trong thời gian qua.

Bi thu Nguyen Thien Nhan: Cac truong dai hoc phai no luc trong viec phat trien boi duong nhan tai
Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP HCM Nguyễn Việt Dũng báo cáo tổng quan về hệ sinh thái khởi nghiệp

Với mục tiêu đến năm 2020 hỗ trợ 2.000 dự án hình thành doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, Sở Khoa học và Công nghệ đang triển khai đồng bộ các hoạt động hỗ trợ trên nhiều khía cạnh với những kết quả được cộng đồng khởi nghiệp và chuyên gia quốc tế ghi nhận và đánh giá cao.

Về đầu tư cơ sở hạ tầng - vật chất, Sở đã thành lập 5 không gian hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và kết nối với 24 cơ sở ươm tạo doanh nghiệp với tổng mặt bằng trên 22.000 m2; trong đó 50% vốn từ xã hội hóa.  

Về giải pháp phát triển con người, hàng loạt chương trình đào tạo – tư vấn – nâng cao năng lực được tổ chức cho nhiều đối tượng, từ khối trường phổ thông, đại học cho tới các nhà quản lý và khối doanh nghiệp hiện hữu.

Đặc biệt, Chương trình SpeedUp 2017 đã cung cấp công cụ hỗ trợ tài chính từ ngân sách cho các dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thông các cơ sở ươm tạo doanh nghiệp. Trong 8 tháng qua, Chương trình đã tiếp nhận và giải quyết 112 hồ sơ dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; trong đó, số lượng các dự án được tuyển chọn đạt tỷ lệ 14/112 (12,5%), tương đối cao so với tỷ lệ tuyển chọn dự án của các quỹ đầu tư hiện nay (VIISA đạt 5%, VSVA đạt 8%).

Tuy nhiên,  về hoạt động khởi nghiệp nói chung, đa số các startup tại Việt Nam được đầu tư mới ở giai đoạn hạt giống (seed stage), quy mô nhỏ, khả năng tăng trưởng đột phá không cao…

Ông Nguyễn Việt Dũng nhấn mạnh: “Hoạt động đổi mới sáng tạo phải xuất phát từ kết quả nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và thương mại hóa sản phẩm KHCN”. Tính đến nay, 78% đề tài, dự án nghiên cứu khoa học sau khi nghiệm thu đã được ứng dụng trực tiếp và gián tiếp vào đời sống. Hàng chục sản phẩm nghiên cứu khoa học cũng đã được thương mại hóa, cung cấp và kết nối cho nhà đầu tư và cộng đồng khởi nghiệp để hình hành những doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo mới.

Quỳnh Mai

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI