Tại Hội nghị triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách TP năm 2018 do UBND TP.HCM tổ chức sáng 2/1, Ủy viên Bộ Chính trị - Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân đã đề ra 10 nhiệm vụ, kế hoạch cần triển khai thực hiện trong năm 2018, trong đó có việc đẩy mạnh phân cấp cho quận, huyện.
|
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân trao đổi với các đại biểu tại hội nghị |
Bí thư Thành ủy nhấn mạnh, năm 2018 sẽ đẩy mạnh phân cấp, sắp xếp bộ máy để giảm biên chế ở những chỗ cần giảm, qua đó khâu đánh giá cán bộ sẽ phù hợp hơn.
"Quận Bình Tân có dân số 741.000 người, hơn cả tỉnh Bắc Kạn. Dân số cả quận hơn một tỉnh. Hệ thống quản lý quá lớn. Phường cũng bằng quận của người ta. Sắp tới trong quá trình thực hiện cơ chế đặc thù TP.HCM sẽ tính toán lại, phụ cấp trách nhiệm đối với lãnh đạo ở những quận “khổng lồ” này", người đứng đầu Thành ủy TP.HCM nói.
Theo Bí thư Nguyễn Thiện Nhân các điểm nhức nhối của năm 2017 như rác thải, kẹt xe, ngập nước vẫn còn tồn tại và yêu cầu trong năm nay phải tập trung chấn chỉnh.
“Cho đến đầu năm 2017, rác thải là vấn đề nhức nhối của TP nhưng đến nay đã ổn định, bãi rác Đa Phước đã bớt mùi hôi thối” - ông nói và cho biết HĐND TP cũng đã có Nghị quyết giảm tỷ lệ chôn lấp rác trên địa bàn từ 76% xuống còn 50% vào năm 2020.
|
Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại hội nghị |
UBND TP đã tổ chức thành công hội nghị kêu gọi đầu tư trong lĩnh vực xử lý rác, rất nhiều nhà đầu tư đã đến và bày tỏ sự quan tâm. Vừa rồi, UBND TP cũng đã có kế hoạch trình thường trực Thành ủy, khoảng đầu tháng 3 sẽ tiến hành mời thầu, tháng 6 sẽ xong phần thủ tục chọn nhà thầu.
Bí thư Nguyễn Thiện Nhân nhận định: "Nếu chọn xong nhà thầu xây dựng khu xử lý rác theo công nghệ mới, từ nay trở đi rác không còn là vấn đề lớn nữa, sẽ không còn hôi thối nữa, bớt ô nhiễm đi, chi phí xử lý rác cũng sẽ giảm. Vấn đề nhức nhối nhất năm nhưng vừa qua chúng ta đã xử lý được cơ bản”.
Đối với vấn đề kẹt xe, ông Nhân cho biết kẹt xe ngắn hạn đã có giải pháp khắc phục cục bộ điểm nóng ở sân bay Tân Sơn Nhất và cảng Cát Lái, điều tiết thông minh ở hầm Thủ Thiêm.
“Cái ngắn hạn chúng ta đạt được nhưng giải pháp dài hạn không thể né tránh được. Đã có kế hoạch xây dựng Vành đai 2, 3 và 4 cần phải kêu gọi nguồn vốn đầu tư. Vành đai 2 còn 14km thôi, vành đai 3 thì gần 100km với vốn khoảng 800 triệu USD. Nếu không có hai tuyến đường vành đai 2 và 3 thì TP không giải quyết được kẹt xe”, ông Nhân nói và đề nghị cần phải tăng tốc lên.
Đối với vấn đề ngập nước, Bí thư Thành ủy TP.HCM cho rằng chống ngập không phải cứ xây nhà cao lên là hết ngập mà phải tìm đường cho nước thoát. Đây là vấn đề khó khăn, hoạt động có chu kỳ nên giải pháp phải thích ứng có chu kỳ. Ngập do mưa và triều lên, tới hẹn là lên. TP đang nghiên cứu xây dựng tuyến đê biển, Bộ Nông nghiệp đã nghiên cứu tuyến đê từ Gò Công đến Vũng Tàu.
|
Toàn cảnh hội nghị |
Về vấn đề quy hoạch xây dựng các sở, ngành cũng phải lưu ý, cấp phép xây dựng chung cư, cao ốc ở trung tâm nhiều cũng gây kẹt xe, phải làm đồng bộ. TP kêu gọi doanh nghiệp xây dựng cầu và sau đó, TP sẽ trả chậm chi phí đầu tư trong vòng 5-7 năm.
Với cách làm hiện nay, TP bỏ một số vốn lớn chỉ xây được 1 cây cầu. Tuy nhiên, khi triển khai hiệu quả giải pháp trên thì cùng số tiền ấy, TP có thể xây dựng cùng lúc nhiều cây cầu. “Tôi đã trao đổi và có doanh nghiệp đồng ý thực hiện theo cách này”, ông khẳng định và yêu cầu sắp tới ngành giao thông tổ chức hội nghị, mời các doanh nghiệp cầu đường có khả năng tham gia thực hiện dự án này.
Cụ thể hơn, Bí thư Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu, từ nay đến năm 2020 triển khai thí điểm giải pháp này để xây dựng cùng lúc 3 cây cầu kết nối từ quận 1 sang khu đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2). TP sẽ hoàn trả chi phí đầu tư cho nhà đầu tư trong vòng 5 năm…
Năm 2018, mỗi ngày TP.HCM phải thu được 1.200 tỉ đồng
Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong cho biết từ năm nay, TP.HCM được trung ương cho thí điểm thực hiện cơ chế, chính sách đặc thù. Hiện TP đang tiến hành các bước chuẩn bị. Sau đó, bắt đầu các đề án cụ thể vào cuối tháng 3/2018. Nếu kéo dài nữa thì trễ cho việc triển khai cơ chế đặc thù.
Theo ông Phong, chưa nói đến các chương trình chỉnh trang và phát triển đô thị, riêng chương trình giảm ô nhiễm môi trường, giảm ngập nước, xây dựng hạ tầng giao thông cần 850.000 tỉ mà ngân sách chỉ mới đáp ứng được 30%. Do đó cần phải huy động nguồn lực từ bên ngoài nên phải tính toán kỹ.
Trong cơ cấu thu chi năm nay, thu từ kinh tế là rất cao, mà thu từ kinh tế đòi hỏi phải hoàn thiện môi trường đầu tư để kinh doanh phát triển. Do đó bài toán điều hành năm 2018 đặt ra mục tiêu thu 376.000 tỉ đồng. Tính ra, mỗi ngày (trừ chủ nhật), thành phố phải thu trên 1.200 tỉ đồng.
Muốn đạt mục tiêu này phải bắt nguồn từ sản xuất, cho nên TP phải tập trung các giải pháp, các cơ chế mà Quốc hội cho, lắng nghe doanh nghiệp để cải thiện môi trường đầu tư, không ngừng nổ lực để phát triển.
|
Quỳnh Mai
Ảnh: Minh Thanh