Sáng ngày 8/8/2016, tờ Tuổi trẻ đưa tin anh Dương Trọng Tiến (31 tuổi, tạm trú Q.10, TP.HCM) làm nghề buôn bán, sửa chữa điện thoại đang rất hoang mang, lo lắng bởi quyết định “khởi tố bị can” của cơ quan điều tra công an treo lơ lửng.
Theo lời kể của anh Tiến, trưa ngày 15/6/2016, anh Tiến đang bán một chiếc điện thoại cho khách thì bị công an vào kiểm tra và thu giữ 40 chiếc điện thoại cũ (trị giá 120 triệu đồng) với hành vi kinh doanh trái phép. Cụ thể, tại thời điểm kiểm tra, anh Tiến không trình ra được giấy phép kinh doanh. Khi lên trụ sở công an, anh Tiến nhận được tờ "khởi tố bị can" với tội danh "mua bán ngoại tệ không có giấy phép kinh doanh".
Không đồng tình với quyết định, tội danh mà mình phải gánh chịu. Anh Tiến chụp lại tờ "khởi tố bị can" rồi ra về. Cho đến nay đã gần 2 tháng nhưng anh Tiến không nhận được tiếp thông báo nào từ cơ quan điều tra.
|
Biên bản "khởi tố bị can" anh Tiến cung cấp với báo chí (Ảnh TTO). |
Định giá tang vật không phù hợp
Phân tích về vụ việc của anh Tiến, Luật sư Bùi Quốc Tuấn - Đoàn Luật sư TP. HCM cho rằng, cơ quan điều tra đã xác định không phù hợp giá trị tang vật. "Trong những chiếc điện thoại của cơ quan chức năng thu giữ, có cả những chiếc mà khách hàng mang tới sửa nên khó có thể định giá cụ thể. Nếu điện thoại hỏng, thì nó không có giá trị hoặc điện thoại cũ thì giá trị cũng khó xác định" - Luật sư Tuấn nói.
Ông Tuấn nêu quan điểm: Kinh doanh trái phép là hành vi bị pháp luật cấm, thuộc trường hợp tội ít nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại không lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy khoảng ba năm tù. Theo đó, kinh doanh trái phép ở Việt Nam được xem là dạng tội phạm ít nghiêm trọng cho xã hội. Phải có hành vi kinh doanh đã xảy ra trên thực tế và có một trong ba yếu tố:
Một là, có hành vi kinh doanh nhưng không đăng ký kinh doanh (không làm thủ tục đăng ký kinh doanh với cơ quan nhà nước hoặc có làm thủ tục nhưng không được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp mà vẫn thực hiện việc kinh doanh).
Hai là, có hành vi kinh doanh, có đăng ký kinh doanh nhưng không đúng với nội dung đã đăng ký.
Ba là, có hành vi kinh doanh, có đăng ký kinh doanh đúng với nội dung đã đăng ký trong Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh/ Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp nhưng không có Giấy phép riêng. Ví dụ giấy phép kinh doanh rượu, phải có Giấy phép riêng là Chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh vệ sinh an toàn thực phẩm v.v…
"Hành vi kinh doanh trái phép là việc thực hiện các giao dịch kinh doanh với mục đích sinh lợi nhưng không “thông báo” với cơ quan chủ quản Nhà nước về giao dịch đó. Việc "thông báo" này nhằm mục đích yêu cầu cá nhân, doanh nghiệp phải nộp thuế, tuân thủ điều kiện về môi trường, nước thải, an toàn lao động và các quy chuẩn khác mà nhà nước hướng tới
Những hành vi tuy có dấu hiệu của tội phạm, nhưng tính chất nguy hiểm cho xã hội không đáng kể, thì không phải là tội phạm và được xử lý bằng các biện pháp khác (Khoản 4, Điều 8 BLHS). Với mức độ ít nghiêm trọng, thông thường sẽ bị xử phạt hành chính, nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm mới phải chịu trách nhiệm hình sự.
Bộ Luật hình sự có hiệu lực ngày 1/7/2016 (đã bị tạm hoãn thi hành) thì tội phạm này đã không đề cập, nếu có vi phạm thì không khởi tố. Nếu có xảy ra trước ngày 1/7/2016 thì áp dụng có lợi cho bị can bị cáo. Gọi là miễn trách nhiệm hình sự" - ông Tuấn nói.
|
Anh Tiến đang rất lo lắng vì không nhận được thông báo của cơ quan chức năng (Ảnh TTO). |
Cơ quan tố tụng đang trái pháp luật?
Luật sư Bùi Quốc Tuấn nhận định, hành vi kinh doanh trái phép của anh Tiến cũng không quá nghiêm trọng mà phải khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can.
"Trường hợp anh Dương Trọng Tiến, như thông tin báo nêu, thì công an đã thực hiện tủ tục tố tụng không đúng quy định pháp luật. Khi ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can thì phải giao cho Bị can quyết định khởi tố đó, không được “nhá hàng” rồi hướng dẫn chuyển qua hành vi khác để xử lý là hoàn toàn không phù hợp theo Luật Tố Tụng hình sự.
Nếu hiện nay Công an Quận 10, cho rằng không có quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, thì cũng phải giải thích và trả lời cho anh Tiến biết về tình trạng pháp lý của mình" - ông Tuấn nói.
Đồng quan điểm, Luật sư Bùi Văn Nam - Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho rằng, việc lấy một tội danh khác để gán cho anh Tiến là hoàn toàn trái với quy định của pháp luật. Ở Việt Nam hiện nay có rất nhiều cửa hàng kinh doanh điện thoại cũ, tình trạng không có giấy phép là phổ biến.
Nếu áp dụng phương án xử lý hình sự đối với anh Dương Trọng Tiến sẽ gây ra hệ lụy hoang mang cho người dân. "Cơ quan chức năng nên hướng dẫn, tuyên truyền người dân làm đúng hơn là xử lý hình sự" - ông Nam nói.
Cơ quan chức năng phủ nhận Trả lời trên báo Tuổi trẻ, điều tra viên Võ Quốc Khánh - cán bộ làm việc trực tiếp với anh Tiến phủ nhận toàn bộ thông tin mà anh Tiến cung cấp với báo chí. Về việc định giá 40 chiếc điện thoại Nokia hơn 100 triệu đồng, ông Khánh nói do hội đồng định giá của Q.10 định giá chứ ông không tự quyết định. Chiều 28/7, ông Phạm Công Hầu, đội trưởng đội cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ Công an Q.10, cho biết vụ việc liên quan đến anh Tiến đang được xác minh, xử lý theo quy định tiếp nhận tố giác, tin báo tội phạm. Khi được hỏi về quyết định khởi tố bị can đối với anh Tiến vào ngày 30/7, ông Hầu khẳng định công an quận chưa ra quyết định khởi tố vụ án hay bị can nào liên quan vụ việc của Tiến. Khi chúng tôi đưa ra quyết định khởi tố bị can mà điều tra viên Khánh “tống đạt” cho anh Tiến, ông Hầu nói “văn bản này không đúng, không có”. |
Đoàn Văn