“Tôi đề nghị cái gì quyết được là quyết ngay. Nhất quyết năm nay không được dạy thêm học thêm. Chuyện dạy thêm học thêm tôi rất hoan nghênh mở các trung tâm, các doanh nghiệp đào tạo, ai có nhu cầu thì đến mở, ai học đến học, chứ không phải mở ra tại nhà các thầy cô giáo hoặc biến tướng theo các hình thức khác. Hội nhập là không chạy trường chạy lớp, Hội nhập là không dạy thêm học thêm. Cử tri đang phản ánh về tình trạng trái tuyến”.
Bí thư thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng nói như vậy tại buổi làm việc giữa lãnh đạo Thành ủy - UBND TP.HCM với GS.TS Phùng Xuân Nhạ- Bộ trưởng Bộ GD-ĐT để bàn về Phát triển giáo dục và đào tạo TP.HCM.
|
Ông Lê Hồng Sơn trình bày với lãnh đạo Bộ và TP |
Hội nhập là không chạy trường chạy lớp
Tại buổi làm việc, Bí thư thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng cho rằng TP mong muốn Bộ GD-ĐT cho cơ chế thí điểm, những cái gì luật quy định, luật chưa có thì để TP thí điểm Giải pháp nâng cao nguồn nhân lực là 1 trong 7 giải pháp trọng điểm mà TP đang tập trung thực hiện. Nhưng để làm được điều này cần nâng cao giáo dục, thay đổi, đổi mới toàn diện căn bản giáo dục ở các cấp học.
Theo Bí thư Thăng, TP là trung tâm giáo dục của cả nước, mà giáo dục phải đi đầu trong Hội nhập. Khi xây dựng niềm tin, đổi mới căn bản toàn diện giáo dục. Những cái gì liên quan cơ chế chính sách, mô hình, khi quyết định phải dựa trên khoa học giáo dục đào tạo, không phụ thuộc.
“Đối với TP.HCM có nét văn hóa riêng, đặc trưng nét văn hóa Nam Bộ Trong GD của TP cần xây dựng đặc trưng, bản sắc. Dù thế nào cần mang văn hóa Nam Bộ, hào sảng, sẵn sàng dấn thân, là nghĩa khí. Trong chương trình đào tạo cần duy trì được điều đó.” Ông Thăng nói.
Bí thư thành ủy đề nghị: “Tôi đề nghị cái gì quyết được là quyết ngay. Nhất quyết năm nay không được dạy thêm học thêm. Chuyện dạy thêm học thêm tôi rất hoan nghênh mở các trung tâm, các doanh nghiệp đào tạo, ai có nhu cầu thì đến mở, ai học đến học, chứ không phải mở ra tại nhà các thầy cô giáo hoặc biến tướng theo các hình thức khác. Hội nhập là không chạy trường chạy lớp, Hội nhập là không dạy thêm học thêm. Cử tri đang phản ánh về tình trạng trái tuyến”.
Theo ông Thăng, chúng ta đang thực hiện xã hội hóa, cái gì cũng phải xã hội hóa. Đối với người nghèo thì mình hỗ trợ. Đối với đối tượng khác theo thị trường. Nếu cái gì cũng ngân sách cấp thì không bao giờ đủ. Rất nhiều nơi làm trường mầm non, tiểu học, TP đề nghị cấp đất, người ta đầu tư. Không xã hội hóa thì các anh không thể cho các cháu học đến nơi đến chốn được. Mỗi lần gặp mặt đầu năm các cháu đều mong muốn giảm tải, dạy bơi nhưng giờ kiếm đất, kiếm tiền đâu ra. Vì thế phải xã hội hóa.
Ông Thăng yêu cầu đào tạo ở trường phải gắn với các doanh nghiệp. Ông đưa ra dẫn chứng, khu công nghệ cao nhưng sao lại thiếu nguồn nhân lực, rất nhiều sinh viên ra trường thì không có việc làm nhưng nhân tài về phần mềm lại thiếu.
|
Bí thư thành ủy Tp.HCM chỉ đạo |
“Phải đẩy mạnh khởi nghiệp. Trong chương trình giáo dục phải đưa tinh thần khởi nghiệp vào giảng dạy. Trường học phải đào tạo, nuôi dưỡng, ước mơ hoài bão của sinh viên”. Ông Thăng nói.
Ông Thăng đề nghị thực hiện phân cấp ủy quyền cho TP. Cái gì chủ tịch UBND TP quyết thì tôi quyết. TP có cơ chế đột phá, thì phát huy hết tiềm năng.
TP kiến nghị Bộ cho phép ngành GD- ĐT có cơ chế đặc thù
Trước đó, trình bày với lãnh đạo TP và lãnh đạo bộ giáo dục, ông Lê Hồng Sơn, giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết: Trong quá trình phát triển, do đặc thù là một thành phố lớn, tốc độ tăng dân số cơ học kéo theo tốc độ tăng học sinh trung bình mỗi năm gần đây khoảng 65.000hs/năm, tức mỗi năm bình quân cần xây mới gần 3.000 phòng học để đáp ứng chỗ học đạt chuẩn, đặc biệt năm 2015 tăng 85.000 học sinh, là áp lực lớn trong việc nâng chất lượng dạy và học, tổ chức cho học sinh học tập sinh hoạt cả ngày trong trường và việc xây dựng trường lớp, tăng cường đội ngũ… nên đã phát sinh một số vấn đề khó khăn.
Đó là nhu cầu giữ trẻ của người dân thành phố là rất cao, đặc biệt là con công nhân lao động trong các khu chế xuất, khu công nghiệp phải gởi con ngoài giờ, gởi cả ngày nghỉ là có, tuy nhiên hiện nay ngành vẫn chưa thể đáp ứng được đầy đủ.
Sĩ số học sinh/ lớp đông, nên tỷ lệ trường mầm non đạt chuẩn quốc gia chưa cao (hiện chỉ đạt 10%). Thông tư liên Bộ GD&ĐT – Bộ Nội vụ quy định về danh mục khung vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập chưa hợp lý, cụ thể quy định 4 chức danh (kế toán, thủ quỹ, văn thư, y tế) nhưng chỉ có 2 vị trí việc làm, việc này không phù hợp ở các trường mầm non thuộc thành phố Hồ Chí Minh…
Ông Sơn kiến nghị Bộ cho phép thành phố tự xây dựng khung chương trình giáo dục và bộ sách giáo khoa phù hợp thực tiễn phát triển của thành phố dựa trên khung chương trình chung của Bộ GD&ĐT. Cho phép học sinh các trường chuyên, lớp chuyên được thi một số tín chỉ ở một số môn tương ứng, phù hợp đang được giảng dạy trong các trường đại học, cao đẳng để có thể được chứng nhận hoàn thành tín chỉ môn cơ bản.
Giao quyền cho các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực hiện kiểm tra, đánh giá, công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông. Giao quyền tự chủ 100% cho các trường cao đẳng, TCCN công lập tự quyết định chương trình, được nhập khẩu trực tiếp các chương trình đào tạo tiên tiến từ nước ngoài, tự quyết định mức học phí, chỉ tiêu tuyển sinh...
Ông Sơn cho biết: Sở GD&ĐT cũng đã có 11 kiến nghị UBND Thành phố để tháo gỡ một số khó khăn và đã được UBNDTP chấp thuận giải quyết, tuy nhiên có một số nội dung cần được chấp thuận từ Bộ GD&ĐT hay liên Bộ kính đó là: Để thực hiện được 2 ca giữ trẻ cho con công nhân đến 20g30 và giữ cả ngày thứ bảy, chủ nhật cần phải tăng biên chế giáo viên mầm non, tuy nhiên hiện nay việc tăng biên chế này phải được chấp thuận của Bộ Nội vụ.
Bộ GD&ĐT tham mưu Chính phủ chỉ đạo các cấp chính quyền, cơ quan thông tấn báo đài tập trung tuyên truyền, phổ biến để thay đổi tư tưởng của người dân là phải vào đại học sau khi tốt nghiệp THPT, phải vào học lớp 10 phổ thông sau khi hoàn thành bậc THCS. Trong công tác tuyển dụng, cần xóa bỏ tư duy trọng bằng cấp, chỉ xét bằng cấp.
Minh Nhật - Quỳnh Mai