Bí thư Đinh La Thăng: Người lao động không nâng cao tay nghề thì rất dễ mất việc

23/02/2017 - 21:31

PNO - Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng cho rằng cuộc cách mạng công nghiệp thứ 4 sẽ tác động tới việc làm của người lao động và dễ dàng bị thay thế bởi người máy.

Tại buổi làm việc cùng Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam với LĐLĐ TP.HCM chiều 23/2, Bí thư Đinh La Thăng đề nghị LĐLĐ TP làm sao để nâng cao giáo dục chính trị cho công nhân, không được coi nhẹ học lý luận chính trị trong khi các thế lực thù địch đang ngày càng chống phá. Ông mong muốn Tổng LĐLD phối hợp LĐLĐ TP để đưa ra mô hình nhà ở cho công nhân thu nhập thấp.

Bi thu Dinh La Thang: Nguoi lao dong khong nang cao tay nghe thi rat de mat viec
Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng tại buổi làm việc.

Nói về cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, Bí thư Thành ủy TP.HCM cho rằng cuộc cách mạng này sẽ tác động tới việc làm của người lao động (NLĐ), dễ dàng bị thay thế bởi người máy. “Trong đó, ngành dệt may, giày dép là nguy cơ nhất nên chúng ta không được chủ quan. Phải quan tâm tới vấn đề hội nhập quốc tế, nếu NLĐ không có trình độ ngoại ngữ, nâng cao tay nghề thì rất dễ mất việc”, ông Thăng nói.

Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng đề xuất Tổng LĐLĐ Việt Nam cần có các giải pháp, cơ chế để bảo vệ quyền lợi NLĐ; xây dựng các thiết chế văn hoá phù hợp với công nhân, lao động như về nhà ở, nhà trẻ, siêu thị, nhà văn hóa, trung tâm thể dục thể thao phục vụ người lao động.

Tại buổi làm việc, bà Trần Thị Kim Yến - Chủ tịch LĐLĐ TP.HCM cho biết, mặc dù các cấp công đoàn thường xuyên tổ chức, tuyên truyền, vận động bằng nhiều hình thức, tuy nhiên số lượng công nhân tham gia học tập nâng cao trình độ văn hóa, nghiệp vụ tay nghề không nhiều. Nguyên nhân một phần do đời sống người lao động còn gặp nhiều khó khăn, thời gian tăng ca nhiều.

Bà Yến đánh giá, công tác nắm bắt dư luận xã hội, tâm tư nguyện vọng của NLĐ có lúc có nơi còn chưa kịp thời. Việc thực hiện quy chế dân chủ cơ sở tại nơi làm việc trong DN chưa đạt yêu cầu, nhiều DN ngoài khu vực nhà nước chưa tổ chức Hội nghị NLĐ, chưa đối thoại tại nơi làm việc…

Bà Yến đề xuất các nội dung khi tham gia với Quốc hội về sửa đổi, bổ sung Bộ Luật Lao động như: “Cần Quy định chất lượng bữa ăn ca vào quy định của luật để công đoàn có cơ sở thương lượng với người sử dụng lao động nhằm giảm nguy cơ ngộ độc thực phẩm. Quy định về quy trình thủ tục thời gian đình công, nội dung đình công khi có tranh chấp lao động tập thể về quyền và lợi ích để tổ chức công đoàn thực hiện được nhiệm vụ”.

Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thị Thu cho rằng LĐLĐ TP cần chăm lo tốt hơn nữa cho NLĐ. “Chúng ta phải làm thường xuyên liên tục, không theo mùa, phong trào, làm được điều này cần sự trợ giúp của Tổng liên đoàn. LĐLĐ sẽ có nhiều chương trình chăm lo hơn, không chỉ dừng lại ở tặng quà mà còn kết hợp khám chữa bệnh”, bà Thu yêu cầu.

Bà Thu lấy ví dụ, thường thì NLĐ chỉ xin nghỉ buổi sáng nhưng họ phải đợi lâu, có khi mất cả buổi sáng không khám được, buổi chiều lại phải vào làm việc lại. Nên chăng đề xuất với Sở Y tế để tạo điều kiện cho công nhân khám chữa bệnh thuận tiện hơn.

Chủ tịch Tổng LĐLĐ VN Bùi Văn Cường cho rằng những kiến nghị của TP và LĐLĐ TP.HCM là rất xác đáng, LĐLĐ TP sẽ nghiên cứu và chỉ đạo cụ thể. Ông Cường cho biết, Tổng LĐLĐ Việt Nam đang tập trung cụ thể hóa chủ đề năm vì lợi ích đoàn viên bằng việc tiến hành ký kết hợp tác với 9 tập đoàn và tổng công ty về việc cung ứng những dịch vụ và hàng hóa với giá ưu đãi cho đoàn viên thông qua việc sử dụng thẻ đoàn viên.

Triển khai xây dựng các thiết chế công đoàn tại các KCX-KCN cho người lao động như thiết chế công đoàn bao gồm nhà ở, nhà trẻ, các hoạt động văn hóa thể dục thể thao và đặc biệt là đề án xây dựng nhà ở với mức giá phù hợp từ 3-5 triệu đồng/m2. Xây dựng bộ nhận diện công đoàn Việt Nam.

Quỳnh Mai

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI